Ông Hồ Huy cho rằng khoản nợ hiện tại là Mai Linh phải gánh cho các công ty con đã giải thể. Ảnh: Thái Nguyễn.

Ông Hồ Huy cho rằng khoản nợ hiện tại là Mai Linh phải gánh cho các công ty con đã giải thể. Ảnh: Thái Nguyễn.

Ông chủ Mai Linh: Nếu không khoanh nợ, 100 năm nữa vẫn chưa trả xong

Ông Hồ Huy, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Mai Linh cho rằng khoản nợ công ty này đang gửi công văn xin Nhà nước trả chậm gốc, miễn lãi phát sinh là của các công ty con đã giải thể.

Gửi công văn cầu cứu Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam về những khó khăn của mình và lo mất khả năng thanh toán với nợ gốc, lãi phát sinh lên gần 230 tỷ đồng, nhưng ông Hồ Huy khẳng định Mai Linh hiện không có nợ. Các khoản nợ mà doanh nghiệp xin "cứu" là nợ cũ từ năm 2012.

Trao đổi với Zing.vn, Chủ tịch Mai Linh nói doanh nghiệp xin là thật, vì khó khăn. Nhà nước không thì sẽ tìm cách trả, nhưng nếu tính lãi như hiện nay thì 100 năm sau Mai Linh chưa trả hết nợ.

5 năm lãi tăng hơn 100% số tiền gốc

- Ông nói Mai Linh hiện không có nợ thuế, nợ bảo hiểm, như vậy khoản nợ gốc và lãi gần 230 tỷ đồng mà công ty đang xin miễn tính lãi mới, trả chậm mỗi tháng 6 tỷ đồng là như thế nào?

- Tôi có gửi công văn đến các cơ quan liên quan thật, trình bày tình hình khó khăn hiện nay của doanh nghiệp và xin trả chậm nợ như đã nói. Nhưng đây là món nợ cũ của các công ty con không hoạt động nữa. Nợ này có từ 2012, khi Mai Linh tái cấu trúc, giảm từ tập đoàn 100 công ty thành viên xuống còn khoảng 60 như hiện nay.

Tôi lấy ví dụ như Công ty Nam Trung bộ Tây Nguyên, trước đây đầu tư 100 tỷ đồng vào Công ty cổ phần Đèo Cả để sở hữu 30% vốn. Sau khủng hoảng, năm 2012, công ty ngưng hoạt động, rút khỏi Đèo Cả thì chúng tôi mất 100 tỷ đó. Chúng tôi cũng phải trả thay khoảng 24 tỷ đồng nợ đọng bảo hiểm xã hội (BHXH), vì đây là công ty con của tập đoàn.

Sau cơn khủng hoảng, tái cấu trúc đó, tính tổng cộng thì toàn hệ thống nợ BHXH, thuế và các khoản lên đến 180 tỷ đồng.

- Các phương án mà Mai Linh đề nghị khiến nhiều người nghĩ doanh nghiệp đang xin cơ chế thanh toán nợ quá mức ưu đãi? Điều này sẽ tạo tiền lệ cho các đơn vị khác? 

 - Tôi cũng nói thật là tôi xin vì lãi đang cao quá, khiến doanh nghiệp gánh nợ chồng nợ. Nếu chỉ trả lãi thôi thì tiền làm ra hàng tháng cũng không đủ. Chúng tôi chỉ xin đừng phạt nợ cũ nữa, miễn tính lãi trên số nợ hiện nay.

Tôi cũng cam kết là sẽ trả nợ chứ không xin xóa, nhưng được trả chậm và không bị phạt trả chậm. Toàn hệ thống sẽ trả mỗi tháng 6 tỷ đồng cho đến khi hết nợ. 

- Bảo hiểm Xã hội vừa có thông tin cơ quan này không đủ thẩm quyền để giải quyết vấn đề mà Mai Linh đang kiến nghị. Ông nghĩ sao?

- Tôi nghĩ trách nhiệm là phải gửi cho đơn vị trực tiếp quản lý nợ, đồng thời gửi xin các cấp cao hơn, để họ tác động đến cơ quan này. Nội dung của chúng tôi mong muốn là chúng tôi sẽ trả nợ chậm và đừng phạt nữa, bởi mức phạt này quá nặng. 

Ông chủ Mai Linh: Nếu không khoanh nợ, 100 năm nữa vẫn chưa trả xong ảnh 1 

Chúng tôi nợ khoảng 84 tỷ đồng tính từ năm 2012, mà đến bây giờ cả tiền gốc, tiền lãi và phạt đã lên hơn 180 tỷ đồng. Tập đoàn cố gắng thanh toán một tháng khoảng 5 tỷ thì vẫn thấp hơn lãi cộng dồn. Từ đó nợ cứ chồng lên nợ, lãi chồng vào lãi và con số ngày một lớn. 

Hiện các khoản đóng mới của doanh nghiệp không được tính vào nợ gốc, mà chỉ để trừ lãi. Nếu Nhà nước cứ tính theo phương án tính lãi, tính phạt như vậy thì đến 100 năm sau Mai Linh cũng không trả hết khoản nợ này.

