Lợi nhuận có thể nhân 3 trong vòng 1 năm
Chỉ cần gõ tìm kiếm cụm từ "tiền ảo onecoin”, sau 0,33 giây cho ra 1.730.000 kết quả có liên quan.
Trong vai một người đang có nhiều tiền nhàn rỗi, muốn đầu tư vào tiền ảo Onecoin, tôi gọi tới số đt 090.459.... đăng trên một trang http://shoponecoin.com , gặp một người đàn ông tự giới thiệu tên Nam, được vị này cho biết: “Hiện tại đầu tư vào Onecoin có rất nhiều gói đầu tư khác nhau, tùy thuộc vào khả năng tài chính của khách hàng. Nếu muốn hiệu quả ngay thì anh nên mua lại một tài khoản có sẵn, không phải chờ từ 2 đến 3 tháng tài khoản cũng đã được nhân đôi luôn. Trường hợp anh muốn thành lập tài khoản mới thì tôi sẽ giới thiệu cho người tư vấn chứ tôi không tư vấn cho những người mới chơi”, người đàn ông này cho biết.
Trong khi, ở một diễn đàn khác tại địa chỉ http://www.dautuonecoinvn.com cũng đăng số điện thoại, 0984 52 6... gọi vào đầu giây là giọng một người phụ nữ cho biết: “Nhóm của tôi có ở cả trong miền Nam, Hà Nội, Hải Phòng…anh ở Hà Nội thì tôi sẽ cho người gọi lại cho anh tư vấn đầu tư”, người phụ nữ này nói. Cũng theo chị này, việc đầu tư ngay trong thời điểm cuối tháng đang là thời điểm thuận lợi nhất của chu kỳ nhân tài khoản lần 1 vào ngày 1.9 nên khuyên mở tài khoản mới thay vì mua lại tài khoản cũ.
“Nếu anh mua tài khoản cũ, rủi ro xảy ra là chủ tài khoản cũ có thể gửi thông báo tới Tập đoàn, đề nghị lấy lại tài khoản và như thế sẽ xảy ra rủi ro là anh mất tài khoản bỏ tiền mua vì không phải đứng tên anh”, vị này giải thích.
Cũng theo người phụ nữ này, trong số các gói đầu tư hiện nay có rất nhiều nhưng nếu tài chính tốt thì nên tham gia gói 220 triệu và đầu tư ngay thời điểm này sẽ được nhân đôi luôn lần đầu tiên, lần nhân đôi tiếp theo sẽ là cuối tháng 9 và chắc chắn trong vòng 1 năm tài khoản sẽ được nhân đôi lần thứ 3 so với giá trị đầu tư ban đầu.
Như vậy, nếu đúng như lời giới thiệu của người phụ nữ này thì chỉ cần bỏ ra 220 triệu ban đầu, đầu tư trong vòng 1 năm, không cần làm gì thì tài sản cũng tăng lên hơn 1,7 tỷ đồng. Trong trường hợp giá của đồng Onecoin tiếp tục tăng thì tài sản cũng sẽ tăng lên tiếp.
Chỉ cảnh báo là chưa đủ
Trao đổi với Dân Việt, một lãnh đạo của Cục Quản lý cạnh tranh cho biết, đối với hình thức kinh doanh tiền ảo không thuộc phạm vi quản lý và Cục cũng chưa nhận được phản ánh hay đơn thư nào của người tiêu dùng liên quan tới việc đòi quyền lợi trong lĩnh vực này.
Tuy nhiên, vị lãnh đạo này cũng cho biết, trước đó, Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin của Bộ Công Thương cũng đã đưa ra khuyến cáo các tổ chức, cá nhân không nên thực hiện các giao dịch liên quan đến các loại tiền ảo. Việc tham gia vào một loại hình này thường không có một tổ chức có tư cách pháp nhân, hoạt động chuyển tiền cũng chủ yếu chuyển qua tài khoản cá nhân nên rất có thể xảy ra tình trạng lừa đảo mua bán trên mạng để chiếm đoạt tài sản, nhiều khách hàng sau khi chuyển tiền mặt vào tài khoản của đối tượng nhưng không nhận được tiền điện tử quy đổi.
Trước đó, khi các loại hình tiền ảo xuất hiện, đầu năm 2014, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có thông báo khẳng định Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Việc sở hữu, mua bán, sử dụng tiền ảo như là một loại tài sản tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho người dân và không được pháp luật bảo vệ.
Phân tích về vấn đề này, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng: Quy định của các nhà phát hành rất mơ hồ, không biết tên tuổi, xuất phát từ đâu nên khi nó kết thúc cũng chẳng biết ở đâu. Do đó, rủi ro xảy ra với người mua bán kinh doanh đồng tiền ảo là rất lớn, có thể mất hẳn khoản tiền đầu tư lúc nào không ai biết.
Theo ông Thịnh, về bản chất không hẳn là kinh doanh đa cấp nhưng vẫn thu hút được người tham gia đầu tư vào lĩnh vực này. Nếu càng nhiều người chơi, nhiều người biết thì tỉ giá càng tăng lên, khi đó người mua bán đồng tiền này cảm thấy có lãi và thậm chí lãi rất cao. “Khi loại hình này rút khỏi thị trường rủi ro rất cao nên người dân không nên tham gia vào”, ông Thịnh nói.
Ở góc độ quản lý, ông Thịnh cho biết, Chính phủ Việt Nam chưa có bất kỳ một văn bản nào công nhận đồng tiền ảo nào nên hoạt động buôn bán tiền ảo là ngoài vòng pháp luật, có thể bị cơ quan quản lý xử lý. “Cơ quan quản lý, cơ quan an ninh phải có trách nhiệm quản lý các hoạt động kinh doanh tiền ảo này. Nếu phát hiện cá nhân, tổ chức kinh doanh phải tổ chức ngăn chặn và xử lý. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua chúng ta vẫn coi nhẹ hoạt động này nên các sàn kinh doanh vàng ảo, tiền ảo vẫn tồn tại trong nền kinh tế”, ông Thịnh nói.
“Đồng tiền ảo là đồng tiền do một tổ chức, cá nhân nào đó hình thành, họ tự quy định giá trị, phương thức giao dịch và mua bán với hàng hóa thật khác. Người đứng ra thành lập đồng tiền này không có tư cách pháp nhân chính thức và về mặt pháp lý không được các quốc gia thừa nhận nhưng vẫn sử dụng phổ biến trong lưu thông hàng hóa. Có thể nó vẫn có tác dụng nào đó trong giao thương quốc tế cũng như thanh toán, sử dụng khác nhau, thông quan hoạt động của các hệ thống Internet, sàn ảo, để chuyển đổi thành tiền thật. Có thể một chính phủ này, chính phủ kia cho phép giao dịch nhưng không quốc gia nào coi nó là đồng tiền”.