2018 - năm thành công trong điều hành tỷ giá
Tỷ giá hối đoái là vấn đề luôn được các chính phủ, tổ chức kinh tế và các cá nhân trong nền kinh tế quan tâm, nhất là đối với những nền kinh tế đang chuyển đổi như Việt Nam. Sự biến động mạnh của tỷ giá tác động tiêu cực tới các biến số kinh tế vĩ mô như lạm phát, tăng trưởng kinh tế, xuất nhập khẩu, nợ công…
Năm 2018 có thể nói là năm ấn tượng của kinh tế Việt Nam với các điểm nhấn về hội nhập kinh tế quốc tế khi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực. Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt tốc độ cao nhất trong vòng 10 năm và có khả năng tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao trên 7% vào năm 2019.
Năm 2018 cũng là năm thứ 3 liên tiếp lạm phát được kiểm soát dưới 4%. Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện thông qua việc cắt giảm, đơn giản hóa 61% điều kiện kinh doanh và 60% thủ tục kiểm tra chuyên ngành hàng hóa xuất nhập khẩu. Nhờ kinh tế - xã hội phát triển ổn định, quy mô nền kinh tế tăng mạnh, năm 2018 ước đạt trên 5,5 triệu tỷ đồng. GDP bình quân đầu người ước đạt 2.540 USD. Dự trữ ngoại hối nhà nước đạt kỷ lục trên 63 tỷ USD.
Ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc SCB
Tỷ giá đã trải qua nhiều biến động mạnh trong năm 2018 và được Ngân hàng Nhà nước kiểm soát thành công nhờ vào các chính sách ứng phó kịp thời, linh hoạt, bên cạnh lượng dự trữ ngoại hối dồi dào. Tính đến cuối năm 2018, tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước công bố đã tăng khoảng 1,6%; tỷ giá giao dịch trên thị trường liên ngân hàng tăng khoảng 2,7% so với đầu năm. Trong năm 2018, tiền đồng Việt Nam (VND) chỉ giảm 2,7% so với USD cho thấy sự ổn định hơn nhiều của VND khi so với các đồng tiền khác trong khu vực.
Tháng 5/2018, tổ chức đánh giá tín nhiệm hàng đầu thế giới Fitch Ratings đã nâng định hạng tín nhiệm (định hạng tín nhiệm nhà phát hành nợ ngoại tệ dài hạn) cho Việt Nam từ -BB lên BB. Với mức nâng hạng này, Việt Nam còn 2 mức nữa để đạt được mức khuyến nghị đầu tư (investment grade) - là mức xếp hạng cao nhất của Fitch.
2019, tỷ giá sẽ được "mềm hóa"?
Trái ngược với các diễn biến xấu từ giữa năm 2018 do chiến tranh thương mại châm ngòi, từ đầu năm 2019 đến nay, tình hình tỷ giá ở tất cả các nước diễn ra khá ổn định. Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc đã giảm bớt căng thẳng. Trung Quốc cũng không cần hạ giá nhân dân tệ (CNY) để hỗ trợ xuất khẩu, kích thích kinh tế bị ảnh hưởng tiêu cực từ chiến tranh thương mại.
Bên cạnh đó, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) công bố hồi giữa tháng 3/2019 là sẽ không tăng lãi suất trong năm nay góp phần tạo nên chênh lệch lãi suất giữa VND và USD vẫn còn giữ nguyên độ “hấp dẫn”. Có thể nói, đây là giai đoạn phục hồi sau những “thăng - trầm” trong năm 2018, khi Fed đã tăng lãi suất 4 lần liên tiếp.
Bloomberg dự báo tỷ giá USD/VND chỉ tăng khoảng 1,5 - 2% trong năm nay
Dự trữ ngoại hối trong 3 tháng đầu năm 2019 đã tăng thêm 6 tỷ USD, cộng thêm các áp lực từ bên ngoài gần như không đáng kể, Ngân hàng Nhà nước hoàn toàn có khả năng ổn định tỷ giá trong năm nay. Qua thương vụ thoái vốn thành công tại Sabeco, Vinamilk…, Bộ Tài chính hy vọng sẽ có thêm nhiều vụ thoái vốn, cổ phần hóa thành công trong năm 2019, giúp tăng thêm nguồn dự trữ ngoại hối. Đó là chưa kể đến nguồn tiền của các nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư vào các tập đoàn tư nhân lớn của Việt Nam như Vingroup, Masan, Techcombank...
NHNN đề ra mục tiêu giữ tỷ lệ lạm phát năm 2019 ở mức dưới 4%. Tính đến tháng 3/2019, tỷ lệ lạm phát của Việt Nam ở mức 2,7%. Điều này giúp giảm áp lực lên Ngân hàng Nhà nước, nên cơ quan này có thể sẽ “giãn nhẹ” chính sách điều hành tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng. Khả năng lãi suất tăng trong năm 2019 là không cao do chênh lệch lãi suất giữa VND và USD vẫn tốt nên khách hàng nhiều khả năng sẽ ưu tiên gửi tiền đồng.
Ngân hàng Nhà nước luôn đặt mọi ưu tiên của chính sách tiền tệ lên 2 trọng lực: Kiểm soát lạm phát và lãi suất tiền đồng (ổn định giá trị tiền đồng), từ đó điều hành tỷ giá theo sát diễn biến của kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ trong nước và quốc tế. Từ cuối năm 2018, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động điều hành thanh khoản, đong đếm ở mức cần thiết, buộc các ngân hàng một mặt tăng lãi suất tiết kiệm kỳ hạn dài, mặt khác giảm đầu cơ ngoại tệ.
Hiệu ứng lãi suất đi lên, tiền đồng có giá đang được thể hiện. Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia nhận định, năm 2019, lãi suất có thể có những yếu tố thuận lợi. Nguyên nhân do áp lực lạm phát có thể giảm bớt khi giá dầu thế giới không biến động nhiều và USD dự báo suy yếu làm giảm áp lực lên tỷ giá.
Sự cộng hưởng tất cả những yếu tố trên sẽ là chất xúc tác để tỷ giá “mềm hóa” một cách hợp lý và chấp nhận được trong năm 2019. Bloomberg cũng dự báo rằng, với áp lực gia tăng của USD ở mức vừa phải, tỷ giá USD/VND sẽ tăng giá khoảng 1,5 - 2% trong năm nay.
Tuy nhiên, vẫn cần lên kịch bản đối phó với rủi ro tỷ giá biến động mạnh vì cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung chưa chính thức ngã ngũ. Với kinh nghiệm và nội lực hiện có, Ngân hàng Nhà nước hoàn toàn có khả năng giữ tỷ giá ổn định bằng công cụ mạnh nhất: Bán nguồn USD trong dự trữ ngoại hối để can thiệp thị trường, giúp VND không bị mất giá mạnh. Các ngân hàng thương mại cổ phần cũng cần tư vấn cho khách hàng những sản phẩm có khả năng phòng vệ rủi ro từ tỷ giá, giúp khách hàng tránh được càng ít tổn thất càng tốt trong trường hợp tình hình diễn biến xấu đi.