Ông chủ Bảo Tín Minh Châu: Theo nghề vàng cần có trái tim vàng

Người sở hữu một trong những thương hiệu vàng hàng đầu Việt Nam cho rằng, vàng không phải thứ quý nhất. Với ông, cuộc sống thực sự có nhiều điều còn quý giá hơn vàng.

Doanh nhân Vũ Minh Châu, Tổng giám đốc Bảo Tín Minh Châu

Doanh nhân Vũ Minh Châu, Tổng giám đốc Bảo Tín Minh Châu

Nghề làm vàng

Vũ Minh Châu đến với nghề vàng như duyên tiền định. Trước khi trở thành một doanh nhân giàu có, là chủ của chuỗi cửa hàng kinh doanh vàng bạc nổi tiếng đất Hà thành, như bao thanh niên thời chiến, ông Châu từng nhập ngũ, sống và chiến đấu suốt 6 năm trời, đã nếm trải nhiều khó khăn vất vả.

Rời quân ngũ, ông sống bằng nhiều nghề, từ lái xe ô tô chở xăng, chở thực phẩm, rồi đóng xe lam, thành lập nhóm xe lam, tạo công ăn việc làm cho những người bạn.

Lúc đó, vàng bạc không chỉ là thứ hàng xa xỉ, mà là cả một gia tài. Ngay cả cụ bà Lương Thị Điểm, thân mẫu của ông Châu, người được coi là tổ nghiệp nghề vàng của gia đình, cũng không nghĩ đến một ngày, việc kinh doanh của cả nhà lại gắn bó với thứ hàng hóa quý giá đến vậy, để có thể phát triển được như ngày hôm nay.

Là anh cả trong gia đình 6 anh em, Vũ Minh Châu khi đó được tiếp xúc với vàng nhiều hơn cả. Lúc thì giao hàng cho bà con quanh vùng. Lúc được mẹ giao mang cầm vàng đi cả chục cây số đến thuê thợ đánh vàng thành nhẫn.

Đường xa, lại phải chờ hàng tiếng đồng hồ mới lấy được nhẫn về, Vũ Minh Châu cảm thấy bức bối. Ông quyết định tìm cách tự học.

“Làm gì có vàng để tập đâu. Tôi mày mò mua bộ đồ nghề, bập bõm tập trên nhôm, đồng. Trời không cho chúng tôi vàng bạc, nhưng cho chúng tôi sự cảm nhận đặc biệt với vàng. Tôi học khá nhanh, tự làm cho mình và làm cho người cùng phố, kiếm được đôi chút để chi tiêu”, ông Châu kể lại những ngày đầu tiên đến với nghề kim hoàn.

Cũng từ đó, Vũ Minh Châu say mê và gắn bó với nghề vàng. Nó không chỉ mang lại cho ông tiền bạc để thoát nghèo mà còn thoả mãn niềm đam mê của một người vốn sẵn có sự tài hoa, am hiểu cơ khí, hoá học. Ông kể, rất khó quên cảm giác khi cầm trên tay những thỏi vàng lấp lánh tự tay mình làm nên sau khi phân kim, tách vàng tinh từ các loại vàng thô. Đó còn là thành quả của những ngày miệt mài nghiên cứu, tự học công nghệ phân kim, tự thực hiện các phản ứng hoá học.

Thời thế đưa đẩy, đến năm 1989, khi công cuộc đổi mới cho phép tư nhân kinh doanh vàng bạc,  Vũ Minh Châu đã mở được cửa hàng vàng mang thương hiệu Bảo Tín 1 đầu tiên tại 29 Trần Nhân Tông, Hà Nội.

Năm 1995, sau 6 năm, ông nâng cấp từ doanh nghiệp tư nhân lên công ty TNHH Vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu. Sự nghiệp của Vũ Minh Châu từ đó bước sang một trang mới.

Hiện Bảo Tín Minh Châu là một thương hiệu lớn trong thị trường kim hoàn Việt Nam. Nhưng điều mà ông chủ của thương hiệu này trăn trở không đơn giản là tuổi vàng, là chất vàng như hơn chục năm trước. Ông Châu muốn chia sẻ nhiều về một thị trường vàng minh bạch, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam; về thương trường mà ông luôn gọi là hội trường - nơi những người kinh doanh có thể cùng làm - cùng thắng chứ không phải là cạnh tranh để có người thua - người được.

Người làm vàng

Có trong tay một trong những thương hiệu vàng nổi tiếng hàng đầu Việt Nam, nhưng ông Châu không chỉ nói chuyện về vàng. Ông quan tâm nhiều đến sức khoẻ, văn hoá doanh nghiệp, sự hướng thiện của con người... nhằm tạo ra nhiều giá trị khác cho cộng đồng.

Bản lĩnh kinh doanh giúp ông luôn giữ được bình tĩnh trước sức cám dỗ đầy lấp lánh của vàng. Ông cũng từng chia sẻ, chỉ khi trọng chữ tín và có một tấm lòng vàng thì mới có thể tồn tại và thành công trong nghề vàng.

