1.
Chuyện kinh doanh nhà hàng Đặc sản Dê Ré mới đây của ca sĩ Trọng Tấn xuất phát từ “tố chất kinh doanh” của Hoàng tử nhạc đỏ đa tài này và nó được thực hiện hóa khi bén “nhân duyên” với một cộng sự rất có kinh nghiệm kinh doanh. Anh đã từng làm CEO cho một tập đoàn thực phẩm lớn của người Việt tại Liên bang Nga một thời gian dài.
Trước khi gặp nhau ở ý tưởng kinh doanh, họ là hai ông bố có con học cùng một lớp. Quen nhau trong các buổi họp phụ huynh, chơi với nhau vì các con, rồi họ phát hiện có chung sở thích về âm nhạc, ẩm thực, kiến trúc và hội họa. Đặc biệt, cả hai đều lớn lên từ những vùng quê nghèo và đã từng nghèo như nhau.
Người rất có kinh nghiệm kinh doanh đó chính là anh Đinh Minh, Chủ tịch HĐQT Migroup - một tên tuổi mới trên thị trường ẩm thực Hà Nội. Rất dễ gặp anh tại nhà hàng trong các buổi anh đi thị sát hoạt động kinh doanh, ở những bàn tiệc của khách hàng, là bạn bè thân thiết khi đến một trong 4 nhà hàng chuyên về hải sản và dê ở Hà Nội. Hoặc tại một phòng triển lãm tranh nào đó, hay những buổi hát chầu văn, làng nghề truyền thống...
Hẹn gặp anh tại Nhà hàng Thế giới Hải sản (75A - Trần Hưng Đạo, Hà Nội) - địa điểm khá nổi tiếng với người sành ăn hải sản ở Hà Nội vào buổi chiều đầu tuần. Từ bác bảo vệ, nhân viên chạy bàn đến quản lý đều không thấy căng thẳng khi anh xuất hiện ở đây. Đơn giản, anh cùng các cộng sự đã và đang tạo được một môi trường làm việc dù quy mô nhỏ, nhưng dân chủ, khuyến khích sáng tạo vì lợi ích của khách hàng, của người lao động.
Đúng như Trọng Tấn nhận xét, anh Minh là nhà quản trị kinh doanh giỏi. Trước khi về Việt Nam khởi nghiệp ở độ tuổi quá “băm”, anh từng kinh qua những vị trí đáng mơ ước của bất cứ người Việt Nam nào ở Nga.
Dáng vẻ thư sinh, chất giọng nhẹ nhàng, cách ăn, cách nói từ tốn khiến chẳng ai nghĩ anh là doanh nhân đầy tính toán, giỏi quản trị chiến lược, hơn nữa lại là sinh viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, đi nghiên cứu sinh và bảo vệ xong luận án tiến sĩ tại Nga năm 2002. Trong quá trình nghiên cứu sinh ở đây, anh làm cho 2 công ty của người Việt Nam trong lĩnh vực thương mại, sản xuất thực phẩm mỳ ăn liền, bột canh, chè, cà phê.
Một trong 2 công ty đó, đã trở thành công ty đa quốc gia chỉ trong vòng 10 năm phát triển, với tổng số lượng người làm việc tại Nga trên 3 ngàn người, có nhà máy ở Nga, Ukraine, Việt Nam. Đây là một trong những công ty mà các sinh viên Việt Nam tốt nghiệp tại Nga đều mơ ước vào làm. Bởi nó thực sự là môi trường làm việc chuyên nghiệp, lành mạnh, chú trọng đào tạo nhân sự.
Họ hợp tác với các nhà tư vấn hàng đầu trên thế giới như BCG, PWC, Deloite, IBM… để xây dựng chiến lược phát triển, điều hành doanh nghiệp. Đến năm 2008, công ty này có sự tham gia đầu tư của Công ty Nissin Food (Nhật Bản)!
Trong các năm 2004-2011, anh Minh đã trải qua các vị trí Trưởng phòng Trade Marketing, Giám đốc Bán hàng, Giám đốc Thương mại, Tổng giám đốc, thành viên HĐQT tại công ty liên doanh này.
Hơn 10 năm sống và làm việc ở Nga, anh Minh tham gia 30-40 khóa đào tạo khác nhau. Có những khóa học, anh sẵn sàng bỏ khoảng 10.000 USD chỉ để học mấy ngày về tổ chức bán hàng của Mỹ và sau đó anh thất vọng vì họ chỉ dạy lý thuyết. Nhưng có những khóa học về tài chính của E&Y mà anh chỉ phải chi 2.500 USD, nhưng lại rất bổ ích cho vị trí Tổng giám đốc.
