Ổn định kinh tế cần khởi đầu bằng thông điệp rõ ràng

Ổn định kinh tế cần khởi đầu bằng thông điệp rõ ràng

(ĐTCK-online) Năm 2011, kinh tế thế giới được nhận xét còn bất định, nợ công châu Âu lan rộng, nguy cơ bong bóng tài sản và lạm phát ở Trung Quốc lớn, ám ảnh chiến tranh tiền tệ vẫn còn… Trong môi trường bất định chung đó, kinh tế Việt Nam còn có thêm những nguy cơ xáo động của riêng mình. Vì thế, ổn định vĩ mô là quan trọng nhất với Việt Nam và để làm được điều đó, trước hết, cần có một thông điệp rõ ràng.

Ổn định kinh tế cần khởi đầu bằng thông điệp rõ ràng ảnh 1

Các đánh giá, nhìn nhận về triển vọng của kinh tế thế giới trong năm 2011 đã trở nên bi quan hơn so với những nhận định trước đây. Trong khoảng 1 tháng trở lại đây, các tổ chức kinh tế lớn như IMF, WB, Citi Group, Paribas… đều cho rằng, tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2011 sẽ giảm đáng kể so với năm 2010. Đến năm 2012, mức độ tăng trưởng của kinh tế thế giới cố gắng lắm cũng chỉ có thể quay trở lại bằng với mức tăng trưởng của năm 2010, năm đầu tiên phục hồi kinh tế sau khủng hoảng.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới như hiện nay, khi tranh cãi giữa Mỹ và EU về chi tiêu công chưa có hồi kết, các quốc gia trong đó có Mỹ và Trung Quốc đều muốn sử dụng chính sách tiền tệ như một biện pháp để kích thích xuất khẩu bằng cách làm suy yếu đồng tiền của mình, các nhà đầu tư vẫn sẽ tập trung vào 3 kênh đầu tư lớn, gồm: hàng hóa cơ bản, tiền tệ, và chứng khoán.

Với chính sách nới lỏng tiền tệ, Mỹ hy vọng dòng tiền sẽ chảy vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhưng với mức tăng trưởng thấp của nền kinh tế, các nhà đầu tư sẽ tập trung vào những hàng hóa cơ bản từ các nguồn tài nguyên, khoáng sản như sắt thép, lương thực, dầu mỏ… dẫn đến giá cả của các loại hàng hóa cơ bản này tăng cao, điều này sẽ ảnh hưởng đến các chính sách vĩ mô. Với mức tăng trưởng thấp như vậy, những hàng hóa cơ bản ngoài vàng khó tăng trưởng mạnh nhưng sẽ có độ dao động rất lớn.

Kênh đầu tư thứ hai là tiền tệ, bởi hiện nay, các quốc gia đều cố giữ đồng nội tệ của mình ở mức yếu hay còn gọi là "cùng chạy về đáy". Tuy nhiên, quá trình "chạy về đáy" không đồng đều do sự chênh lệch khác nhau về lãi suất và tỷ giá nên người ta lợi dụng tỷ giá giữa 3 đồng tiền để chuyển từ đồng tiền này sang đồng tiền khác.

Kênh đầu tư thứ ba là chứng khoán và bất động sản, trong đó, đáng chú ý nhất là TTCK Trung Quốc, được dự báo giảm điểm, do hệ quả của việc thắt chặt tiền tệ và đẩy dòng vốn ra bên ngoài.

Kết thúc năm 2010, Việt Nam có đà phục hồi kinh tế, song kéo theo đó vẫn còn nhiều rủi ro như lạm phát cao tới trên 11%, thâm hụt thương mại lớn, trên 12 tỷ USD, nợ công tăng, rủi ro hệ thống ngân sách tăng, dự trữ ngoại hối mỏng, tính lành mạnh của nền kinh tế giảm. Do đó, mục tiêu là phải tiếp tục vận hành ổn định kinh tế vĩ mô. Đây cũng là thông điệp xuyên suốt trong định hướng chính sách năm 2011. Chính phủ và Quốc hội đã quyết tâm hơn với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, thông qua các chỉ tiêu nghặt nghèo như khống chế lạm phát dưới 7%, thâm hụt ngân sách dưới 5%, giảm đầu tư công từ nguồn vốn trái phiếu.

Khó khăn trong kinh tế vĩ mô của Việt Nam có thể bắt nguồn một phần do lựa chọn mục tiêu điều hành chính sách. Chúng ta phải xác định, lạm phát có thể tăng trên 8% nếu đặt mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô là tiên quyết song thực hiện thành công mục tiêu đó có thể làm nguồn lực phân bổ hiệu quả hơn, nhất là khi Việt Nam bước vào giai đoạn chuyển tiếp hiệu quả, doanh nghiệp xác định ưu tiên cho tăng năng suất. Làm gì để Việt Nam thay đổi mô hình tăng trưởng và thay đổi như thế nào không đơn giản. Vì thế, không nên quá chú trọng tăng trưởng GDP là 7 hay 7,5%. Khi đã lựa chọn được mục tiêu ổn định thì rất cần những thông điệp chính sách rõ ràng góp phần giảm bất ổn kinh tế như thông điệp về thắt chặt tiền tệ, về chính sách tài khóa...

