Không gian Triển lãm “Mộng Viễn Đông” của Sotheby’s tổ chức tại TP.HCM tuần qua.

Không gian Triển lãm “Mộng Viễn Đông” của Sotheby’s tổ chức tại TP.HCM tuần qua.

“Ông hoàng” đấu giá Sotheby’s: Giữ miếng bánh ở Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
Dù chưa tiết lộ cụ thể về kế hoạch đặt chi nhánh chính thức ở Việt Nam, song nhà đấu giá danh tiếng hàng đầu thế giới Sotheby’s đã nhắm tới Việt Nam như một thị trường quan trọng.

“Nóng” qua từng phiên đấu giá

Năm năm trước, khi chuẩn bị cho cuộc bán đấu giá một bức họa trị giá 50 triệu USD của Mark Rothko (Mỹ), nhà đấu giá danh tiếng hàng đầu thế giới Sotheby’s đã đưa bức họa tới châu Á để thu hút sự chú ý của các vị khách tiềm năng.

Ngoài trụ sở khu vực chính tại Hồng Kông (Trung Quốc), nhà đấu giá này chỉ đưa bức họa tới một điểm đến duy nhất khác - TP. Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc). Lý do là, Sotheby’s muốn đưa bức họa đến nơi có người muốn mua. Thời điểm đó, Đài Loan trở thành thị trường có tầm quan trọng rất lớn đối với nhà đấu giá này và theo dự báo của Knight Frank, số người siêu giàu ở Đài Bắc sẽ tăng lên mức 1.864 người vào năm 2023.

Giờ đây, dường như điều tương tự cũng đang diễn ra ở khu vực Đông Nam Á.

Trên thực tế, khách hàng tiềm năng của Sotheby’s trải khắp châu Á và đang gia tăng nhanh chóng. Năm 2022, số lượng người tham gia đấu giá tại Sotheby’s đạt mức kỷ lục, đặc biệt, số lượng người dưới 40 tuổi tham gia đấu giá gia tăng rõ rệt. Riêng thị trường Đông Nam Á, các nhà sưu tập tham gia vào doanh số bán hàng toàn cầu của Sotheby’s cũng gia tăng hằng năm, với mức tăng 75% so với 7 năm trước.

Đại diện Sotheby’s ở khu vực này cho rằng, sự phát triển rõ ràng nhất là nghệ thuật của Đông Nam Á đã có tầm ảnh hưởng quốc tế. Vì vậy, các nhà sưu tập quốc tế đang tận dụng mọi cơ hội để thu thập sản phẩm nghệ thuật ở khu vực này. Trong đó, Singapore và Việt Nam là 2 thị trường rất tiềm năng với Sotheby’s.

Tháng 4/2023, tại Hồng Kông, bức Gia đình trong vườn của danh họa Lê Phổ được bán với giá 2,37 triệu USD (hơn 55 tỷ đồng) trong phiên đấu giá do Sotheby’s tổ chức. Tác phẩm này ra đời vào khoảng năm 1938, có chữ ký, đóng dấu của họa sỹ ở phía dưới bên phải.

Với mức giá 2,37 triệu USD, bức họa Gia đình trong vườn trở thành tác phẩm được đấu giá cao nhất của Lê Phổ. Đây cũng là tác phẩm có mức giá cao thứ hai trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam được đấu giá ở thị trường quốc tế. Tranh của Lê Phổ đứng sau bức Chân dung cô Phương của Mai Trung Thứ với giá 3,1 triệu USD (hơn 72 tỷ đồng).

Sự kiện đấu giá được tổ chức nhân kỷ niệm 50 năm hoạt động tại thị trường châu Á của Sotheby’s. Phiên đấu giá đã giới thiệu 43 tác phẩm của các tên tuổi lớn thuộc mảng tranh hiện đại trên thế giới và châu Á, như: Pablo Picasso, Marc Chagall, Yoshitomo Nara, Joan Miro, Ngô Quán Trung, Zao Wou Ki, Georgette Chen...

Cùng phiên, bức Thiếu nữ áo xanh của Vũ Cao Đàm đạt gần 900.000 USD (21 tỷ đồng), bức Phụ nữ và trẻ em bên sông của Mai Trung Thứ bán với giá hơn 700.000 USD (17 tỷ đồng).

Trước đó, bức Dáng hình trong vườn của Lê Phổ đạt 2,28 triệu USD (hơn 53 tỷ đồng) trong phiên đấu giá của Sotheby’s năm 2022. Trà và đồng điệu bán ở mức 1,36 triệu USD (32,4 tỷ đồng) vào tháng 10/2022.

