“Hà Nội mùa này sấu chín chưa em?
Hàng me Sài Gòn đang vào mùa thay lá
Thoang thoảng vị chua khiến lòng anh nhớ quá
Nhớ mùa sấu rụng phố Tràng Thi”
(Mùa sấu đã đi qua - Lê Giang)
Bao nhiêu mùa sấu đã đi qua, để lại trong thơ những nỗi nhớ. Cũng từng ấy mùa sấu đi qua, để lại trong lòng người ký ức về “tinh hoa quà Việt” - thứ quà vặt ngày nào giờ đã được nâng lên thành “tinh hoa” gắn với thương hiệu ô mai nức tiếng Hồng Lam. Nhưng ít người biết rằng, đằng sau hai tiếng Hồng Lam giản dị kia, là cả một câu chuyện dài…
Ông đại úy đi buôn
Dung lượng một bài báo có lẽ không đủ để kể chi tiết về cuộc đời của ông đại úy, từng là một trong những “hạt giống đỏ” được cử sang Liên Xô học điện ảnh, rồi sau 16 năm quân ngũ lại rẽ sang… đi buôn tăm tre xuất sang Tàu, rồi gắn với ô mai. Hỏi về bước ngoặt của cuộc đời gắn với quyết định ra quân ấy, Nguyễn Hồng Lam - người sáng lập, Giám đốc Công ty TNHH Hồng Lam ngắn gọn: “Em cũng biết, như một cái đòn bẩy, cùng một sức bẩy, đòn bẩy ngắn tí thì sức bẩy có lớn bao nhiêu cũng không đáng”.
Với ô mai, Nguyễn Hồng Lam bảo, nhiều lúc nghĩ lại, anh vẫn tự hỏi: “Không biết nó là một cơ duyên may mắn hay vô tình?”. Nhưng dù là may mắn hay vô tình, thì cái “duyên” đó cũng đã dẫn dắt tới mối gắn bó sâu sắc hơn 17 năm qua, và chắc còn kéo dài lâu nữa, giữa “Ông Đại úy” và món “quà Việt” tên gọi ô mai.
Tuy nhiên, như từ đầu Nguyễn Hồng Lam đã chia sẻ, “Câu chuyện ô mai” của anh là một câu chuyện dài, nên có rất nhiều những thăng trầm, thử thách… Đầu thập niên 90 đang có “mốt” đi buôn ở biên giới phía Bắc, buôn tàu viễn dương và lập doanh nghiệp Rồng Vàng tín dụng. Vì tích lũy được số vốn đáng kể từ thời sáng làm anh lính, tối nhận sửa đủ các loại ti vi, tủ lạnh, máy may..., Nguyễn Hồng Lam cũng tham gia cho những đối tượng này vay tiền. Khi hết “mốt”, tín dụng Rồng Vàng sụp đổ, anh cũng “mất nợ” theo. Không những mất sạch số tiền tích lũy mà còn mất tiền người khác cho anh vay, số tiền lên đến 20 cây vàng.
Kể về những mất mát, thất bại quá khứ, giọng anh bình thản: “Nhiều người nói anh đi xiết nợ, anh bảo chẳng đáng là bao nhiêu, làm quá lên có khi còn tù tội, thay vào đó, anh nghiêm túc rút ra bài học cho riêng mình và quyết tâm làm lại từ đầu”.
Ô mai Hồng Lam thành lập năm 1996. Nguyễn Hồng Lam nhớ lại, hồi đó, bố anh là Đại tá quân đội nhận lương hàm tướng khoảng một chỉ vàng một tháng, trong khi anh vì cho vay thua lỗ mà mất tổng cộng mấy chục cây vàng, giờ lại tiếp tục theo đuổi công việc mà tương lai còn khó đoán định như thế, “ông cụ rất xót”. Nhưng anh chỉ nói đơn giản với mọi người, việc mất mát nó đã xảy ra rồi, tốt hơn hết là đứng dậy tìm phương án giải quyết, thay vì để mặc vấn đề ở đó.