Đầu năm 2011, anh quyết định trở về quê hương với mong muốn ổn định cuộc sống ở nơi mình muốn sống. Sau những bôn ba cả vài chục nước, anh nhận thấy không ở đâu bằng quê hương Việt Nam mình.
Trở về quê hương, để được đoàn tụ với gia đình, bạn bè, tìm cơ hội thực hiện ước mơ của “con ong chăm chỉ”, anh muốn xây dựng doanh nghiệp dù nhỏ nhưng phải có được môi trường làm việc giống như nơi anh đã từng làm.
“Mọi người hào hứng đến công ty, chăm chỉ làm việc, đoàn kết gắn bó, được đào tạo, có được những tấm gương để học tập, họ tự hào về doanh nghiệp - đó là một môi trường tuyệt vời”, anh nói.
2.
Thời còn ở Nga, mỗi năm, anh dành 1 tuần về thăm gia đình. Mỗi lần như vậy, anh luôn đặt câu hỏi, nếu về mình sẽ làm gì và dần hình thành các ý tưởng kinh doanh.
Khi quyết định về lập nghiệp, anh chọn kinh doanh chuỗi nhà hàng hải sản, phần vì không đủ tiền làm lớn, phần vì yêu biển, yêu món ăn truyền thống của Việt Nam.
Ở những vị trí cấp cao khi còn làm ở Nga, anh thường xuyên đi công tác trên 20 nước. Mỗi lần đi, các đối tác đón tiếp nồng hậu, nhưng anh chỉ muốn thưởng thức những không gian nghệ thuật, món ăn truyền thống tại đó. Anh kể, họ rất tự hào về truyền thống của họ, ai cũng cho rằng món đó của họ là ngon nhất. Khi thưởng thức, anh thường so sánh với các món ăn truyền thống của Việt Nam. Do vị trí địa lý Việt Nam có núi, sông, biển, đồng bằng, nên tạo hệ thống nguyên liệu phong phú, đa dạng, tươi ngon, với cách nấu luôn giữ nguyên hương vị tươi ngon của nguyên liệu. Đặc biệt, ẩm thực Việt Nam có vị hài hòa: không quá chua, cay, mặn, ngọt, béo.
Tuy vậy, có một thực tế là, hiện nhiều nhà hàng của Việt Nam còn thiếu sự đa dạng, ổn định hàng hóa, thậm chí mời ép khách. “Chúng tôi khao khát có một nơi bán các món ăn hải sản tươi sống, khách vào thích gì được ăn đó, dịch vụ và chất lượng hàng hóa tốt”, anh nói.
Về nước, anh mất 2 năm để ổn định cuộc sống và bắt đầu kinh doanh từ tháng 9/2013. Dù có kinh nghiệm quản trị ở nước ngoài, được đào tạo bài bản, nhưng anh vẫn tìm đến những người bạn có nhiều điểm tương đồng về cuộc sống về kinh doanh để cùng chung tay chung sức lập nghiệp.
Quan điểm về sự hợp tác của anh là “hội tụ trí tuệ, lan tỏa lợi ích”. Anh mong muốn phát huy trí tuệ tập thể để làm ra của cải vật chất, tạo công ăn việc làm cho cán bộ, công nhân viên ngày càng ổn định hơn, tốt đẹp hơn. Trong đó, ngoài ca sĩ Trọng Tấn, còn có anh Đoàn Minh Phú, Tiến sĩ kinh tế Đại học Tổng hợp Lomonosov (Nga) - hiện là thành viên HĐQT Migroup, người đã cùng anh đến các vùng biển để tìm đủ nguồn nguyên liệu tốt nhất.
Anh kể, trời nắng chang chang, chúng tôi đi Nha Trang, Phan Thiết, Phú Quốc, Nam Định, Hải Phòng, Nghệ An, Côn Đảo. Khi nhóm đến đặt vấn đề với ngư dân, đại lý, họ đều không muốn hợp tác vì sợ bị lừa…, các anh phải cam kết trung thực với họ bằng cách trả tiền trước để họ yên tâm cung cấp.
