Nếu đại diện cho công đồng NĐT nước ngoài trên thị trường tài chính gửi kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ, ông sẽ nhấn mạnh nội dung gì, gửi thông điệp gì?
Ông Dominic Scriven
Việt Nam có mức vốn hóa của TTCK hiện chỉ tương đương với 35% GDP của Việt Nam, trong khi đó tỷ lệ này tại các nước láng giềng trung bình là 90%. Quy mô TTCK Việt Nam cũng chỉ bằng 1/8 các nước láng giềng, cộng với việc hạn chế sở hữu nước ngoài ở mức 49% làm thị trường Việt Nam còn nhỏ hơn nữa.
Theo tôi, Chính phủ cần có giải pháp tăng đáng kể mức vốn hóa thị trường và sở hữu nước ngoài trong TTCK. Việc này có thể được thực thi bằng nhiều cách.
Thứ nhất, cần làm rõ và tạo một môi trường thuận lợi cho việc tăng sở hữu nước ngoài.
Thứ hai, cần cụ thể hóa lộ trình cổ phần hóa và buộc các công ty đã cổ phần hóa phải tuân thủ thời hạn niêm yết, và áp dụng thủ tục xây dựng giá chuyên nghiệp (book building process) trong quá trình cổ phần hóa. Và thứ ba, Chính phủ cần sớm thông qua nghị định về Quỹ hưu trí tự nguyện.
Nhiều ý kiến cho rằng, các quy định của luật pháp luật đã khá toàn diện đầy đủ, vấn đề là làm thế nào để triển khai vào cuộc sống?
Chúng tôi không hoàn toàn nhất trí với ý kiến cho rằng, luật pháp Việt Nam đã khá toàn diện và đầy đủ. Chúng tôi chỉ xin đơn cử một ví dụ là hiện này nhiều cơ quan Nhà nước vẫn còn chưa có sự nhất trí về một điều tưởng như đã rõ ràng rồi là Luật Đầu tư thì điều chỉnh đầu tư trực tiếp (FDI), còn Luật Chứng khoán thì điều chỉnh đầu tư gián tiếp (thị trường chứng khoán).
Theo quan điểm của chúng tôi, chứng khoán niêm yết, công ty đại chúng, quỹ đại chúng, tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại các công ty và quỹ này, và địa vị pháp lý của các công ty và các quỹ này cần phải được điều chỉnh bởi pháp luật về chứng khoán và với cơ quan chủ quản là Bộ Tài chính/Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Đây cũng là một trong các lý do chính tại sao Nghị định 60/2015/ND-CP về tăng sở hữu nước ngoài trên thị trường chứng khoán đã có hiệu lực được 8 tháng, nhưng mới chỉ có 3 công ty trên tổng số khoảng 700 công ty niêm yết đã thực sự tăng sở hữu nước ngoài.
Nhiều DN mong muốn nhiệm kỳ của Chính phủ lần này là nhiệm kỳ hành động. Ông đề xuất Chính phủ cần hành động gì để thúc đẩy TTCK Việt Nam?
Chúng tôi rất hoan nghênh Chính phủ đã kịp thời ban hành Quyết định 51/2014/QĐ-TTg vào năm 2014, sau đó năm 2015 là Nghị định 60/2015/NĐ-CP và Thông tư 180/2015/TT-BTC yêu cầu các doanh nghiệp đã được cổ phần hóa tuyệt đối tuân thủ thời gian niêm yết/đăng ký giao dịch tại UPCoM, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội và Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM.
Tuy nhiên, hiện chưa có cơ chế nào thực sự hữu hiệu để buộc các doanh nghiệp đã được cổ phần hóa tuyệt đối tuân thủ thời gian đưa cổ phiếu lên sàn UPCoM hay lên Sở giao dịch. Điều này sẽ là trở ngại chính cho việc cổ phần hóa trong tương lai và đi ngược lại mục tiêu và tinh thần của cổ phần hóa, đó là tăng cường minh bạch và thay đổi cơ chế quản lý.
Chúng tôi kiến nghị Chính phủ tăng mức phạt vi phạm đối với những vi phạm về thời gian niêm yết và thủ tục niêm yết lên 10% lợi nhuận ròng của công ty vi phạm và buộc chủ tịch và các thành viên Hội đồng quản trị của công ty vi phạm phải chịu trách nhiệm cá nhân về việc công ty vi phạm thời hạn lên sàn và thủ tục lên sàn.