Vừa mất đi một số tiền lớn, trong khi công việc kinh doanh mới vẫn đang “vạn sự khởi đầu nan”, bản thân Nguyễn Hồng Lam cũng trăn trở rất nhiều. Nhưng ngay trong những lúc khó khăn như thế, anh nhận ra, chỉ có bình tĩnh mới có thể giải quyết được vấn đề, “chỉ có con voi mới kéo được con voi, chỉ có mình mới tự cứu được mình”.
Thêm vào đó, khi anh lựa chọn ô mai làm hướng đi lâu dài, mọi người tiếp tục bày tỏ không ít băn khoăn. Từ trước đến nay, thị trường sản phẩm ô mai ổn định với quy mô nhỏ, gia đình, phù hợp như một thứ quà vặt ăn chơi, khó có thể mở rộng. Ngoài ra, so với các gia đình có lợi thế gia truyền hàng trăm năm ở Hàng Đường, Hàng Buồm, Hàng Điếu…,k rõ ràng Nguyễn Hồng Lam bắt đầu từ con số 0. Nhưng nhiều lần chứng kiến vợ buôn hoa quả khô vất vả mà không được lợi nhuận bao nhiêu, lại bị các chủ buôn “bắt chẹt” quá, anh quyết tâm: “Thôi để tôi về thử chế biến cho bà đi bán” với suy nghĩ hết sức đơn giản: “Nếu không phải thần phật, người ta làm được, thì mình làm được”...
Mở “Đại dương xanh” cho quà vặt
Thành công của ô mai Hồng Lam, phần nhiều đến từ những mày mò, trăn trở của ông chủ Nguyễn Hồng Lam. Nhưng để trở thành thương hiệu dẫn đầu trong thị trường, còn cần tới những yếu tố cũng không kém phần quan trọng khác. Một trong những yếu tố phải kể đến là tư duy hiện đại của Nguyễn Hồng Lam trong việc tạo ra một “con đường xanh trong đại dương đỏ” cho sản phẩm của mình.
Nguyễn Hồng Lam nói: “Anh theo đuổi chiến lược Đại dương xanh, không muốn có va chạm, đối đầu với ai cả. Mà muốn theo đuổi chiến lược Đại dương xanh phải có hai định hướng: Dẫn đầu và khác biệt hóa, như mũi giáo”.
Trước Nguyễn Hồng Lam, hầu như chưa ai nghĩ tới việc làm ô mai - mứt bằng sấu bao tử. Khi đó mọi người đều có chung suy nghĩ ô mai phải là thứ đồ nấu chín, dẻo, còn anh khi bắt tay vào nghề lại đặt câu hỏi: “Tại sao không cho nó một tính chất, như giữ nguyên màu tươi, giữ độ giòn và tạo sự khác biệt cho ô mai?”.
Trả lời câu hỏi này, tài liệu tham khảo đầu tiên của anh là cuốn… nữ công gia chánh!
Nhưng để có được sản phẩm tiên phong, giòn, ngon và tiện hơn, cũng là chấp nhận phải đối đầu với hàng loạt vấn đề: Sấu bao tử khó, non, mang về chậm là quả sấu táp, bị xém, không còn độ giòn, độ tươi, hơn nữa, sấu chỉ đang ở giai đoạn bao tử nên quả nhỏ, cạo vỏ khó. Quá trình chế biến cũng rất phức tạp, nhưng anh quan niệm phải quyết tâm giải quyết từng vấn đề một. “Giống như đàn ông theo đuổi phụ nữ, cảm thấy phải theo đuổi thì sẽ theo đuổi, chưa được cách này thì tìm cách khác, khi nào được thì thôi!”, anh hóm hỉnh nói.
Mất hơn một năm “nấu đi nấu lại”, một lần, sau khi nấu xong anh đưa thử cho vợ nếm, ăn xong, chị quá ngạc nhiên thốt lên “Ô cái này ngon quá!”. Anh thở phào, cuối cùng cũng đã có thể nhìn thấy cái “ngách” mà ô mai Hồng Lam có thể tiến vào.
Tự nhận mình là người nhiều ý tưởng, một điểm đặc biệt nữa có thể coi là tiên phong của ô mai Hồng Lam là ở chỗ: Nếu theo cách bán hàng ô mai truyền thống, các cửa hàng chỉ thực hiện mua đứt bán đoạn, khách mua ô mai cũng khó có thể tham quan, lựa chọn trong gian hàng thì Hồng Lam chọn cách đi khác.
