Ông Dương Công Minh: “Hy vọng hết năm sau Sacombank thoát tái cơ cấu để được chia cổ tức”

(ĐTCK) Sáng ngày 5/6, Ngân hàng TMCP Sài Còn Thương Tín - Sacombank (STB - HOSE) tiến hành Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2020, với các câu hỏi của cổ đông được chất vấn HĐQT đều liên quan đến việc lâu nay Ngân hàng chưa chia cổ tức cho cổ đông. 
Ông Dương Công Minh: “Hy vọng hết năm sau Sacombank thoát tái cơ cấu để được chia cổ tức”

Cổ đông mỏi mòn chờ cổ tức

Một cổ đông cho rằng, đã nhiều năm nay Sacombank không chia cổ tức do phải xử lý nợ xấu kể từ khi sáp nhập thêm Ngân hàng Phương Nam (SouthernBank), nhưng hiện tình hình đã dần được cải thiện Ngân hàng có thể chia cổ tức cho cổ đông, ở mức thấp cũng sẽ ấm lòng cổ đông. Vì hiện nhiều ngân hàng chia cổ tức ở mức khá cao 30-50% bằng cổ phiếu.

Cổ đông khác nêu: "Sacombank là một ngân hàng tốt, nhưng sau sáp nhập SouthenBank thì hoạt động sa sút, do gánh nợ xấu từ ngân hàng này. Trong những năm gần đây, hoạt động của Sacombank đã phần nào tăng trưởng trở lại, nhưng vì sao lại không chia cổ tức cho cổ đông, chỉ ở mức 2% cũng là niềm vui với cổ đông"?. 

Trả lời cổ đông về vấn đề trên của cổ đông, Chủ tịch HĐQT Sacombank, ông Dương Công Minh cho biết, hiện nay nguồn lợi nhuận giữ lại của Sacombank đã hơn 4.500 tỷ đồng và Ngân hàng đã xin Ngân hàng Nhà nước để được chia cổ tức cho cổ đông.

Tuy nhiên, đến nay Sacombank vẫn chưa nhận được phản hồi từ phía Ngân hàng Nhà nước. Hiện Sacombank đang trài qua giai đoạn tái cơ cấu nên mọi nguồn lực phải tập trung cho việc tái cấu trúc. Theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng đang tái cơ cấu không được chia cổ tức.

"Bản thân tôi cũng mong được chia cổ tức để có tiền tiêu dùng. Tuy nhiên, đến nay Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa cho phép. Tôi hy vọng hết năm sau Sacombank thoát tái cơ cấu để được chia cổ tức", ông Minh nói và cho rằng, qua phát biểu của cổ đông, HĐQT, Ban điều hành Ngân hàng cũng thấu hiểu về việc không được nhận cổ tức.

Tuy nhiên, theo ông Minh, với hoạt động ngân hàng là hoạt động có điều kiện nên phải theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

"Hoạt động của ngân hàng 'trên đe, dưới búa', tức trên có Ngân hàng Nhà nước và phải làm theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Bên dưới là các cổ đông nên cũng có áp lực không nhỏ cho HĐQT, Ban điều hành", ông Minh nói  và cho biết, sang năm là kết thúc 5 năm tái cơ cấu và hy vọng Sacombank thoát khỏi tái cơ cấu để được chia cổ tức cho cổ đông. 

Ngoài vấn đề cổ tức, cổ đông Sacombank cũng đề nghị HĐQT, Ban điều hành có các cuộc gặp gỡ các quỹ đầu tư, nhà đầu tư thường quý để có sự trao đổi, vì trong thời gian qua nhà đầu tư nước ngoài bán ròng mạnh cổ phiếu STB của Sacombank.

Trả lời câu hỏi trên, ông Nguyễn Miên Tuấn, Phó chủ tịch HĐQT Sacombank cho biết, cổ phiếu Sacombank trong những năm gần đây xoay quanh 10.000 đồng/cổ phiếu. Đặc biệt, trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, có thời điểm cổ phiếu Sacombank xuống 7.000 đồng/cổ phiếu, nhưng hiện đã lên khoảng 10.000 đồng.

Mặc dù chưa chia được cổ tức, nhưng thù Lao HĐQT, Ban kiểm soát của Sacombank trong năm rồi được ĐHCĐ thông qua ở mức 2% lợi nhuận trước thuế, nhưng năm rồi HĐQT, Ban kiểm soát chỉ sử dụng khoảng 1,4% lợi nhuận trước thuế. 

Kế hoạch lợi nhuận giảm 20% so với 2019

Năm 2020, Sacombank dự kiến lãi trước thuế hợp nhất đạt 2.573 tỷ đồng, giảm 20% so với kết quả năm 2019. Tổng tài sản tính đến cuối năm 2020 dự kiến đạt 498,400 tỷ đồng, tăng 10% so với năm trước. 

 Sacombank xây dựng mục tiêu tổng nguồn vốn huy động đạt 457.200 tỷ đồng, trong đó huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư đạt 452.400 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2019. Mục tiêu dư nợ tín dụng đạt 329.400 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2019. Tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát dưới 3%.

 Theo Sacombank, với vốn chủ sở hữu đến cuối năm 2020 dự kiến là 28.395 tỷ đồng, Ngân hàng sẽ chi 785 tỷ đồng để đầu tư tài sản cố định và sử dụng 18.154 tỷ đồng cho hoạt động kinh doanh sinh lời. Ngoài ra, Ngân hàng dự kiến bổ sung vốn có giá trị 214 tỷ đồng cho ngân hàng con tại Lào trong năm 2020.

Lợi nhuận 5 tháng đầu năm nay cao hơn 5 tháng đầu năm 2019. Các chỉ tiêu huy động vốn và tín dụng tăng trên dưới 5%, lợi nhuận trước thuế khoảng 1.776 tỷ đồng. Huy động và cho vay trên 5%; trích lập dự phòng trên 1.500 tỷ đồng.

Theo bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng giám đốc Sacombank, mục tiêu lợi nhuận năm nay giảm 20% so với năm 2019 do ảnh hưởng dịch bệnh, nhưng Ngân hàng cố gắng đạt được mức lợi nhuận như năm trước.

Tuy nhiên, ngân hàng đang phải tái cơ cấu nợ cho khách hàng nên các khoản lãi dự thu không còn được thu mà phải thoái hoàn toàn theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN. 

Theo kế hoạch năm nay, Sacombank đặt mục tiêu xử lý 11.000 tỷ đồng nợ xấu. Bà Diễm cho hay, 5 tháng đầu năm, Sacombank đã đấu giá thành công 9.700 tỷ đồng và con số thực thu đến thời điểm này là 1.800 tỷ đồng thì chắc chắn từ nay đến cuối năm sẽ đạt mục tiêu đề ra là xử lý và thu hồi được 11.000 tỷ đồng. 

Thế nhưng, một trong những tài sản thế chấp lớn mà Sacombank đang muốn bán lại bị vướng lại đó là bất động sản Khu công nghiệp Phong Phú. 

Trả lời cổ đông về vấn đề này, ông Nguyễn Miên Tuấn cho biết, Sacombank đã nhiều lần bán đấu giá tài sản này (bao gồm khu đô thị, khu công nghiệp). Tuy nhiên, trong quá trình triển khai bất động sản này cũng có những tồn tại. Vì thế, đợt rồi UBND TP.HCM yêu cầu Sacombank tạm dừng phát mãi để xem xét lại nên Ngân hàng đang đợt ý kiến của UBND TP.HCM để có thể phát mãi tài sản trở lại. 

Tin bài liên quan