Omicron lây lan chóng mặt, chứng khoán lao dốc

Omicron lây lan chóng mặt, chứng khoán lao dốc

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phố Wall khởi đầu tuần mới bằng một phiên lao dốc vào thứ Hai (13/12) khi các nhà đầu tư lo lắng về biến thể Omicron và thận trọng trước cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) vào giữa tuần này.

Đầu tuần, thị trường tỏ ra lo lắng trước cuộc họp hai ngày của Fed sẽ kết thúc vào thứ Tư. Các quan chức Fed gần đây đều phát đi tín hiệu Fed có thể kết thúc chương trình mua trái phiếu trị giá 120 tỷ USD mỗi tháng sớm hơn so với dự kiến hiện tại là tháng 6/2022. Việc đẩy nhanh nhịp độ thu hẹp cũng có thể thúc đẩy ngân hàng trung ương tiến đến kế hoạch nâng lãi suất.

Một cuộc thăm dò của Reuters với các nhà kinh tế đưa ra dự báo ngân hàng trung ương tăng lãi suất cơ bản từ gần 0 lên 0,25 - 0,50% trong quý III năm sau và tăng tiếp một lần nữa trong quý IV.

Mặt khác, nỗi lo về biến thế Omicron quay lại khi Anh thông báo ghi nhận ít nhất một ca tử vong do nhiễm biến thể này hôm thứ Hai. Đây là trường hợp tử vong đầu tiên do Omicron gây ra khi biến thể này được phát hiện cách đây hơn 2 tuần và bắt đầu lan rộng nhanh chóng trên toàn cầu.

Anh cho biết, biến thể Omicron lây lan chóng mặt và hiện chiếm khoảng 40% số ca nhiễm mới ở thủ đô London.

Cơ quan An ninh Y tế Anh cảnh báo, Omicron có thể vượt qua khả năng miễn dịch của những người đã tiêm hai mũi vắc xin như AstraZeneca hoặc Pfizer/BioNTech.

Chỉ số biến động thị trường CBOE (VIX), thước đo sự lo lắng của nhà đầu tư, tăng 1,75 điểm trong phiên.

Các cổ phiếu liên quan đến việc tái mở cửa kinh tế như hàng không và du thuyền dẫn đầu đà bán tháo ngày thứ Hai. Cổ phiếu American Airlines giảm 4,9%, cổ phiếu Delta Air Lines giảm 3,4%. Cổ phiếu United Airlines giảm 5,2%, cổ phiếu Carnival giảm 4,9%.

Cả 3 chỉ số chính trên phố Wall đóng cửa sắc đỏ. Tuy nhiên, trong phiên giao dịch ngoài giờ, S&P Futures, Nasdaq Futures và Dow Futures đang đi lên.

Kết thúc phiên 13/12, chỉ số Dow Jones giảm 329,04 điểm (-0,89%), xuống 35.650,95 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 43,05 điểm (-0,91%), xuống 4.668,97 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 217,32 điểm (-1,39%), xuống 15.413,28 điểm.

Chứng khoán châu Âu đỏ lửa trong phiên ngày thứ Hai, chịu áp lực trước mối lo ngại về sự lây lan chóng mặt của biến thể Omicron.

Tuần này, nhà đầu tư tập trung vào các quyết định chính sách tiền tệ dự kiến ​​sẽ được đưa ra bởi Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB), Fed, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ).

Kết thúc phiên 13/12, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 60,34 điểm (-0,83%), xuống 7.231,44 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 1,59 điểm (-0,01%), xuống 15.621,72 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 48,77 điểm (-0,70%), xuống 6.942,91 điểm.

Tại châu Á, Chứng khoán Nhật Bản tăng, dẫn đầu bởi nhóm cổ phiếu công nghệ lớn khi các nhà đầu tư tỏ ra tự tin về sự phục hồi kinh tế.

Chứng khoán Trung Quốc tăng sau khi các nhà lãnh đạo hàng đầu của nước này tuyên bố ưu tiên ổn định kinh tế vào năm 2022, làm dấy lên hy vọng về nhiều các biện pháp kích thích hơn để hỗ trợ nền kinh tế đang chậm lại.

Chứng khoán Hồng Kông đảo chiều giảm khi lạc quan về việc nới lỏng chính sách của Bắc Kinh không thể bù đắp những lo ngại trong lĩnh vực bất động sản 2 tên tuổi Shimao và Evergrande lao dốc.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm trong bối cảnh nhà đầu tư chốt lời sau khi chỉ số chuẩn đạt mức cao nhất trong gần 7 tuần.

Kết thúc phiên 13/12, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 202,72 điểm (+0,71%), lên 28.640,49 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 14,73 điểm (+0,40%), lên 3.681,08 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 41,14 điểm (-0,17%), xuống 23.954,58 điểm. Chỉ số KOSPI tại Hàn Quốc giảm 8,57 điểm (-0,28%), xuống 3.001,66 điểm.

Giá vàng đêm tăng nhẹ khi thị trường chờ đợi nhận định của Fed về lạm phát và lãi suất sau cuộc họp định kỳ tuần này.

Kết thúc phiên 13/12, giá vàng giao ngay tăng 4,40 USD (+0,25%), lên 1.786,90 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 1 tăng 3,50 USD (+0,20%), lên 1.787,20 USD/ounce.

Giá dầu quay đầu giảm trong phiên ngày thứ Hai do những lo ngại về sự nguy hiểm của biến thể Omicron.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), biến thể Omicron đã được ghi nhận tại hơn 60 quốc gia, có nguy cơ "rất cao" trên toàn cầu với một số bằng chứng cho thấy biến thể này có thể vượt qua sự bảo vệ của vắc-xin.

Kết thúc phiên 13/12, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI giảm 0,38 USD (-0,5%), xuống 71,29 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 10,76 USD (-1%), xuống 74,39 USD/thùng.

Tin bài liên quan