Mai Linh không cần nhà đầu tư nào cả

- Ông có tính đến phương án kiến nghị của doanh nghiệp không được chấp thuận? Khi đó thì các phương án khác của Mai Linh là gì?

- Tôi khẳng định là tôi xin, vì số nợ phát sinh sau 5 năm quá cao. Nếu Nhà nước cho thì tôi xin, nhưng không được thì vẫn phải trả nợ cho Nhà nước không thiếu một đồng nào. Đó là nguyên tắc của tôi, dù có phải cày cuốc, xoay xở mọi cách thì cũng phải trả nợ.

- Tức là tập đoàn vẫn chưa có phương án cụ thể để giải quyết khoản nợ này?

- 3 năm nay, doanh thu của Mai Linh thì chắc mọi người đã biết. Lợi nhuận làm ra giảm khoảng 30% so với trước khi có Uber, Grab. Tuy nhiên, tập đoàn đã tái cấu trúc xong và vượt qua giai đoạn khó khăn nhất của cuộc khủng hoảng. Tôi khẳng định là mình không nợ nần gì về thuế, BHXH thời gian gần đây.

Ông chủ Mai Linh: Nếu không khoanh nợ, 100 năm nữa vẫn chưa trả xong ảnh 2

Làm xe ôm công nghệ, nhiều người cho rằng Mai Linh đang đi xuống, song ông Hồ Huy lại khẳng định sẽ phát triển 1 triệu lái xe và kỳ vọng nghề tay trái này có thể phát triển thành thu nhập tay phải của doanh nghiệp.  

Với nợ cũ như đã nói, nếu tôi không thanh toán được, trong trường hợp ra tòa mà căn cứ theo luật các công ty này phá sản thì Nhà nước thiệt thôi. Nhưng tôi đã nhận trách nhiệm về số nợ này, do vậy mới xin miễn lãi và khoanh nợ. Bởi xét theo luật phá sản, nếu tôi buông thì Nhà nước mất khoản này.

- Sao ông không tính tới phương án tìm một nhà đầu tư rót vốn vào Mai Linh để cùng gánh vác, phát triển doanh nghiệp?

- Hiện nay chỉ có đi vay ngân hàng thôi. Mà cũng nói thẳng là chỉ có Ngân hàng Liên Việt đồng ý cho chúng tôi vay 500 tỷ đồng để đầu tư và trả nợ BHXH. Còn đầu tư thì tôi không muốn và cũng không cần ai đầu tư vào Mai Linh. Vì thời điểm khó khăn nhất của tôi đã qua rồi, vào để làm gì nữa.

Chúng tôi bây giờ chỉ đi làm ra để trả nợ, chứ không cần các nhà đầu tư khác.

- Ông đã nhận được phản hồi nào từ các cơ quan có thẩm quyền mà doanh nghiệp gửi văn bản "xin" chưa?

- Tôi mới gửi từ 13/1 và hiện chưa nhận được phản hồi nào?

Làm xe công nghệ, chiết khấu 10% đã có lời rồi

- Một hướng kinh doanh mới mà Mai Linh vừa tham gia là xe ôm công nghệ Mai LinhBike, loại hình này có mang đến nhiều kỳ vọng?

- Chúng tôi đang thử nghiệm nên chưa biết được hiệu quả ra sao, nhưng mục tiêu của chúng tôi là phát triển 1 triệu  xe ôm trong tương lai, tạo công ăn việc làm cho nhiều thành phần xã hội.

Mới bước sang tháng thứ 2 nên tôi chưa nói được điều gì. Mà ban đầu làm loại hình này tôi cũng chỉ coi là nghề tay trái thôi. Nhưng biết đâu sẽ mang đến kết quả tốt, đủ mạnh để trở thành thu nhập nuôi nghề tay phải của Mai Linh thì sao? Hiện đã có khoảng 10.000 tài xế xe ôm công nghệ MaiLinhBike và 20% trong số này chuyển sang từ xe ôm truyền thống.

- Câu chuyện xung đột giữa các hãng cung ứng dịch vụ gọi xe công nghệ với đối tác tài xế về mức chiết khấu đang khá nóng. Là doanh nghiệp tham gia lĩnh vực này, ông có thể chia sẻ về cơ sở để tính mức chiết khấu tạm cho là hợp lý hiện nay?

- Tôi không muốn bàn đến các doanh nghiệp khác, nhưng thực tế chưa có quy định nào cả, nên việc tính mức chiết khấu đang do doanh nghiệp cân đối.

Mức chiết khấu của chúng tôi đang là 15% và cam kết duy trì lâu dài.

Tôi nói thẳng, nếu không tính thuế và các khoảng phí khác thì 10% là đã có lời rồi. Mức 15% chúng tôi đang áp dụng là tính cả 3% thuế dịch vụ, các chi phí và mức lãi khác tầm 1-2%, là đủ. 

Đơn vị nào muốn lãi nhiều thì nâng chiết khấu lên, còn chúng tôi xác định lãi thấp. Tôi không có nhiều tiền để liên tục áp dụng khuyến mãi, giảm giá, nhưng tôi cũng chỉ áp dụng một mức giá, không tăng giá giờ cao điểm, cũng sẽ không nâng mức chiết khấu đã cam kết. 

Tin bài liên quan