Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2022 của OGC, doanh thu hợp nhất hơn 592 tỷ đồng, tăng vọt so với con số 85 tỷ đồng cùng kỳ, trong khi đó, giá vốn hàng bán tăng chậm hơn, nên lợi nhuận gộp ghi nhận gần 353 tỷ đồng, tăng 12,8 lần so với quý III/2021, biên lợi nhuận gộp gần 60% cải thiện đáng kể so với con số 30% cùng kỳ.
Theo giải trình của OGC, chủ yếu quý III/2021 các đơn vị thành viên trong tập đoàn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, đến năm nay, dịch bệnh đã được kiểm soát, Chính phủ có các biện pháp kích cầu du lịch, mọi hoạt động kinh tế diễn ra sôi động hơn. Đồng thời, quý III cũng là mùa vụ tết Trung thu, công ty con của OCH là CTCP Bánh Givral đẩy mạnh sản lượng bánh trung thu đã mang đến kết quả vượt bậc.
Trong kỳ, công ty ghi nhận doanh thu tài chính 4,3 tỷ đồng – là khoản lãi tiền gửi ngân hàng đến kỳ hạn thanh toán trong năm tại các đơn vị thành viên. Tuy nhiên, OGC cũng có chi phí tài chính hơn 4,6 tỷ đồng, gấp 2,56 lần cùng kỳ do công ty trích lập dự phòng các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn do giá cổ phiếu PVR giảm trong kỳ.
Lãi ghi nhận từ hoạt động đầu tư vào công ty liên kết tăng 2,86 tỷ đồng, tương ứng kết quả kinh doanh của công ty liên kết cao hơn cùng kỳ năm trước.
Các chi phí bán hàng tăng 91,96 tỷ đồng do hoạt động bán hàng mùa vụ cao điểm bánh trung thu, đi kèm đó là chiến lược quảng cáo nổi bật thương hiệu bánh Givral.
Chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng 112,234 tỷ đồng do năm 2021, OGC đã hoàn nhập dự phòng khoản phải thu khó đòi tại Công ty TNHH VNT với số tiền 73,987 tỷ đồng theo phương án xử lý, thu hồi nợ và bù trừ giữa các khoản nợ phải thu và phải trả với công ty này. Đồng thời, quý III, các đơn vị thành viên OGC tập trung bán hàng dịp Trung Thu nên chi phí quản lý tăng tương ứng với mức tăng doanh thu.
Điểm tích cực là chi phí khác giảm hơn 15 tỷ đồng nhờ quý III/2021 công ty ghi nhận các khoản chi phí 15,7 tỷ đồng theo phương án xử lý thu hồi nợ và bù trừ giữa các khoản nợ phải thu phải trả với Công ty TNHH VNT tương ứng các khoản hoàn nhập dự phòng kể trên.
Kết quả, OGC ghi nhận lợi nhuận sau thuế hơn 127 tỷ đồng, tích cực hơn hẳn so với 2 quý trước đó thua lỗ lần lượt 21,25 tỷ đồng và 14,39 tỷ đồng, và tăng trưởng 353% so với cùng kỳ.
Theo giải trình của OGC, chênh lệch lợi nhuận giữa hai kỳ so sánh chủ yếu là do việc ghi nhận kết quả giải quyết tranh chấp liên quan đến các giao dịch phát sinh trước đây tại công ty mẹ và hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị thành viên đã được khôi phục mạnh mẽ sau ảnh hưởng của dịch bệnh covid-19.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm, OGC ghi nhận doanh thu 851,5 tỷ đồng, gấp 1,7 lần và lợi nhuận sau thuế 121 tỷ đồng, giảm 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Với kết quả này, OGC đã hoàn thành đến 89% kế hoạch doanh thu, và vượt 76% kế hoạch lợi nhuận sau thuế cả năm.
Đáng chú ý, CTCP One Capital Hospitality (mã OCH, công ty con của OGC) đang có động thái chuyển nhượng loạt dự án bất động sản sang cho OGC, mục tiêu là để tối ưu hoá nguồn lực, tạo điều kiện để thu hút nguồn vốn, nâng cao khả năng sinh lời.
