Thông thường, trên thị trường quốc tế, giữa vàng và USD có mối liên hệ bình thông nhau. Khi USD giảm thì thường kéo theo giá vàng tăng và ngược lại. Tuy nhiên, ở Việt Nam, khi giá USD trên thị trường thế giới liên tục giảm do chính sách chủ động giảm giá đồng tiền của Mỹ nhằm kích thích tăng trưởng, thì đồng USD trên thị trường Việt Nam vẫn tiếp tục tăng. Lý do là vàng trong nước được nhập khẩu bằng USD nên giá vàng trong nước không chỉ lên do giá vàng thế giới lên mà còn lên do tỷ giá USD/VND tăng.
Tuy nhiên, lúc này, cơ quan quản lý nhà nước về tiền tệ và ngoại hối có vẻ tỏ ra lúng túng và chậm trễ trong việc đưa ra chính sách điều tiết.
Lẽ ra, ngay khi giá USD vượt qua ngưỡng 20.000 đồng/USD, bỏ xa mức trần tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải có ngay chính sách điều chỉnh để tránh tác động của vòng xoáy giá vàng - USD. Giá USD tăng cao càng gây thêm áp lực lạm phát cho nền kinh tế, nhất là đối với nền kinh tế chủ yếu nhập siêu như của ta.
Giữa các cơ quan điều hành vĩ mô có lập luận trái ngược nhau, khiến thị trường không biết tin vào ai. Bằng chứng là khi Thông tư 22/2010/TT-NHNN ra đời, loại vàng khỏi hệ thống ngân hàng, thì phía Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia lại cho là không phù hợp, lợi bất cập hại.
Chính sách tiền tệ của NHNN đưa ra dường như không phù hợp với thực tiễn đang diễn ra tại thị trường Việt Nam. Cụ thể là ngoài việc cung ứng USD cho nền kinh tế, NHNN nên có biện pháp bổ sung phù hợp như đặt trần lãi suất huy động USD. Tuy nhiên, cơ quan này lại tăng lãi suất cơ bản. Việc tăng lãi suất cơ bản mà không cần biết nguyên nhân của lạm phát trong giai đoạn hiện nay khiến nền kinh tế phải đối mặt với một vòng xoáy lạm phát mới từ chính sách lãi suất nội tệ. Lạm phát năm nay được nhìn nhận là do chi phí đẩy chứ không phải do cầu kéo, hay dư cung tiền tệ. Mỗi hành vi làm chi phí đầu vào của sản xuất tăng lên như tăng lãi suất sẽ kéo theo tỷ lệ lạm phát tăng lên.
Việc bất nhất cũng như chậm trễ và kê sai đơn thuốc cho chính sách tiền tệ đang đẩy thị trường tiền tệ rơi vào tay giới đầu cơ. Hậu quả có thể nhìn thấy ngay được là diễn biến giá vàng, USD trong nước hai ngày gần đây. Nếu không có chính sách điều tiết thị trường tiền tệ phù hợp và kịp thời, thì nền kinh tế ViệtNam sẽ rơi vào vào xoáy lạm phát với sự hợp lực của bộ ba nội tệ, USD, vàng.