Ông Huỳnh Trung Khánh: “Bỏ vốn vào vàng, vẫn là cách an toàn“

Ông Huỳnh Trung Khánh, Cố vấn cao cấp Hội đồng Vàng thế giới tại Việt Nam, kiêm Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho rằng, bỏ vốn vào vàng vẫn được xem là cách an toàn và về lâu dài, giá vẫn tăng. Tuy nhiên, trước biến động giá vàng hiện nay, người mua nên thận trọng và cần nắm bắt thông tin về tình hình kinh tế nước Mỹ.
Ông Huỳnh Trung Khánh: “Bỏ vốn vào vàng, vẫn là cách an toàn“

Chỉ trong thời gian ngắn, nhưng giá vàng biến động khá mạnh. Theo ông, nguyên nhân do đâu?

Trên thị trường thế giới, giá vàng phiên cuối tuần qua đã lên hơn 1.300 USD/ounce, do nhà đầu tư tin tưởng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ duy trì gói kích thích kinh tế lâu hơn sau những số liệu về kinh tế, đặc biệt là thị trường lao động, xấu hơn dự kiến trong thời gian gần đây. Nhà đầu tư hy vọng, Fed sẽ cân nhắc kỹ tốc độ giảm kích thích của gói nới lỏng định lượng, khiến vàng trở thành công cụ tránh lạm phát và vẫn được xem là nơi gửi gắm vốn an toàn, có khả năng sinh lời phù hợp.

Có nghĩa là, giá vàng sẽ khó giảm sâu?

Theo tôi, giá vàng khó giảm xuống dưới 1.200 USD/ounce, vì đây được xem là giá thành sản xuất của các mỏ vàng. Một khi giá bán thấp hơn giá thành khai thác, sản xuất, chắc chắn các công ty khai thác vàng sẽ dừng khai thác, hoặc khai thác chậm lại. Lượng cung vàng từ các mỏ khai thác và nhà sản xuất đưa ra thị trường cũng sẽ hạn chế nếu giá vàng giảm tới mức này, nhưng lại tác động tích cực lên giá vàng làm cho giá bán tăng.

Thực tế diễn biến thị trường thời gian qua cho thấy, giá vàng đã giảm ngay khi có thông tin Fed cắt giảm gói định lượng. Vàng đã có những phiên giảm giá trong những ngày Fed thực hiện quyết định này. Tuy nhiên, giá vàng vẫn duy trì trên ngưỡng 1.200 USD/ounce, thậm chí cao hơn cả mức này. Giá vàng chỉ giảm trong ngắn hạn, chứ không thể kéo dài chuỗi ngày giảm giá.

Theo ông, có nên bỏ vốn vào vàng lúc này và để đầu tư vàng thành công cần lưu ý những gì?

Trong ngắn hạn, giá vàng không còn nhiều lực đỡ, nhất là khi Fed đã chính thức giảm bớt gói định lượng. Nhưng về dài hạn, mặt hàng kim loại quý này có thể duy trì ở mức hiện nay, dao động trong biên độ 1.150 - 1.300 USD/ounce. Các dự báo đưa ra cho thấy, kinh tế toàn cầu năm 2014 có thể hồi phục và nếu tình hình chính trị ổn định, thì giá vàng sẽ giảm. Nhưng tôi cho rằng, vàng vẫn giữ vai trò của nó, nên giá khó xuống sâu như kỳ vọng.

Hiện vàng vẫn được xem là kênh bỏ vốn an toàn, với mức sinh lời hợp lý. Tuy nhiên, với các nhà đầu tư nhỏ, lẻ, cần thận trọng trước biến động của giá vàng. Giá vàng trong nước tăng là do ảnh hưởng bởi thị trường vàng thế giới. Song chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới hiện vẫn ở mức cao là do nhiều người chỉ ưa chuộng thương hiệu vàng duy nhất - SJC. Đồng thời, với quy định chỉ cho lưu thông mỗi thương hiệu vàng miếng SJC, trong khi nguồn cung vàng SJC đang khan hiếm, nên cầu tăng sẽ áp đảo cung và tạo áp lực lên giá vàng. Vì thế, chênh lệch giá vàng trên thị trường hiện nay chủ yếu do cung - cầu.

Tức là, cần bổ sung nguồn cung thì mới thu hẹp được chênh lệch. Nhưng hiện nay, Ngân hàng Nhà nước lại hạn chế nhập khẩu. Với nguồn lực vàng trong dân được đánh giá là rất lớn, theo ông, cần có giải pháp nào để khơi thông?

Về dài hạn, cần tiếp tục huy động vàng trong dân, song phải có biện pháp sử dụng hiệu quả nguồn vốn đó và tránh được rủi ro. Hiện nay, trên thế giới, các ngân hàng thương mại vẫn được huy động vàng, chứ không riêng ngân hàng trung ương.

Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước phải kiểm soát chặt việc này. Các ngân hàng huy động vàng phải sử dụng đúng mục đích và minh bạch trong việc sử dụng vốn vàng, thay vì chỉ mang lại quyền lợi cho mình. Vì thế, cần có bài toán về huy động vàng trong dân, bởi đây là nguồn lực tài chính phục vụ tốt cho nền kinh tế.

Tin bài liên quan