Dự án chậm triển khai, tài chính bết bát
Công ty cổ phần Đầu tư thương mại và dịch vụ quốc tế (Interserco, mã chứng khoán ILS) là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ kho vận và logistics, cung ứng và quản lý nguồn lao động, kinh doanh cảng cạn… Năm 2016, Công ty được cổ phần hóa. Hiện sở hữu của Nhà nước tại doanh nghiệp chiếm 45% - do UBND TP. Hà Nội quản lý, hai cổ đông lớn khác là Công ty cổ phần Logistics Hàng không ALS nắm giữ 27%, Công ty cổ phần Chứng khoán Phố Wall nắm giữ 5%.
Sở hữu cảng ICD Mỹ Đình - cảng cạn hàng đầu miền Bắc, có lượng thông quan lớn nhờ vị trí thuận lợi, song kết quả kinh doanh của Interserco lại không hề tương xứng. Năm 2022, Công ty báo cáo doanh thu hợp nhất đạt 251,7 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế âm 18,6 tỷ đồng. Năm 2023, Công ty đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất đạt 300 tỷ đồng, tăng trưởng 20% so với mức thực hiện năm ngoái, song với lợi nhuận sau thuế âm 28,4 tỷ đồng.
Báo cáo tài chính năm 2022 cho thấy, năm qua, Công ty đầu tư 5,45 tỷ đồng cho các dự án; trong đó, đầu tư vào Dự án Cảng cạn ICD Mỹ Đình (mới) tại xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội 5,445 tỷ đồng.
Dự án này được khởi công vào tháng 2/2017, với tổng mức đầu tư được phê duyệt là 1.598,4 tỷ đồng, hoàn thành vào quý IV/2023. Tại đại hội cổ đông thường niên 2023 (diễn ra vào tháng 6 vừa qua), lãnh đạo Interserco cho biết, Công ty đã giải ngân hơn 240 tỷ đồng vào dự án tại Đức Thượng, trong đó chủ yếu cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, các khoản chi phí tư vấn, san lấp, bảo vệ mặt bằng… Tiếp theo, Công ty sẽ thực hiện song song việc giao đất, thuê đất và tiến hành thủ tục xin cấp phép xây dựng.
“Dự án được lập quy hoạch từ năm 2014 đến nay đã gần 10 năm. Trong quá trình triển khai thực hiện, Công ty nhận thấy cần thay đổi để phù hợp với nhu cầu thị trường, mang lại dòng tiền hiệu quả nhất. Thủ tục đầu tư xây dựng dự án ICD Mỹ Đình tại Đức Thượng dự kiến hết năm 2024 sẽ hoàn thành đưa vào vận hành từng phần. Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh những nguyên nhân khách quan, bất khả kháng, ảnh hưởng tới tiến độ sẽ gia hạn sang năm 2025”, ông Phùng Tiến Toàn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Interserco cho biết.
Một dự án khác từng được kỳ vọng sẽ tạo đột phá về hiệu quả kinh doanh cho Interserco là Tổ hợp thương mại và căn hộ cao cấp City of Dreams - cũng dừng vô thời hạn. Dự án này được triển khai trên lô đất có diện tích 38.000 m2 tại số 17 đường Phạm Hùng, Nam Từ Liêm, Hà Nội - một phần của khu cảng ICD Mỹ Đình. Từ năm 2011, Interserco ký kết với Công ty cổ phần Bất động sản AZ và bà Phạm Thị Hạnh cùng thành lập một công ty để tiến hành các thủ tục xin phép đầu tư, xây dựng và quản lý dự án. Theo kế hoạch, dự án sẽ tiến hành thi công từng phần từ tháng 12/2012.
Tại dự án này, Interserco góp 26% vốn điều lệ (tương ứng 75,4 tỷ đồng) bằng tài sản trên đất, giá trị lợi thế quyền khai thác tài sản trên đất và từ nguồn tiền do các đối tác khác bồi thường hỗ trợ. Năm 2018, Thanh tra TP.Hà Nội đã công bố kết luận thanh tra toàn diện khu đất số 17 Phạm Hùng, trong đó chỉ rõ nhiều sai phạm trong việc Interserco cùng các đối tác lập công ty để thực hiện dự án City of Dream. Đây cũng là lý do dự án tiếp tục “nằm im”.
Hiện tại, sau nhiều năm chưa được triển khai, khu đất Dự án City of Dream vẫn do Interserco quản lý và đang trở thành bãi xe quy mô lớn, cho thuê showroom ô tô.
Tại thời điểm 31/12/2022, lỗ luỹ kế của Interserco là 78,2 tỷ đồng, các khoản nợ phải trả ngắn hạn đã vượt quá tài sản ngắn hạn là 104,78 tỷ đồng.
