Ông chủ LeEco đang khiến các ông lớn công nghệ phải dè chừng

Ông chủ LeEco đang khiến các ông lớn công nghệ phải dè chừng

(ĐTCK) Tập đoàn LeEco của Trung Quốc vừa lên kế hoạch mua lại hãng điện tử Vizio với giá 2 tỷ USD. Động thái này được cho là sẽ tạo ra một cỗ máy công nghệ truyền hình toàn cầu, giúp củng cố sự hiện diện của gã khổng lồ công nghệ trên phạm vi toàn thế giới.

Thương vụ mua bán này dự kiến sẽ hoàn tất vào quý IV năm nay. Sau khi được mua lại, Vizio vẫn sẽ hoạt động độc lập như một công ty con của LeEco. Song, với việc được thừa hưởng những công nghệ và sáng chế của Vizio, LeEco sẽ nắm trong tay phương tiện để tiến sâu vào thị trường ti-vi tại Mỹ. Người sáng lập kiêm chủ tịch của LeEco, Jia Yueting tuyên bố rằng, LeEco sẽ trở thành điểm truy cập truyền hình Internet lớn nhất trên thế giới.

Những năm gần gây, LeEco là tên tuổi “nổi đình, nổi đám” trong lĩnh vực điện tử tiêu dùng. Không chỉ sản xuất smart TV, hãng này còn liên tiếp cho ra mắt các sản phẩm công nghệ cao khác, từ smartphone, xe đạp thông minh, cho tới ô tô điện tự lái. Jia Yueting cũng được biết đến như một trong những tỷ phú công nghệ nổi bật của Trung Quốc, với những tuyên bố thách thức Apple, cạnh tranh với Tesla hay khiêu khích “bộ ba BAT” (Baidu, Alibaba và Tencent). Ông hiện có trong tay khối tài sản 4 tỷ USD, giàu thứ 22 Trung Quốc, theo ước tính của Forbes.

Jia sinh năm 1973 tại Sơn Tây (Trung Quốc), trong một gia đình có bố là giáo viên, còn mẹ làm nội trợ. Công việc đầu tiên mà ông làm là nhân viên hỗ trợ kỹ thuật tại cơ quan thuế địa phương vào những năm 1990. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, Jia bỏ việc để bước chân vào thương trường. Trước khi sáng lập LeEco, ông đã thành lập Công ty viễn thông Sinotel Technologies năm 2002, Công ty Xbell Union Communication Technology năm 2003. Cả hai công ty sau đó đều được niêm yết trên sàn chứng khoán Singapore.

Năm 2004, Jia tiếp tục thành lập LeTV, mà sau này được đổi tên thành LeEco. Với tập đoàn này, Jia nuôi tham vọng tham gia vào nhiều lĩnh vực khác nhau trong ngành công nghệ. Khởi đầu bằng việc cung cấp các dịch vụ video trực tuyến qua website letv.com, một dịch vụ tương tự như Youtube, đến tháng 8/2010, Công ty đã niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán Thâm Quyến, đặt một cột mốc quan trọng trong sự phát triển của mình.

Từ năm 2014, trụ sở chính của LeEco được chuyển sang Hồng Kông. Với phương châm dựa trên hệ sinh thái kết hợp của “Nền tảng, Nội dung, Sự tột đỉnh, Ứng dụng” (Platform + Content + Terminal + Application), Công ty cho ra mắt nhiều sản phẩm phần cứng với giá “rẻ như cho” để hỗ trợ cho nền tảng nội dung video của mình. LeEco đã liên tiếp lập nhiều kỷ lục về doanh số bán hàng trực tuyến, khi bán được 1.000 smart TV trong vòng 10 phút, 20.000 smartphone Le Max trong vòng 21 giây, 50.000 smartphone Le 1 trong vòng 53 giây...

LeEco cũng đã mở văn phòng tại Thung lũng Silicon và Nam California để sản xuất chiếc xe đạp thông minh Le Sivrac. Chiếc xe này được trang bị sẵn một điện thoại thông minh ở giữa tay lái, giúp hỗ trợ điều hướng và tập luyện. Le Sivrac có giá bán dao động từ 800 đến 6.000 USD, tùy vào chất liệu của khung xe.

Đặc biệt, việc tạo ra những chiếc ô tô điện có rất ý nghĩa với Jia. Nếu Elon Musk có Tesla Model 3, thì Jia Yueting có LeSEE. Chiếc ô tô điện này của người Trung Quốc đã làm cả thế giới phải ngả mũ thán phục với hai điểm nổi bật, nhất là khả năng lái tự động và đỗ xe tự động sử dụng điều khiển giọng nói thông qua một ứng dụng trên điện thoại. Đây có lẽ là niềm tự hào lớn nhất của Jia, bởi nó là một trong số rất ít mảng kinh doanh của ông phù hợp với kế hoạch cắt giảm ô nhiễm môi trường của Chính phủ Trung Quốc.

“Tất cả các doanh nghiệp có trách nhiệm đều muốn làm một thứ gì đó”, Jia chia sẻ với Bloomberg trong một cuộc phỏng vấn năm 2014. Ngoài ra, ông còn đầu tư vào mô hình siêu xe điện 1.000 mã lực của Faraday Future - một đối thủ đáng gờm của Tesla.

“Người ta vẫn thường nói, LeEco giống như đối thủ của tất cả, nhưng thực ra, chúng tôi lại là đối tác tốt nhất cho tất cả mọi người”, Jia nói. Mới đây, ông còn bày tỏ mong muốn được hợp tác với các đối thủ công nghệ kỳ cựu của Mỹ như Amazon hay Netflix.

Trong tương lai không xa, có lẽ các ông lớn công nghệ của Thung lũng Silicon cũng sẽ phải cẩn trọng trước những gì mà những người Trung Quốc như Jia Yueting đang phấn đấu.

Tin bài liên quan