Lê Phổ được mệnh danh là “danh họa triệu USD”, bởi nhiều tác phẩm của ông được “gõ búa” với giá cao. Ông còn có loạt tác phẩm bán được với giá triệu USD như Thiếu nữ choàng khăn (1,1 triệu USD) trong phiên của Christie’s Hong Kong hồi tháng 5/2021. Tranh Khỏa thân đạt mức 1,4 triệu USD trong phiên đấu giá 20th Century & Contemporary Art hồi tháng 5/2019. Tác phẩm Đời sống gia đình được “gõ búa” với 1,1 triệu USD tại Sotheby’s Hong Kong hồi tháng 4/2017.

Cần phải nhắc lại, trong bảng xếp hạng 30 nghệ sĩ có doanh số cao nhất tại Hồng Kông trong năm 2021 do Artprice công bố, Việt Nam có 2 đại diện. Mai Trung Thứ xếp thứ 20, đem về 14,2 triệu USD (34 tranh đã bán); Lê Phổ xếp thứ 25 với 11,8 triệu USD (54 tranh). Đây là con số cực kỳ ấn tượng trong bối cảnh tranh của 2 họa sỹ này phải cạnh tranh quyết liệt với cả tác phẩm phương Tây lẫn phương Đông trên sàn đấu giá Hồng Kông.

Những sự kiện nói trên đã đưa Việt Nam trở thành thị trường quan trọng tiếp theo của Sotheby’s.

Không dừng lại ở những sự kiện đó, tuần qua, từ ngày 14 đến 17/8, Sotheby’s tiếp tục mang đến một trong những triển lãm nghệ thuật Đông Dương quy mô lớn nhất Việt Nam mang tên “Mộng Viễn Đông”, với hơn 50 tác phẩm chưa từng ra mắt công chúng của các giáo sư Trường Mỹ thuật Đông Dương và họa sỹ du hành từ Pháp.

Đây là lần thứ hai, Sotheby’s trở lại Việt Nam mở triển lãm. Tháng 7/2022, triển lãm đầu tiên Sotheby’s tổ chức tại Việt Nam cũng nhằm tôn vinh nghệ thuật của các họa sỹ bậc thầy xuất thân từ Trường Mỹ thuật Đông Dương. Sự kiện trưng bày nghệ thuật hiện đại quy mô lớn với hàng ngàn khách tham dự.

Lần này, trở lại Việt Nam, Sotheby’s cũng chào đón hàng ngàn khách thưởng lãm cùng khám phá xứ Đông Dương một thời, qua câu chuyện và lăng kính nghệ thuật của những nghệ sỹ người Pháp từng đi qua hoặc ở lại với vùng đất và con người nơi đây.

Trong đó, tác phẩm La Baie d’Along (Vịnh Hạ Long) của Jean-Louis Paguenaud là một trong những thách thức lớn nhất của Triển lãm. Trong quỹ thời gian eo hẹp, bức tranh có kích thước 212 x 513 cm, trọng lượng 160 kg này đã được di chuyển an toàn bằng đường bộ trong suốt 3 ngày từ Bắc vào Nam để ra mắt công chúng TP.HCM.

Đạo diễn Trần Anh Hùng chiêm ngưỡng tác phẩm tại Triển lãm “Mộng Viễn Đông

Đạo diễn Trần Anh Hùng chiêm ngưỡng tác phẩm tại Triển lãm “Mộng Viễn Đông

Bước vào cuộc đua tăng trưởng

Khi định vị tương lai của mình trong khu vực, Sotheby’s tiếp tục đặt sứ mệnh hỗ trợ kiến thiết hệ sinh thái nghệ thuật và văn hóa bản địa.

“Bằng việc giới thiệu những kiệt tác này tới công chúng, chúng tôi hy vọng, triển lãm sẽ tương tác, cung cấp thông tin, truyền cảm hứng tới cộng đồng nghệ thuật và hơn thế nữa”, bà Jasmine Prasetio, Giám đốc điều hành Sotheby’s Đông Nam Á chia sẻ.

Trong bối cảnh kinh tế Đông Nam Á tăng trưởng mạnh, lĩnh vực nghệ thuật của Việt Nam đang đặc biệt thu hút sự quan tâm của giới mộ điệu toàn cầu. Sotheby’s trở thành tên tuổi dẫn dắt để phát triển thị trường trọng yếu này và đang nắm giữ cả 3 kỷ lục về giá cao nhất cho tranh Việt.

