Để chào đón lễ khai mạc, đội bay Blue Impulse thuộc Lực lượng phòng vệ trên không Nhật Bản đã thực hiện logo Olympic trên bầu trời sân vận động trùng với thời điểm kết thúc lễ rước đuốc.
Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã khiến đây trở thành một kỳ Thế vận hội không giống bất kỳ thế vận hội nào trước đây. Chỉ có 5.700 trong tổng số 11.000 vận động viên đến từ 207 quốc gia sẽ diễu hành trong lễ khai mạc. Một số vận động viên sẽ bỏ qua sự kiện này để tránh nguy cơ lây nhiễm.
Canada cho biết, chỉ có 30 đến 40 vận động viên trong số 370 vận động viên của họ - đội ngũ vận động viên lớn nhất của Canada kể từ năm 1984 - sẽ tham gia buổi lễ.
Những người diễu hành sẽ thực hiện giãn cách xã hội nên buổi lễ kéo dài hơn 30 phút. Theo thông lệ, Hy Lạp sẽ dẫn đầu cuộc diễu hành, theo sau là đội tuyển đặc biệt và các vận động viên từ Nga. Các đoàn cuối cùng vào sân vận động sẽ là Mỹ, Pháp và Nhật Bản. Các đội khác sẽ diễu hành theo thứ tự bảng chữ cái tiếng Nhật.
Do lệnh cấm khán giả, chỉ có 950 người được phép vào Sân vận động quốc gia Tokyo với sức chứa 68.000 chỗ ngồi, bao gồm các lãnh đạo cấp cao, quan chức thể thao và giới truyền thông.
Khoảng 15 lãnh đạo cấp cao nhất đã tham dự, bao gồm đệ nhất phu nhân Mỹ Jill Biden, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Luvsannamsrai Oyun-Erdene của Mông Cổ. Đó là một con số nhỏ hơn rất nhiều so với các kỳ Thế vận hội trước. Thế vận hội London 2012 chào đón các lãnh đạo cấp cao nhất từ khoảng 80 quốc gia, trong khi Thế vận hội Rio de Janeiro 2016 có các quan chức từ khoảng 40 quốc gia.
Buổi lễ cũng khác biệt vì sự thiếu vắng các nhà tài trợ. Các nhà tài trợ hàng đầu như Toyota Motor và Panasonic đã quyết định không cử giám đốc điều hành đến tham dự.
Cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, người có vai trò then chốt giúp Tokyo đăng cai thành công và trì hoãn Thế vận hội trong một năm để Thế vận hội có thể được tổ chức ở "hình thức đầy đủ" cũng từ chối tham dự buổi lễ.