Nhận định trên đã được ông Lã Giang Trung - CEO Passion Investment chia sẻ tại Hội thảo “Nhận diện điểm sáng kinh doanh và đầu tư năm 2024” do CafeF tổ chức.
Ông Lã Giang Trung, CEO Passion Investment |
Theo ông Trung, thị trường chứng khoán Việt Nam vận hành theo các chính sách vĩ mô. Hiện tại, chính sách tiền tệ và tài khóa đang kích thích mạnh và là điều kiện tốt hỗ trợ chứng khoán phát triển. Ngoài ra, đà tăng trưởng của các nền kinh tế lớn trên thế giới đang phục hồi.
Thêm vào đó, VN-Index hiện đang ở vùng định giá khá thấp, P/E dưới 15 lần, trong khi trước đó chỉ số này chủ yếu là trên 20 lần; lãi suất đang ở mức thấp nhất lịch sử và sẽ còn tiếp tục đi xuống; các thị trường chứng khoán thế giới chứng khoán đều vượt đỉnh.
"Thiên thời đang rất thuận lợi cho thị trường chứng khoán tăng trưởng", ông Trung nhấn mạnh.
Dự báo, với nền lãi suất thấp và doanh nghiệp phục hồi mạnh, thị trường chứng khoán Việt Nam có khả năng trở lại đỉnh 1.500 trong năm nay và là tiền đề cho đầu năm sau vượt đỉnh. Trước đó, vào ngày 6/1/2022, VN-Index đã thiết lập mức đỉnh lịch sử tại 1.528 điểm.
"Xu hướng chính của thị trường năm nay vẫn sẽ là đi lên, song trong quá trình đi từ đáy không thể nào tránh được các nhịp điều chỉnh. Thị trường sẽ có khoảng 5 - 6 nhịp điều chỉnh lớn trong năm 2024", ông Trung nhận định.
Đánh giá về xu hướng bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài thời gian gần đây, ông Trung cho rằng quyết định của khối ngoại sẽ tùy từng giai đoạn phụ thuộc vào chiến lược đầu tư và so sánh hiệu quả đầu tư giữa các quốc gia. Tuy nhiên, ông dự đoán hoạt động bán ròng của khối ngoại sắp kết thúc và dòng vốn sẽ sớm trở lại.
Nhận định về nhóm ngành ưu tiên trong năm nay, theo ông Trung, ngân hàng và bán lẻ là hai cái tên được vị chuyên gia gọi tên.
Trong đó, nhóm ngân hàng đang được định giá ở mức thấp và còn nhiều dư địa tăng trưởng. Cụ thể, việc lãi suất huy động hạ xuống, tỷ suất lợi nhuận lãi thuần - NIM của các ngân hàng tăng lên; kết quả kinh doanh của các ngân hàng sẽ tích cực hơn khi nền kinh tế hồi phục sẽ hỗ trợ hoạt động tín dụng cũng như cải thiện chất lượng các khoản vay.
Ngoài NIM tăng, việc mặt bằng lãi suất thấp và tiếp tục duy trì từ nay đến cuối năm giúp tín dụng dễ đưa vào nền kinh tế hơn. Tín dụng tăng giúp thu nhập của ngân hàng tăng. Đồng thời, nợ xấu giảm xuống bởi các hoạt động kinh doanh doanh nghiệp và thu nhập người dân tốt hơn. Đây là ba yếu tố lớn tác động tích cực, nhờ đó, hoạt động kinh doanh của ngân hàng tích cực.
Trong nhóm cổ phiếu ngân hàng, các ngân hàng như Techcombank, MBBank, BIDV có nền tảng rất tốt nhưng đang định giá thấp vì sản phẩm của họ phân bổ nhiều vào lĩnh vực bất động sản. Trong khi lĩnh vực này đang phục hồi, các khoản cho vay được đánh giá xấu có thể chuyển thành tốt. Do đó, các cổ phiếu ngân hàng đang được định giá thấp sẽ có cơ hội hồi phục mạnh hơn. Ngược lại, nhóm cổ phiếu ngân hàng đã được định giá tốt sẵn sẽ có tốc độ hồi phục về giá chậm hơn.