Diễn biến này khớp với mục tiêu mà HĐQT mới của OGC đã chia sẻ trong ĐHCĐ về việc sẽ tái cấu trúc công ty thành đơn vị chuyên về bất động sản, theo đó, OCH có tài sản lớn, thời gian tới có thể tái cấu trúc các dự án bất động sản từ OCH và chuyển trực tiếp về OGC để quản lý và phát triển dự án.
Cụ thể, HĐQT OCH đã xin ý kiến cổ đông bằng văn bản với rất nhiều nội dung quan trọng, trong đó có việc thoái toàn bộ vốn đầu tư tại CTCP Tân Việt, CTCP Viptour-Togi, Công ty TNHH MTV Sao Hôm Nha Trang cho OGC. Các pháp nhân này đều hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh khách sạn.
Tại thời điểm 30/6/2022, OCH ghi nhận giá gốc các khoản đầu tư vào 3 pháp nhân này là 947 tỷ đồng, đã trích lập dự phòng 613,3 tỷ đồng.
Được biết, CTCP Viptour-Togi là chủ đầu tư dự án Khách sạn Trấn Vũ, nằm ở khu 'đất vàng' số 10 đường Trấn Vũ, Hà Nội. Công ty TNHH MTV Sao Hôm Nha Trang là chủ dự án Khách sạn Starcity, số 72 - 74 Trần Phú, Tp. Nha Trang, có quy mô 0,24ha.
Đồng thời, OCH xin ý kiến cổ đông thoái vốn tại dự án StarCity Airport; thông qua việc CTCP Lequidity Solutions mua cổ phiếu không phải chào mua công khai; thông qua các hợp đồng, giao dịch với các bên liên quan của công ty với OGC (cổ đông lớn sở hữu 51% vốn) có giá trị từ 35% trở lên, nội dung chủ yếu ký kết các hợp đồng, giao dịch bao gồm bán chứng khoán, phần góp vốn; chuyển nhượng dự án, quyền phát triển dự án…
HĐQT OCH cũng có tờ trình về cấp vốn đầu tư cho công ty con, và phương án chào bán cổ phiếu riêng lẻ 1.000 tỷ đồng bổ sung vốn dài hạn, phục vụ mở rộng hoạt động kinh doanh của công ty. HĐQT đề xuất giá chào bán 10.000 đồng/CP, cổ phiếu bị hạn chế chuyển nhượng 1 năm kể từ ngày kết thúc đợt chào bán.
Nguồn vốn huy động được ưu tiên giải ngân 332 tỷ đồng để mua 49% vốn cổ phần CTCP Bất động sản Việt Bắc (vốn điều lệ 40 tỷ đồng); 330 tỷ đồng xây dựng nhà máy Givral; 138 tỷ đồng xây dựng nhà máy kem Tràng Tiền, bổ sung vốn lưu động 200 tỷ đồng.
Trong đó, CTCP Bất động sản Việt Bắc là chủ đầu tư tòa nhà văn phòng Leadvisors Place (tên cũ là Sentinel Place) tại số 41A Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, hợp tác cùng Leadvisors Capital Management.
Theo kế hoạch, cổ đông lớn nhất của OGC là IDS Equity Holding hợp tác cùng một số nhà đầu tư để đầu tư vào OGC, đang nắm chi phối tại OGC. Công ty tiếp tục hợp tác cùng tập đoàn bất động sản lớn, định chế tài chính và ngân hàng để khai thác các dự án trong thời gian tới.
Trước đó, luồng thông tin hành lang cho biết, có khả năng OGC cũng sẽ nhận hàng chục dự án bất động sản từ các đơn vị trong hệ sinh thái của tập đoàn đa ngành kể trên để cùng hợp tác, phát triển và khai thác. Song song đó, OGC cũng sẽ có thể có thêm các hợp tác khác có nguồn lực tài chính cũng như kinh nghiệm về bất động sản để cùng đi nhanh hơn.
Tính đến 30/6 theo báo cáo soát xét, OGC còn lỗ luỹ kế 2.760 tỷ đồng, và cổ phiếu OGC vẫn đang nằm trong diện bị hạn chế giao dịch - là hai vấn đề lớn cần "ông chủ mới" của OGC tháo gỡ.
Trên thị trường, giá cổ phiếu OGC rơi sâu từ vùng 15.000 đồng/CP về 6.750 đồng/CP khi đóng cửa phiên giao dịch ngày 17/11.