OECD: Triển vọng kinh tế toàn cầu đã tốt hơn trong năm 2023 nhưng rủi ro lạm phát vẫn kéo dài

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tổng thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) Mathias Cormann cho biết, triển vọng kinh tế toàn cầu sẽ “sáng hơn một chút” trong năm nay nhưng thách thức về lạm phát vẫn còn.
OECD: Triển vọng kinh tế toàn cầu đã tốt hơn trong năm 2023 nhưng rủi ro lạm phát vẫn kéo dài

“Triển vọng thế giới sẽ sáng sủa hơn một chút vào đầu năm 2023 so với những gì chúng tôi nghĩ chỉ hai hoặc ba tháng trước. Giá năng lượng và lương thực thấp hơn đáng kể so với mức đỉnh điểm”, Tổng thư ký OECD Mathias Cormann cho biết trước cuộc họp của các nhà lãnh đạo tài chính G20 vào tuần này tại Bengaluru, Ấn Độ.

Ông lưu ý rằng giá năng lượng đã giảm đáng kể vì châu Âu có thể đa dạng hóa “thành công” các nguồn năng lượng của mình. Ngoài ra, một “mùa đông lành tính” đã giúp giảm nhu cầu năng lượng khiến giá xăng ở mức thấp.

“Nền kinh tế toàn cầu được dự đoán sẽ tăng trưởng thấp hơn nhiều và ở mức khiêm tốn 3,1% trong năm 2022, trước khi giảm xuống 2,2% vào năm 2023 và phục hồi vừa phải với tốc độ vẫn dưới mức trung bình 2,7% vào năm 2024”, OECD cho biết trong báo cáo tháng 11.

Báo cáo vào thời điểm đó cũng nhấn mạnh thêm rằng các nền kinh tế thị trường mới nổi châu Á dự kiến sẽ chiếm gần 3/4 tăng trưởng GDP toàn cầu vào năm 2023, khi châu Âu và Mỹ tăng trưởng chậm lại.

Tuy nhiên, người đứng đầu OECD cho biết, rủi ro lạm phát vẫn tiếp tục tồn tại và cần được giải quyết tốt.

“Lạm phát đang bắt đầu giảm, nhưng chúng ta vẫn chưa vượt qua được thách thức lạm phát. Và đây là những rủi ro cần tiếp tục được quản lý tốt trong nhiều tuần và nhiều tháng”, ông cho biết.

Người đứng đầu OECD nhấn mạnh rằng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đã thực hiện “hành động tích cực vào năm ngoái” trong việc tăng lãi suất để kiềm chế áp lực tăng giá.

Giờ đây, Fed đang tiếp tục chống lại lạm phát theo một cách ổn định hơn. “Đó là những gì chúng tôi mong đợi các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới sẽ làm, tiếp tục theo dõi dữ liệu và tiếp tục điều chỉnh các quyết định”, ông cho biết.

Vào đầu tháng 2, Fed đã tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản và đưa ra rất ít dấu hiệu cho thấy chu kỳ tăng lãi suất này sắp kết thúc.

Tháng trước, người đứng đầu OECD nhấn mạnh việc mở cửa trở lại của Trung Quốc là “cực kỳ tích cực” trong cuộc chiến toàn cầu nhằm giải quyết lạm phát gia tăng.

“Trong trung hạn và dài hạn, đây là một điều rất tích cực trong việc đảm bảo rằng các chuỗi cung ứng hoạt động hiệu quả và hiệu quả hơn, đảm bảo rằng nhu cầu ở Trung Quốc và thực sự là hoạt động thương mại nói chung sẽ tiếp tục theo một mô hình tích cực hơn”, ông cho biết.

Tin bài liên quan