OECD: Các quốc gia giàu có đã đạt được mục tiêu tài trợ khí hậu 100 tỷ USD

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hôm thứ Tư (29/5), Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho biết các nước giàu đã đạt được mục tiêu cung cấp 100 tỷ USD viện trợ khí hậu hàng năm cho các nước thu nhập thấp lần đầu tiên vào năm 2022, mặc dù muộn hơn hai năm so với cam kết.
OECD: Các quốc gia giàu có đã đạt được mục tiêu tài trợ khí hậu 100 tỷ USD

Việc không huy động được tiền đúng hạn đã làm xói mòn niềm tin vào các cuộc đàm phán về khí hậu và báo cáo của OECD được đưa ra khi các quốc gia chạy đua đặt ra mục tiêu đầy tham vọng tại hội nghị thượng đỉnh COP29 tại Azerbaijan vào tháng 11 sắp tới.

Năm 2009, các quốc gia phát triển đã cam kết sẽ huy động 100 tỷ USD mỗi năm cho tới năm 2020 để giúp các nước thu nhập thấp đầu tư vào năng lượng sạch và ứng phó với những tác động ngày càng tồi tệ của biến đổi khí hậu. Hơn một thập kỷ sau, mục tiêu này cuối cùng đã đạt được lần đầu tiên vào năm 2022 với số tiền huy động được là 115,9 tỷ USD.

OECD cho biết: “Thành tựu này xảy ra muộn hơn hai năm so với năm mục tiêu ban đầu là năm 2020”.

Vấn đề tài trợ về khí hậu có thể đến từ các chính phủ dưới hình thức viện trợ song phương, các tổ chức cho vay phát triển đa quốc gia như Ngân hàng Thế giới (WB) hoặc khu vực tư nhân.

OECD cho biết, phần lớn trong số 100 tỷ USD được giải ngân vào năm 2022 được dùng cho hành động về khí hậu nhằm hạn chế phát thải khí nhà kính, chủ yếu là cải thiện năng lượng sạch và giao thông.

Tuy nhiên, mục tiêu 100 tỷ USD là thấp hơn những gì các chuyên gia cho rằng các nước đang phát triển sẽ cần về năng lượng tái tạo và các biện pháp thích ứng như phòng thủ ven biển trước mực nước biển dâng.

Một hội đồng do Liên hợp quốc triệu tập ước tính các quốc gia đang phát triển - ngoại trừ Trung Quốc - sẽ cần 2.400 tỷ USD mỗi năm vào năm 2030 để đáp ứng nhu cầu về khí hậu và phát triển kinh tế.

Trong khi đó, nhiều nền kinh tế đang phát triển ít được xem là nguyên nhân gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu lại nằm trong số những nền kinh tế phải hứng chịu nhiều nhất những tác động tốn kém và tàn phá của thời tiết cực đoan ngày càng tồi tệ.

Tài trợ khí hậu là một vấn đề nhức nhối tại các cuộc đàm phán về khí hậu hàng năm của Liên Hợp Quốc và các nhà đàm phán đã nỗ lực trong năm nay để cố gắng đặt ra mục tiêu mới nhằm thay thế và vượt xa mục tiêu 100 tỷ USD.

Tin bài liên quan