Cụ thể, ngày 10/10, Công ty sẽ chốt danh sách cổ đông để thực hiện lấy ý kiến bằng văn bản, thời gian lấy ý kiến từ 17/10 đến 3/11/2022.
Trong đó, Công ty dự kiến trình cổ đông phương án xử lý nợ khó đòi; thông qua thay đổi địa điểm, trụ sở Công ty; chuyển nhượng vốn góp tại các công ty con, công ty liên kết, các dự án đầu tư, các hợp đồng góp vốn; thông qua phương án chào bán riêng lẻ để tăng vốn…
Mặc dù vậy, Công ty vẫn chưa công bố nội dung chi tiết để nhà đầu tư nắm bắt.
Ngoài ra, Công ty cũng đồng thời thông qua kế hoạch thoái vốn tại CTCP truyền thông Đại Dương (toàn bộ 3,76 triệu cổ phiếu) và CTCP Dịch vụ Hỗ trợ và Phát triển Đầu tư (thoái toàn bộ 3,8 triệu cổ phiếu).
Trong 6 tháng đầu năm 2022, One Capital Hospitality ghi nhận doanh thu đạt 246,21 tỷ đồng, tăng 14,7% so với cùng kỳ và tiếp tục ghi nhận lỗ 42,7 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 49 tỷ đồng.
Trong đó, xét hoạt động kinh doanh cốt lỗi (lợi nhuận gộp – chi phí tài chính – chi phí bán hàng & quản lý doanh nghiệp), trong 6 tháng đầu năm, Công ty tiếp tục ghi nhận lỗ 37,85 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 50,84 tỷ đồng.
Trong năm 2022, One Capital Hospitality đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu 991 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 21,54 tỷ đồng. Như vậy, với việc tiếp tục lỗ trong 6 tháng đầu năm, Công ty còn cách rất xa kế hoạch có lãi trong năm 2022.
Với việc tiếp tục lỗ trong 6 tháng đầu năm 2022, tính tới 30/6/2022 tổng lỗ lũy kế đã lên tới 862,7 tỷ đồng và bằng 43,1% vốn điều lệ.
Được biết, ngày 2/6/2022, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội Quyết định chuyển cổ phiếu OCH từ diện kiểm soát sang diện hạn chế giao dịch và chỉ được phép giao dịch trong phiên thứ 6 hàng tuần với lý do tổ chức niêm yết chậm nộp Báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2021 quá 45 ngày so với thời gian quy định.
Đóng cửa phiên giao dịch gần nhất ngày 30/9, cổ phiếu OCH giảm 500 đồng về 7.500 đồng/cổ phiếu.