Báo cáo kiểm toán báo cáo tài chính năm 2022 của Interserco cho thấy, tính tới thời điểm 31/12/2022, lỗ luỹ kế của Công ty là 78,2 tỷ đồng, các khoản nợ phải trả ngắn hạn đã vượt quá tài sản ngắn hạn là 104,78 tỷ đồng. Các yếu tố này dẫn tới nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Công ty.
“Khả năng liên tục hoạt động của Công ty phụ thuộc vào sự hỗ trợ của các cổ đông, gia hạn thanh toán các khoản vay từ các tổ chức tín dụng, cá nhân, các khoản phải trả nhà cung cấp, triển khai đưa dự án cảng cạn ICD Mỹ Đình tại Đức Thượng vào hoạt động, cũng như việc Ngân hàng Phát triển Việt Nam xem xét xử lý xoá nợ lãi vay phải trả, các khoản tài trợ tài chính từ các cá nhân, tổ chức tín dụng”, kiểm toán viên lưu ý.
Dấu hỏi hoạt động thoái vốn
Thời gian qua, Interserco đã thông qua việc chuyển nhượng phần vốn góp tại hàng loạt công ty như Công ty cổ phần Đầu tư công nghiệp hóa chất Lào Cai, Công ty cổ phần Dịch vụ xuất nhập khẩu quốc tế Inter Food, Công ty TNHH Khai thác chế biến đá An Bình, Công ty cổ phần Interserco 19, Công ty cổ phần Thương mại và dịch vụ DIN - Interserco Việt Nam, Công ty cổ phần Logistics Tây Ninh, Công ty cổ phần Thương mại và dịch vụ tổng hợp An Bình, Công ty cổ phần Kinh doanh dịch vụ Interserco Hà Nội, Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư tài chính vàng Việt Nam, Công ty TNHH Thương mại Kim Thanh, Công ty TNHH Interserco Cao Bằng.
Tại đại hội cổ đông thường niên diễn ra vào ngày 30/6 vừa qua, cổ đông chất vấn các thương vụ thoái vốn này có thuê thẩm định giá hay không, việc thoái vốn có đi kèm với chuyển dịch quyền sử dụng đất hay không, có được cơ quan quản lý vốn Nhà nước phê duyệt giá khởi điểm thoái vốn hay không, việc tổ chức thoái vốn có bán đấu giá công khai hay không… Trước câu hỏi của các cổ đông, Chủ tịch Interserco chỉ trả lời chung: “Công ty thực hiện thoái vốn tại công ty liên kết trên cơ sở thoả thuận”.
“Đây là nỗ lực đàm phán của Ban điều hành để thu lại khoản đầu tư do các đơn vị này hoạt động kém hiệu quả. Thủ tục chuyển nhượng thực hiện theo thẩm quyền của Hội đồng quản trị, tuân thủ đúng quy định của pháp luật”, ông Toàn cho biết.
Một lý do các cổ đông quan tâm tới câu chuyện nhượng vốn tại Interserco là Interserco và các công ty con đang sở hữu quỹ đất lớn, vị trí đắc địa tại Hà Nội, đặc biệt là doanh nghiệp này từng có “vết” trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Chẳng hạn, kết quả kiểm toán số 902/TB-KVI ngày 11/12/2018 của Kiểm toán Nhà nước kết luận: Xem xét điều chỉnh các quyết định phê duyệt chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng đất thực hiện dự án từ lâu nhưng không thực hiện đảm bảo đúng quy định của pháp luật, trong đó có chuyển đất từ trụ sở làm việc sang đất thương mại, dịch vụ không đúng phương án cổ phần hoá; chuyển đổi mục đích sử dụng khu đất 11.959 m2 tại 17 Phạm Hùng và bổ sung chức năng sử dụng đất 2.746,9 m2 tại 358 đường Láng cho Công ty cổ phần Cung ứng nhân lực và thương mại quốc tế (công ty con) để kinh doanh dịch vụ và thương mại.
Theo thông tin trên website của Interserco, Công ty có 150.000 m2 kho bãi, 7 công ty thành viên và 4 công ty con.
Mặc dù chỉ có vốn điều lệ 360 tỷ đồng nhưng Interserco và các công ty con, công ty liên kết đang nắm giữ nhiều lô đất vàng ở Hà Nội, gồm lô đất 17 Phạm Hùng (nằm ở ngã tư Phạm Hùng - Tôn Thất Thuyết) có diện tích 47.029 m2; lô đất 358 đường Láng, quận Đống Đa có diện tích 2.716 m2; lô đất tại Cụm 4 xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức diện tích 21.081 m2; lô đất Cảng Hồng Hà, 302 Lê Lợi, thị xã Sơn Tây; lô đất của Trường Trung cấp nghề Interserco ở xã Vân Canh, huyện Hoài Đức và nhiều lô đất khác.
Hình thức sử dụng đất hiện tại của Công ty đối với các lô đất là thuê đất trả tiền hàng năm, do vậy, theo quy định không tính giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp. Các địa điểm kể trên đang được sử dụng vào sản xuất - kinh doanh và làm văn phòng Công ty.