OECD cảnh báo nguy cơ chủ nghĩa bảo hộ đối với triển vọng tăng trưởng toàn cầu

OECD cảnh báo nguy cơ chủ nghĩa bảo hộ đối với triển vọng tăng trưởng toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hôm thứ Tư (4/12), Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã cảnh báo rằng các biện pháp bảo hộ thương mại sẽ gây ra rủi ro lớn đối với sự gián đoạn của nền kinh tế thế giới.

Nền kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng ổn định trong hai năm tới nếu chủ nghĩa bảo hộ trỗi dậy không làm chệch hướng phục hồi của thương mại toàn cầu.

Trong khi đó, triển vọng thương mại toàn cầu đã trở nên u ám kể từ khi Tổng thống đắc cử Donald Trump tăng cường kêu gọi tăng thuế đối với nhiều đối tác thương mại lớn.

OECD nâng dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2025 lên 3,3%, nhưng lại đưa ra cảnh báo rằng "chủ nghĩa bảo hộ thương mại gia tăng, đặc biệt là từ các nền kinh tế lớn nhất” sẽ gây ra "rủi ro bất lợi" cùng với căng thẳng địa chính trị và nợ công cao.

Trong chiến dịch tranh cử, Tổng thống đắc cử Donald Trump đã tuyên bố sẽ áp thuế toàn diện ít nhất 10% đối với tất cả các mặt hàng nhập khẩu và kể từ khi đắc cử, ông đã tuyên bố sẽ áp thuế nhập khẩu 25% đối với Canada và Mexico, các đối tác thương mại hàng đầu của Mỹ.

"Việc tăng các biện pháp hạn chế thương mại có thể làm tăng chi phí và giá cả, ngăn cản đầu tư, làm suy yếu sự đổi mới và cuối cùng là làm giảm tăng trưởng… Trong khi đó, việc gia tăng thêm các hạn chế thương mại toàn cầu sẽ làm tăng giá nhập khẩu, tăng chi phí sản xuất cho các doanh nghiệp và giảm mức sống của người tiêu dùng", OECD cho biết trong báo cáo Triển vọng kinh tế mới nhất.

Trong nhiệm kỳ đầu tiên từ năm 2017 đến năm 2021 của cựu Tổng thống Donald Trump, ông đã áp thuế đối với một số sản phẩm từ Trung Quốc và các đối tác thương mại khác, bao gồm Liên minh châu Âu, nhưng ở quy mô nhỏ hơn so với các biện pháp mà ông đã cam kết sẽ thực hiện khi trở lại Nhà Trắng.

Tuy nhiên, ông Trump không phải là rủi ro duy nhất về các biện pháp bảo hộ. Đại dịch Covid-19 và xung đột Nga-Ukraine cho thấy sự phụ thuộc của nhiều quốc gia vào thương mại toàn cầu, nhưng thay vì tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi hàng hóa và dịch vụ, nhiều quốc gia đã tìm cách rút ngắn một số chuỗi cung ứng và bảo vệ thị trường.

OECD lưu ý, "nền kinh tế toàn cầu đã thể hiện khả năng phục hồi đáng kể mặc dù phải chịu những cú sốc lớn như đại dịch và khủng hoảng năng lượng". Thậm chí, OECD còn nâng dự báo tăng trưởng toàn cầu trong năm tới lên 3,3%, tăng 0,1% so với triển vọng trước đó vào tháng 9, phần lớn là do hiệu suất mạnh mẽ của nền kinh tế Mỹ.

Nền kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 3,2% trong năm nay và 3,3% trong năm 2025 và 2026 khi lạm phát thấp hơn, tăng trưởng việc làm và cắt giảm lãi suất giúp bù đắp cho việc thắt chặt tài khóa ở một số quốc gia.

"Căng thẳng thương mại gia tăng và các động thái tiếp theo hướng tới chủ nghĩa bảo hộ có thể làm gián đoạn chuỗi cung ứng, làm tăng giá tiêu dùng và tác động tiêu cực đến tăng trưởng", OECD cho biết.

Khi thị trường việc làm hạ nhiệt khiến chi tiêu của người tiêu dùng giảm xuống, OECD dự báo tăng trưởng của Mỹ sẽ giảm từ 2,8% trong năm nay xuống 2,4% vào năm 2025 và 2,1% vào năm 2026.

Tại Trung Quốc, tăng trưởng được dự báo sẽ giảm từ 4,9% vào năm 2024 xuống 4,7% vào năm 2025 và 4,4% vào năm 2026 bất kể nới lỏng tiền tệ và tài khóa vì chi tiêu của người tiêu dùng vẫn chậm chạp do tiết kiệm phòng ngừa rủi ro cao.

Trong khi đó, tại khu vực đồng euro, hoạt động đầu tư sẽ được hưởng lợi từ việc nới lỏng của ngân hàng trung ương và thị trường lao động thắt chặt sẽ hỗ trợ chi tiêu của người tiêu dùng, thúc đẩy tăng trưởng từ 0,8% trong năm nay lên 1,3% vào năm 2025 và 1,5% vào năm 2026.

Được thúc đẩy bởi các biện pháp kích thích kinh tế, Nhật Bản được dự báo sẽ phục hồi từ mức giảm 0,3% trong năm nay lên mức tăng trưởng 1,5% vào năm 2025 trước khi giảm xuống còn 0,6% vào năm 2026.

OECD cho biết, khi lạm phát giảm, hầu hết các ngân hàng trung ương lớn nên tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ một cách thận trọng, ngoại trừ Nhật Bản. Do đó, với tình hình tài chính công của hầu hết các chính phủ đang chịu áp lực, họ cần phải có hành động quyết đoán để ổn định gánh nặng nợ.

Tin bài liên quan