Việc chỉ có chưa tới 13% số cổ phiếu của cổ đông tham dự cuộc họp ĐHCĐ lần 1 cho thấy nguy cơ bị… bỏ rơi của OGC. Hiện OGC vẫn còn một số cổ đông lớn như Market Vectors Vietnam ETF (sở hữu 6,03% vốn điều lệ), Doanh nghiệp tư nhân Hà Bảo (sở hữu 28,26% vốn điều lệ). Riêng 2 cổ đông lớn này đã nắm tới trên 34% vốn điều lệ OGC, nhưng đại diện các đơn vị này dường như không tham dự cuộc họp, hoặc tham dự nhưng không đăng ký, dẫn tới tỷ lệ cổ đông có quyền biểu quyết quá thấp.
Tại cuộc họp ĐHCĐ bất thành vừa qua, NĐT đón nhận thông tin về số lỗ kỷ lục của OGC, với mức lợi nhuận sau thuế năm 2014 là âm 1.370 tỷ đồng. Với con số này, OGC ghi nhận con số lỗ trong 1 năm tài chính lớn thứ hai trên thị trường chứng khoán, chỉ sau Tổng CTCP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (năm 2012 và 2013 lỗ tương ứng 1.338 tỷ đồng và 1.622 tỷ đồng).
Số lỗ 1.370 tỷ đồng so sánh với kết quả lãi 403 tỷ đồng mà OGC công bố trong báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2014 thời điểm cuối tháng 2/2015 là một sự khác biệt rất lớn, chủ yếu do phát sinh sự kiện Ngân hàng TMCP Đại Dương bị Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng.
Mặc dù có kết quả kinh doanh bi bét, nhưng năm 2015, OGC dự kiến kế hoạch kinh doanh khá ấn tượng, với mức lợi nhuận trước thuế 569,53 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 427,15 tỷ đồng. Nếu hoàn thành kế hoạch này, OGC sẽ ghi nhận con số lợi nhuận lớn nhất kể từ năm 2011 đến nay. Tổng mức lợi nhuận sau thuế 3 năm từ 2011 - 2013 của OGC chỉ xấp xỉ 300 tỷ đồng.
Kể từ sau sự kiện ông Hà Văn Thắm, Chủ tịch HĐQT OGC bị khởi tố, bắt tạm giam vào cuối tháng 4/2014, giá cổ phiếu OGC đã rơi mạnh từ mức xấp xỉ 11.000 đồng/CP về mức thấp nhất là 2.500 đồng/CP. Trong tuần qua, cổ phiếu này đã tăng giá trần 4 phiên liên tiếp, lên mức 2.900 đồng/CP, với tin đồn sẽ được một tổ chức trong nước tham gia tái cấu trúc. Tuy nhiên, đến thời điểm này, đây vẫn chỉ là tin đồn.