Khi có được nguồn nguyên liệu, đến công đoạn tìm cách đưa nguyên liệu về Hà Nội. Ban đầu sản phẩm bị chết nhiều, lỗ nhiều đến nỗi chúng tôi đặt dấu hỏi hoài nghi tính khả thi về ý tưởng kinh doanh của mình. Nhưng sau đó, chúng tôi cương quyết tuyển kỹ sư hải sản về nghiên cứu từng loại hải sản, điều chỉnh nhiệt độ, độ mặn, sau đó dùng nước biển sạch mang từ Vân Đồn Quảng Ninh về để nuôi dưỡng hải sản hoàn toàn bằng phương pháp tự nhiên.
Ẩm thực Việt là một nghệ thuật đang dần được thế giới công nhận
Ở Hà Nội cũng có một vài quán dê, nhưng đang được định vị là quán nhậu. Các anh muốn đưa món ăn này vào hệ thống nhà hàng như ở các nước khác trên thế giới mà anh từng đi như Mỹ,
Argentina, Tajikistan... Để chủ động nguồn thực phẩm, chúng tôi thuê một đội ngũ thu gom dê ở Sơn La, Điện Biên, Hà Giang, Lai Châu..., hoặc tự mua những con dê giống tốt và thuê người chăn thả. “Chúng tôi hướng tới ẩm thực thịt dê tinh túy như một trong các đại diện tinh hoa của ẩm thực truyền thống Việt Nam”, anh chia sẻ.
3.
Kinh doanh nhà hàng chưa bao giờ là chuyện dễ, đặc biệt là ở Việt Nam. “Tôi chưa nhìn thấy ở đâu có nhiều nhà hàng, quán ăn như Việt Nam. Ở những nước đông dân nhất thế giới như Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ, Indonesia mà cũng không có nhiều nhà hàng đến thế. Cũng có thể họ đã trải qua quá trình sàng lọc gắt gao, nhưng ở Việt Nam mọi người cứ hứng lên là mở’, anh bảo.
Do đó, nếu mô hình kinh doanh đưa ra không đặc sắc, không có thế mạnh cạnh tranh rõ ràng, đáp ứng đúng nhu cầu của đối tượng khách hàng mục tiêu, thì sẽ khiến mọi công sức tiêu tan. Thế giới Hải sản mang thông điệp: “Con gì đang bơi, chúng tôi đều có”, với 80 loại hải sản khác nhau. Nhà hàng siêu thị này dành cho đối tượng khách ở độ tuổi 35-60. Mô hình nhà hàng chợ ngon hải sản Seaba tại 196 - Thái Thịnh (Hà Nội) có không gian hiện đại năng động, gần gũi cho độ tuổi 20-40. Hiện Thế giới Hải sản còn cung cấp nguyên liệu cho các nhà hàng sang trọng, khách sạn 5 sao ở Hà Nội. Thậm chí, còn bán ngược lại cho các nhà hàng, khách sạn ở các vùng biển. “Hải sản của chúng tôi đa chủng loại hơn bất cứ ở biển nào, vì chúng tôi thu mua ở nhiều biển khác nhau”, anh Minh tự hào.
Khác nhau về mô hình, định vị phân khúc khách hàng, nhưng các nhà hàng của Migroup đều có tiêu chí 3T3K: 3T (Tươi cười - Trung thực - Tận Tâm); 3K (Không ép khách - Không cãi khách - Không lừa khách).
Ngoài ra, điều quan trọng nhất để thành công trong mô hình kinh doanh chuỗi nhà hàng ẩm thực là phải sở hữu những đầu bếp giỏi. 4 nhà hàng của Migroup có hơn 280 nhân sự, trong đó có 50 đầu bếp. “Các đầu bếp này có nhiều năm kinh nghiệm nấu hải sản trên thị trường, do bạn bè sành ăn giới thiệu”, anh Minh nói.
Không chia sẻ về mục tiêu con số kinh doanh, vì đây là mô hình mới, đang bước vào thị trường. Phải 2 năm nữa, anh mới có thể có hoạch định rõ ràng khi đặt mục tiêu. Còn bây giờ cứ chăm nghĩ, chăm làm, chăm khách hàng thật tận tâm là những gì Migroup tập trung.
Với anh Minh và các cộng sự, hải sản và dê không phải là món để ăn no, mà để ăn ngon, thưởng thức. “Tôi muốn tự hào với bạn bè của tôi ở nước ngoài khi họ đến đây thưởng thức ẩm thực truyền thống của Việt Nam. Trước mắt, cứ cam kết làm hết tâm, hết sức và tin tưởng mọi thứ ước ao sẽ đến”, vị doanh nhân 40 tuổi luôn hài hòa, khiêm nhường, nhưng cũng rất quyết đoán này chia sẻ.