Xuất phát từ chính khó khăn của số 11 Hàng Đường với mặt tiền quá bé, chỉ có 2,14 m, lại ở ngay giữa phố chứ không phải đầu phố, rất khó cạnh tranh với các cửa hàng gia truyền lâu đời, Nguyễn Hồng Lam đã trăn trở tìm phương án giải quyết. Rồi anh nghĩ, “thiên thời, địa lợi” không thể làm chủ được, thì mình dùng “nhân hòa”, tạo ra sự khác biệt để thu hút khách hàng. Với mục đích tạo sự thân thiện gần gũi và cảm giác thoải mái, tin tưởng cho khách hàng, Hồng Lam là công ty có tư duy đầu tiên về văn hóa bán hàng mở: Khách hàng được tự do vào cửa hàng như siêu thị, được lựa chọn sản phẩm thoải mái, nếm thử cho tới khi thích mới mua. Thêm vào đó, các sản phẩm được niêm yết giá rõ ràng, sản phẩm nào cũng có hàng mẫu, được đóng trong bao bì dễ nhìn để khách hàng có thể cảm nhận rõ hơn về sản phẩm bên trong.
Tuổi đời thương hiệu chưa bao nhiêu, nhưng giờ nhắc tới Ô mai Hà Nội là người ta nhớ đến Hồng Lam, với hình ảnh về phố cổ, về Hà Nội, về những giá trị truyền thống muôn đời của dân tộc trong sản phẩm. Khi thưởng thức Ô mai Hồng Lam, ta có thể cảm nhận được các hương vị đan xen, hòa quyện. Như ô mai dầm tươi giòn có vị chua ngọt, thanh tao mát mẻ được ưa chuộng trong mùa hè oi ả. Ô mai xào có vị chua, cay, dẻo ngọt, nhẹ nhàng trong tiết thu se lạnh. Mùa đông đã có các vị nồng ấm của gừng, ớt, vị chua, mặn, ngọt đậm đà của đường, muối. Đặc biệt, các sản phẩm vẫn giữ được gần như nguyên vẹn hương vị đặc trưng của từng loại quả tươi. Thú thưởng thức ô mai này chứa đựng trong nó nét tinh tế trong văn hóa ẩm thực truyền thống của người Kinh kỳ: Luôn hòa hợp cùng thiên nhiên.
Vĩ thanh
Có người từng hỏi Nguyễn Hồng Lam, rằng những kiến thức học tập tại trường Kỹ thuật Điện ảnh Liên Xô có liên quan và giúp ích gì cho “Ô mai Hồng Lam” hiện tại, bởi nhìn bề ngoài, có vẻ nó là hai lĩnh vực hoàn toàn trái ngược? Ông chủ Ô mai Hồng Lam đã rất tự tin trả lời, ngược lại, kiến thức ở Đại học Điện ảnh giúp ích anh không ít. Những nền tảng cơ bản về tư duy logic, về quy trình nghiên cứu khoa học, các nghiên cứu về mắt, về cảm thụ điện ảnh tổng hợp giúp anh hiểu được tiến trình phát triển của sản phẩm, hiểu rõ tâm lý khách hàng và nhìn nhận được khuynh hướng thị trường tương đối sát sao…
Nhưng người viết thầm nghĩ, đó mới chỉ là những điều kiện cần, ông chủ của Hồng Lam chắc đã khiêm tốn không nhắc tới bản lĩnh và tìm tòi không ngừng của bản thân trong việc biến những lý thuyết kia thành thực tế kinh doanh trong “thương trường khốc liệt” mà thực tế “cơn bão” vừa qua đã đánh gục hàng vạn DN lớn nhỏ.
“Câu chuyện ô mai” của Nguyễn Hồng Lam, thực đã khiến không ít người tin rằng, dẫu là “quà vặt”, nếu chịu khó tìm kiếm thì vẫn luôn có “ngách thị trường” riêng, vẫn hoàn toàn có thể làm nên “chuyện lớn”, làm nên “chuyện tinh hoa”.