Mathias Cormann, Tổng thư ký OECD

Mathias Cormann, Tổng thư ký OECD

OECD đang theo đuổi các hướng dẫn về điều chỉnh AI tạo sinh

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tổng thư ký của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho biết tổ chức này đang có kế hoạch cập nhật các hướng dẫn về việc điều chỉnh trí tuệ nhân tạo, nhằm vào AI tạo sinh.

Động thái này nhằm mục đích đối phó với những thách thức độc đáo do sự ra đời của trí tuệ nhân tạo (AI) và khả năng tạo văn bản và hình ảnh phức tạp, chẳng hạn như cách bảo vệ những nội dung tạo ra liên quan tới con người.

"OECD sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với Nhật Bản và các nước khác, như chúng tôi đã làm trong quá khứ để cập nhật các nguyên tắc AI năm 2019 của chúng tôi và để đảm bảo rằng chúng tôi đã có khung chính sách phù hợp để đảm bảo rằng AI tạo sinh mang lại hiệu quả”, Mathias Cormann, Tổng thư ký OECD cho biết trong chuyến thăm Nhật Bản.

OECD sẽ phối hợp với G7 về các quy tắc dành cho AI tạo sinh, đồng thời sử dụng phạm vi tiếp cận rộng hơn của OECD để thu hút nhiều quốc gia hơn tham gia.

Tổng thư ký OECD đã gọi công nghệ AI tạo sinh là "sự đổi mới lớn và đột phá", đồng thời nói thêm rằng "như mọi khi, sự đổi mới đi kèm với những lợi ích tích cực, nhưng nó cũng đi kèm với rủi ro, thách thức và sự gián đoạn cần được quản lý".

Ông cho biết OECD đang xem xét sửa đổi các phần trong nguyên tắc hiện có mà chưa giải quyết đầy đủ những vấn đề này.

Một khuôn khổ để thảo luận về các hướng dẫn sẽ được hình thành sớm nhất là vào tháng 6. Các quan chức từ mỗi quốc gia thành viên OECD cũng như các chuyên gia sẽ tham gia soạn thảo các bản cập nhật.

“Chúng tôi hy vọng chúng tôi sẽ đạt được một số tiến bộ rõ ràng vào cuối năm nay”, ông cho biết.

OECD đã đóng vai trò trung tâm trong việc thiết lập các tiêu chuẩn quốc tế. Tổ chức đã phối hợp với khoảng 140 quốc gia để hình thành các quy tắc về thuế kỹ thuật số và thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu. Ngoài ra, việc cập nhật các hướng dẫn AI của OECD sẽ giúp tạo ra các quy tắc áp dụng trên phạm vi toàn cầu, bao gồm cả ở các nền kinh tế mới nổi.

Nhưng việc tạo ra các biện pháp hiệu quả, được chấp nhận khi có quá nhiều quốc gia tham gia là điều phức tạp. Ngay cả các nền kinh tế công nghiệp hóa lớn cũng bị chia rẽ về quy định AI.

Nguyên tắc AI hiện tại của OECD tập trung vào 5 ý tưởng bao trùm bao gồm "các giá trị lấy con người làm trung tâm và sự công bằng" cũng như "sự minh bạch và khả năng giải thích". Chúng được soạn thảo vào tháng 5/2019 và được thông qua tại hội nghị thượng đỉnh G20 vào tháng 6/2019 như một phụ lục cho thông cáo chung của các nhà lãnh đạo.

Trong đó, 42 quốc gia đã cam kết tuân thủ các nguyên tắc của OECD, vốn là nền tảng cơ bản cho việc xây dựng luật lệ trong nước. Chúng bao gồm lập trường rằng những người bị tổn hại bởi các quyết định từ hệ thống AI nên được cung cấp thông tin rõ ràng và dễ hiểu về thuật toán được sử dụng để đưa ra quyết định.

Các nhà lãnh đạo G7 đã đồng ý vào tháng trước để các bộ trưởng thành lập "quy trình AI của Hiroshima" - một diễn đàn để thảo luận về công nghệ AI và đưa ra quan điểm của các nhà lãnh đạo vào cuối năm nay. OECD sẽ giúp G7 đánh giá rủi ro của công nghệ và phân tích ảnh hưởng bằng việc sử dụng các kết quả trong hướng dẫn riêng của tổ chức.

Tin bài liên quan