Đây cũng là lý do mà cụ Lương Thị Điểm khi khởi nghiệp kinh doanh vàng đã chọn cho mình và chỉ dạy cho các con thông qua tên thương hiệu Bảo Tín - lấy chữ tín làm đầu.

Đúng là làm việc với vàng bạc không phải dễ. Là chủ, như ông Châu, bản lĩnh và sự từng trải với nghề tạo nên uy tín. Nhưng từng người trong Công ty giữ được tâm sáng giữa sự mê hoặc của vàng bạc không đơn giản. Chắc hẳn khó tránh được chuyện nọ, chuyện kia.

Hỏi ông về việc này, ông trầm ngâm. “Người theo nghề vàng cần một trái tim vàng. Trong Công ty, chúng tôi đặt ra quy định nghiêm khắc để cùng rèn luyện. Điều quan trọng là mọi người đều hiểu, kỷ luật sẽ là nền tảng để tạo nên thành công trong công việc chung và cuộc sống riêng”, ông Châu nói.

Ông kể, có lúc ông buộc phải từ chối người tài để giữ kỷ luật và bản sắc văn hoá của công ty. Họ có thể là nhân sự giàu kinh nghiệm, giỏi kỹ thuật, nhưng lại lợi dụng công ty để trục lợi cá nhân hoặc có lối sống không lành mạnh, không phù hợp với văn hoá công ty. Ông biết, mỗi lần như vậy, doanh nghiệp có thể gặp khó khăn nhất thời, ông cũng vất vả hơn nhưng nguyên tắc thì không thể phá vỡ. Ông muốn từng nhân viên phải hiểu và luôn tâm niệm được phương châm ông muốn gửi gắm tới khách hàng, đó là “giữ tín nhiệm hơn giữ vàng”.

“Nhiều trường hợp, không phải lỗi của doanh nghiệp, cũng khó trách được khách hàng có lúc sơ xuất, nhưng Bảo Tín Minh Châu chấp nhận chịu thiệt về mình để bảo vệ chữ tín”, ông nói.

Quan điểm nhân trị và quản trị song hành khiến mọi việc trong Công ty về vàng của ông dường như thuận hơn. Ông kể, ông có thể vắng mặt cả tuần, dành nhiều thời gian  thăm thú các vùng miền, đi làm từ thiện, nghiên cứu dưỡng dược, thơ phú mà hệ thống vẫn chạy đều.

“Tôi tin họ, vì họ đã được đào tạo và kiểm chứng, cùng hệ thống quản lý, giám sát đặc biệt  chuyên nghiệp nên dù lượng hàng hóa có giá trị rất lớn, mật độ giao dịch dày đặc, với vô vàn tình huống phát sinh thì các cán bộ nhân viên vẫn xử lý tốt”, ông Châu chia sẻ kinh nghiệm.

Cuộc sống còn cần thêm nhiều giá trị khác

Với vị doanh nhân này, một cuộc sống đúng nghĩa phải đầy đủ ba yếu tố văn hóa - kinh tế - sức khỏe.

Hiện giờ, khi ông đã vào tuổi “tri thiên mệnh”, điều này càng trở nên rõ ràng. Ông dành nhiều thời gian cho bạn bè, cho sức khỏe và cho những điều mà ông gọi là “giá trị cuộc sống”.

Những ngày nghỉ, khi đêm xuống, ông mê mải với cây cỏ, với các loại thảo dược, với việc bào chế thuốc. Ông thành lập Công ty Dưỡng dược Bảo Sinh chuyên về các loại dược phẩm đông y. Sản phẩm làm ra chủ yếu để dành cho bản nhân, người thân trong gia đình, rồi biếu tặng bạn bè, đối tác, cộng sự. Ông nói, ông chưa nghĩ đến lợi nhuận.

Ông thành lập Công ty nghệ thuật Tràng An, tham gia giữ gìn các môn nghệ thuật truyền thống của dân tộc, thực hiện các sự kiện, chương trình nhằm chăm lo cho cuộc sống tinh thần của nhân viên. Ông cũng nói không vì lợi nhuận.

“Những người nhiều tiền, nhiều của mà không tiêu, không chia sẻ với cộng đồng, chỉ để dành trong nhà hoặc gửi ngân hàng là nghèo. Tiền tiêu đi mới là tiền của mình, tiền trong két vẫn là tiền của người khác", ông Châu lý giải về cách sử dụng tiền.

Ông muốn biến tiền, vàng thành giá trị cuộc sống của bản thân, của gia đình và giúp đỡ, chia sẻ với xã hội...

“Tôi muốn gắn mình với cuộc sống thực. Vàng thôi chưa đủ, cuộc sống cần thêm nhiều giá trị khác nữa”, ông nói.

