OECD công bố hiệp ước thay thế thuế dịch vụ kỹ thuật số của các quốc gia

OECD công bố hiệp ước thay thế thuế dịch vụ kỹ thuật số của các quốc gia

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hôm thứ Tư (11/10), Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã công bố một hiệp ước đa phương sẽ thay thế một loạt thuế dịch vụ kỹ thuật số của các quốc gia nếu được đủ số lượng quốc gia phê chuẩn.

OECD đã ca ngợi tiến bộ trong thỏa thuận toàn cầu nhằm buộc các tập đoàn công nghệ và các tập đoàn đa quốc gia lớn khác phải trả nhiều thuế hơn ở nơi họ kinh doanh sau khi công bố một hiệp ước đa phương do hơn 130 quốc gia soạn thảo.

Hiệp ước này là trụ cột đầu tiên trong cuộc cải tổ hai trụ cột về các quy tắc đánh thuế xuyên biên giới của các công ty đa quốc gia, đã được gần 140 quốc gia đồng ý vào năm 2021 nhưng việc triển khai còn chậm và phức tạp.

Nhiều quốc gia phàn nàn rằng hệ thống thuế bị phân mảnh của thế giới đã cho phép các công ty đa quốc gia - đặc biệt là các công ty công nghệ lớn của Mỹ - trả ít thuế ở những khu vực pháp lý mà họ tạo ra doanh thu lớn, và do đó một số quốc gia đã áp dụng thuế kỹ thuật số của riêng mình, bất chấp sự phản đối của Mỹ.

Các quy tắc thuế quốc tế hiện hành - được thiết kế vào những năm 1920 - đã lỗi thời vì chúng không cung cấp đầy đủ cho các quốc gia quyền đánh thuế các doanh nghiệp kỹ thuật số hoạt động trong biên giới của họ nhưng không có sự hiện diện thực tế.

Hiệp ước này quy định cách các chính phủ phân bổ lại quyền đánh thuế đối với khoảng 200 tỷ USD lợi nhuận từ các công ty đa quốc gia lớn nhất và có lợi nhuận cao nhất cho các quốc gia nơi diễn ra hoạt động bán hàng của họ.

OECD ước tính việc tái phân bổ này sẽ mang lại doanh thu thuế toàn cầu bổ sung từ 17 tỷ USD đến 32 tỷ USD, trong đó các nước thu nhập thấp và trung bình được hưởng lợi nhiều nhất.

Trong khi đó, Mỹ đặc biệt nhạy cảm với vấn đề này vì nhiều loại thuế như vậy được áp dụng nhằm vào các công ty công nghệ lớn của Mỹ như Google, Amazon và Apple.

Để có hiệu lực pháp lý trên phạm vi quốc tế, hiệp ước sẽ cần được ký bởi ít nhất 30 khu vực pháp lý, là những nơi có trụ sở chính của tối thiểu 60% trong số 100 công ty bị ảnh hưởng bởi những thay đổi, điều đó có nghĩa là Mỹ phải tham gia.

Những thay đổi này sẽ áp dụng cho các công ty đa quốc gia có doanh thu hơn 20 tỷ euro và biên lợi nhuận trên 10%. Đối với những công ty đó, 25% lợi nhuận trên mức biên lợi nhuận 10% sẽ bị đánh thuế ở những quốc gia nơi họ có doanh thu.

Trong khi đó, trừ khi có một tỷ lệ nhất định các quốc gia ký hiệp ước vào cuối năm nay, lệnh cấm đơn phương đánh thuế dịch vụ kỹ thuật số mà các quốc gia đã đồng ý trước đó sẽ hết hiệu lực.

Manal Corwin, người đứng đầu bộ phận thuế của OECD cho biết, việc không phê chuẩn hiệp ước có thể dẫn đến “hậu quả nghiêm trọng” vì nó có thể gây ra sự gia tăng sử dụng thuế dịch vụ kỹ thuật số và trả đũa thương mại.

“Trong suy nghĩ của tôi, nó cũng đe dọa sự ổn định của hệ thống quốc tế rộng lớn hơn mà cả các quốc gia và công ty đã phụ thuộc trong một thời gian dài”, bà cho biết.

Bà Manal Corwin cho biết, mặc dù các nước đàm phán đã nhất trí công bố hiệp ước vào thứ Tư (11/10), nhưng công ước đa phương vẫn “chưa được mở để ký kết” vì vẫn còn sự khác biệt giữa một số quốc gia.

Đặc biệt, Brazil, Colombia và Ấn Độ đã tỏ ra dè dặt về cách thức các khoản thuế hiện tại của họ sẽ tương tác với chế độ thuế mới như thế nào.

Văn bản của hiệp ước sẽ được trình bày trước các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương G20 trong báo cáo thuế mới của tổng thư ký OECD trước cuộc họp thường niên ở Maroc trong tuần này.

Mặt khác, trụ cột thứ hai của thỏa thuận thuế doanh nghiệp toàn cầu năm 2021 đặt ra mức thuế doanh nghiệp tối thiểu là 15%, mức thuế mà các quốc gia dự kiến sẽ bắt đầu thực hiện từ năm tới.

Tin bài liên quan