Để tiếp tục sứ mệnh kết nối cộng đồng, nhà sưu tập trong khu vực và hỗ trợ phát triển hệ sinh thái văn hóa tại Đông Nam Á, Sotheby’s cũng vừa tổ chức một chuỗi sự kiện ở Singapore, trong đó có một phiên đấu giá và triển lãm vào tháng trước tại Marina Bay Sands, với những kiệt tác đến từ Đông Nam Á, cùng với các kỷ lục giá mới được thiết lập cho Kei Imazu, Rodel Tapaya và Liu Kang.

Thành lập năm 1744, Sotheby’s là tên tuổi hàng đầu thế giới cho nghệ thuật và xa xỉ phẩm. Sotheby’s mở ra các kênh tiếp cận nghệ thuật và vật phẩm quý hiếm thông qua những hoạt động đấu giá hoặc giao dịch trực tiếp, như kênh mua riêng, thương mại điện tử và bán lẻ. Sotheby’s sở hữu đội ngũ chuyên gia tại 40 quốc gia xếp theo 70 hạng mục, bao gồm nghệ thuật đương đại, nghệ thuật hiện đại và ấn tượng, danh hoạ cổ điển, nghệ thuật Trung Hoa, trang sức, đồng hồ, rượu, đồ thiết kế và nhiều mục khác.

Gần đây, Sotheby’s bổ sung địa ốc và xe hơi cổ điển vào danh mục sản phẩm thông qua việc mua lại cổ phần RM Sotheby’s - công ty môi giới, đấu giá xe hơi cao cấp và hợp tác với Realogy Holdings Corp (nay là Sotheby’s Concierge Auctions) để mua lại Concierge Auctions - thương hiệu dẫn đầu về địa ốc hạng sang toàn cầu.

Kết thúc năm 2022, Sotheby’s đạt tổng doanh thu khoảng 8 tỷ USD, tăng 0,7 tỷ USD so với năm 2021. Trong đó, doanh số bán hàng xa xỉ và nghệ thuật của Sotheby’s đạt 6,8 tỷ USD, giảm 7% so với năm 2021. Tuy vậy, nguồn thu cũng tăng lên đáng kể khi Sotheby’s kết hợp thêm danh mục xe hơi cổ và bất động sản thông qua Sotheby’s Concierge Auctions.

Nhà đấu giá thuộc sở hữu của ông trùm viễn thông người Pháp gốc Israel Patrick Drahi cũng lưu ý, cơ sở khách hàng của Hãng ở châu Á đang “mở rộng nhanh chóng” và những nhà sưu tập ở đây có mức chi tiêu trung bình cao hơn ở những nơi khác.

Trong khi đó, đối thủ của Sotheby’s là Christie’s dự kiến năm 2024 sẽ mở một trụ sở tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương với quy mô 4,650 m2 ở Hồng Kông nhằm thu hút người mua tại đây, cho dù năm 2022, doanh thu từ khu vực này của Christie’s giảm 21% so với năm 2021.

Ở Đông Nam Á, Singapore vẫn đang được coi là cầu nối kết nối nghệ thuật khu vực. Các hội chợ trưng bày hằng năm ở Singapore quy tụ nhiều tác giả đến từ Thái Lan, Việt Nam, Indonesia, Malaysia... Việc những bức tranh có thanh khoản “triệu USD”, cộng với sự chú ý của các “ông lớn” trong lĩnh vực đấu giá giúp Việt Nam thêm cơ hội lớn để bước vào cuộc đua tăng trưởng thị trường nghệ thuật ở châu Á.

Các nhà đấu giá có thể đặt chi nhánh chính thức ở Việt Nam và góp phần phát triển thị trường. Sotheby’s chưa tiết lộ cụ thể về kế hoạch này. Tuy nhiên, các nhà đầu tư cho rằng, cùng với sự tăng trưởng của nghệ thuật ở châu Á, Việt Nam cũng có thể tham gia trong tư thế chủ động bằng các hội chợ nghệ thuật định kỳ và quy mô của Sotheby’s. Trong khi đó, các nhà đầu tư chỉ quan tâm đến thanh khoản thị trường thông qua các phiên mua bán, trao đổi hơn là những triển lãm khu biệt người trong giới nghệ thuật.

Trước đây, đồ sưu tầm xa xỉ là sân chơi của một bộ phận nhỏ gồm những nhà sưu tập hoặc các nhà đầu tư đang tìm kiếm những nơi khác biệt để bảo quản tiền mặt. Giờ đây, các công ty đầu tư chuyên nghiệp đang biến những tài sản thường được tích trữ tư nhân này thành các dịch vụ đa dạng, có thể giúp các nhà đầu tư nhỏ lẻ tiếp cận.

Tin bài liên quan