Trò chuyện với Tổng giám đốc Vũ Minh Châu

Tại buổi gặp gỡ các đối tác mới đây, ông đề cập nhiều đến nhu cầu hợp tác. Điều đó có nghĩa gì?

Tôi quan niệm “thương trường là hội trường, đồng nghiệp là đối tác”.

Người xưa vẫn thường nói “buôn có bạn, bán có phường”, vì thế cùng kinh doanh một ngành nghề, mặt hàng, chúng tôi nên ngồi lại với nhau để cùng nhau bàn bạc, hợp tác, chia sẻ kinh nghiệp quản lý, kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp để cùng nhau phát triển.

Lâu nay doanh nghiệp Việt Nam vẫn bị kêu về khả năng hợp tác liên kết yếu kém. Theo ông do đâu?

Có thể đa số doanh nghiệp vẫn quan niệm “thương trường là chiến trường” và coi đồng nghiệp là đối thủ. Vì thế, thay vì liên kết, hợp tác với nhau thì họ lại gây cản trở, thậm chí triệt hại nhau bằng các hình thức cạnh tranh không lành mạnh.

Lý do nữa là do chủ doanh nghiệp Việt Nam vẫn nặng nề tâm lý ganh đua, đố kỵ, sợ người khác hơn mình, nên luôn tìm mọi cách để mình phải hơn họ, chứ không chịu liên kết, hợp tác với nhau để cùng phát triển.

Quan điểm của tôi là dù cùng kinh doanh trong một ngành nghề, lĩnh vực, thì mỗi doanh nghiệp có một thế mạnh khác nhau về sản phẩm, dịch vụ, có phân khúc thị trường và khách hàng mục tiêu khác nhau, nên không hề ảnh hưởng, ngược lại còn có thể hợp tác để cùng có lợi, bằng cách chuyển các mặt hàng cho nhau, chuyên môn hóa kinh doanh và sản xuất, hỗ trợ nhau cùng phát triển.

Vì thế, từ rất lâu, tôi không coi tất cả các doanh nghiệp vàng bạc nói chung, một số doanh nghiệp lớn nói riêng là đối thủ mà coi họ là bạn hàng, là đồng nghiệp, là doanh nghiệp đối trọng.

Có khó để coi đối thủ cạnh tranh là đồng nghiệp không, thưa ông?

Tôi muốn kể câu chuyện này. Thời gian đầu, chúng tôi đem sản phẩm đến tận nơi mời các doanh nghiệp trong ngành cùng bán. Khi đó, nhiều doanh nghiệp ngần ngại, nhưng may là họ vẫn thử.
Một thời gian sau, chính các doanh nghiệp này gọi điện cho tôi nói rằng, khách hàng đến đông hơn trước, khách không chỉ mua vàng của chúng tôi, mà còn quan tâm và mua nhiều hơn các sản phẩm của chính doanh nghiệp đó. Hiện giờ, các đối tác đã tìm đến tận nơi với số lượng đặt hàng lớn, có những thời điểm chúng tôi còn đáp ứng không kịp.

Việc hợp tác không phải lúc nào cũng thuận, nhưng đến với nhau chân thành, chia sẻ và cởi mở thì mọi việc sẽ đơn giản hơn ta tưởng rất nhiều.

Theo ông, chúng ta có thể làm gì để gia tăng sự hợp tác, liên kết của các doanh nghiệp Việt Nam?

Chúng ta không có cạnh tranh triệt tiêu mà là cạnh tranh cùng phát triển. “Thi đua” là cụm từ do Bác Hồ dạy. Thương trường rất cần một không khí thi đua lành mạnh, tươi vui để cùng đoàn kết, hợp tác, phát triển. Cùng với việc nâng cao chất lượng sản phẩm, chất lượng dịch vụ để phục vụ khách hàng ngày càng tốt hơn, chúng ta nên nhìn nhận lợi ích chung để cùng phát triển bền vững.

Bảo Tín Minh Châu tới đây sẽ hợp tác thế nào?

Tôi luôn mong muốn cùng các đồng nghiệp góp phần xây dựng một thị trường kinh doanh vàng lành mạnh, để các doanh nghiệp cùng phát triển, người tiêu dùng có sản phẩm và dịch vụ tốt, thực hiện đúng chính sách bình ổn thị trường vàng của Nhà nước.

Thời gian tới, song song với việc củng cố, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, chúng tôi tiếp tục mở rộng mạng lưới liên kết, hợp tác với các đồng nghiệp kinh doanh vàng tại Hà Nội và các tỉnh miền Bắc, để tiếp tục gia tăng địa điểm, cơ sở kinh doanh sản phẩm của chúng tôi.

Hiện tại, chúng tôi có trên dưới 100 cơ sở, địa điểm kinh doanh vàng trên khắp miền Bắc. Việc này giúp cho cả Bảo Tín Minh Châu và các doanh nghiệp cùng gia tăng doanh số, uy tín và số lượng khách giao dịch.

Tin bài liên quan