Nhìn lại tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong những năm qua, có nhiều điều không ổn. Mỗi năm, chúng ta tăng cung tiền qua tăng trưởng tín dụng 25-30%, đồng nghĩa với tăng trưởng GDP đạt được như vậy nhờ đầu tư, và không có doanh nghiệp nào, không có ngành nào tự thấy phải cải cách, tái cơ cấu mình. Hiện tỷ trọng tín dụng/GDP của Việt Nam so với các nước đang tăng cao. Cụ thể, GDP danh nghĩa của Việt Nam là 12-15%, 5 năm tới, nếu Việt Nam vẫn xác định tăng trưởng tín dụng như vậy thì tỷ trọng đó so với GDP sẽ gấp bao nhiêu. Nhìn sang các nước đang phát triển, chỉ số đó chỉ ở mức 60-70%, cao nhất là 100%.

Với thực trạng hiện nay là nền kinh tế tăng trưởng hoàn toàn nhờ tiền, không phải nhờ động lực tăng năng suất thì nhiệm vụ cấp bách trong ngắn hạn là ổn định kinh tế vĩ mô, tạo tiền đề thay đổi tư duy, chất lượng tăng trưởng. Cần đưa thông điệp cho công chúng hiểu không thể chỉ dựa vào tăng trưởng bằng cung tiền, đồng nghĩa với tăng trưởng gắn với bất ổn, lạm phát. Để đạt được mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, có thể phải thắt chặt tiền tệ, tạo ra những khó khăn trước mắt. Nhưng cái tài của nhà hoạch định chính sách là điều hành, thực hiện các can thiệp kỹ thuật nhằm làm giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, cho nền kinh tế. Điều hành rõ ràng cần sự phối hợp chính sách tiền tệ, tài khóa một cách linh hoạt.

Thâm hụt thương mại/GDP của Việt Nam đang ở mức rất cao, trong khi ở các nước khác, chỉ số này cân bằng hoặc thặng dư. Câu chuyện về tỷ giá rất phức tạp. Việt Nam mở cửa, chịu tác động của các luồng chu chuyển vốn. Điều chỉnh tỷ giá ở mức lớn, có thể tạo biến động với xuất khẩu, đầu tư, tăng trưởng và lạm phát. VND mất giá, hàng Việt Nam cạnh tranh hơn nhưng mặt tiêu cực có thể rất lớn và tác động trực tiếp tới lạm phát, vì thế chúng ta cần một tư duy tổng thể, có chính sách tỷ giá phù hợp hơn hướng tới mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô.

Ở một đất nước mà kỳ vọng lạm phát cao, VND mất giá, tình trạng USD hóa, vàng hóa cao thì rất cần chính sách ổn định, kéo lạm phát xuống thấp. Lãi suất, tỷ giá thấp sẽ hạn chế đầu cơ, hạn chế tình trạng cư trú ở tài sản dẫn tới bất ổn và khuyến khích người dân, doanh nghiệp đẩy tiền vào sản xuất. Chúng ta cũng cần nhìn nhận lại về khái niệm các nhà đầu tư. Nên hiểu đầu tư là đổ tiền vào thiết bị cố định, vào sản xuất kinh doanh… chứ hiện nay thực sự đó là mỹ từ dành cho các nhà đầu cơ. Tăng trưởng kinh tế ảo không tạo giá trị gia tăng mà tạo ra sự bành trướng tài khóa.

Xử lý câu chuyện lạm phát trong năm 2011 sẽ rất phức tạp bởi như chúng ta đã biết, điều hành của Việt Nam luôn thiên về tăng trưởng, có thể do áp lực của các nhóm xã hội và ngay cả nhu cầu thực tế của Việt Nam. Đây là rủi ro lớn nhất, kéo theo bất ổn, xoay đổi về chính sách liên tục. Đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam trong một số hội nghị cũng đã bày tỏ mối quan ngại về chính sách thường xuyên thay đổi khi họ nói thẳng rằng, chính sách của Việt Nam luôn luôn thiên vị cho tăng trưởng. Trong bối cảnh USD hóa, vàng hóa như hiện nay, thì đây là những vấn đề nhạy cảm vĩ mô. Bên cạnh đó, năm 2011, tăng lương tạo áp lực lên ngân sách cao, giá cả một loạt mặt hàng nhà nước đang quản lý như than, điện, nước, xăng dầu tăng.

Một số ý kiến cho rằng, không nên lo ngại về lạm phát và nhập khẩu lạm phát vì năm 2011, kinh tế thế giới tăng trưởng thấp, lạm phát thấp. Có thể các nền kinh tế nước ngoài tăng trưởng kém, giá cả hàng hóa cơ bản cũng tăng nhưng không mạnh, phần nào thuận lợi hơn cho việc kiềm chế lạm phát tại Việt Nam nhưng nói như vậy không có nghĩa giá cả hàng hóa thế giới không tăng. Trong điều kiện bất định như vậy, các dự báo chỉ đưa ra mức giá trung bình, độ dao động biến động lớn. Thực tế, các thị trường có những xáo trộn lớn trong từng thời điểm. Phân tích những yếu tố nội tại như thế để có thể thấy, khống chế lạm phát là bài toán không đơn giản.

Dưới phân tích và góc nhìn của tôi, tăng trưởng tín dụng trong 2 năm tới nên dưới 20%, thâm hụt ngân sách 3-4%. Lựa chọn chính sách hiện nay khó có thể đặt ra bài toán vẹn toàn, chính sách này được ban hành có thể khiến anh A tốt hơn, anh B xấu đi một chút. Thắt chặt lạm phát, lãi suất cao là hiển nhiên, mặc dù có thể, nếu kỹ thuật điều hành tốt, lãi suất sẽ không phi mã như vậy. Tránh nhất chuyện tình hình khó khăn 3-4, chúng ta điều hành làm cho khó khăn tăng lên 5-6, còn thực tế khó khăn thì phải thừa nhận thực tế đó.

Rõ ràng, Việt Nam đang rất cần thông điệp chính sách rõ ràng.