Chiều 23/2, phiên tòa xét xử vụ án Đinh La Thăng và đồng phạm về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng tiếp tục với phần tranh luận.
Trước đó, đại diện VKSND đề nghị tuyên trả lại PVN số tiền 20 tỷ đồng Ninh Văn Quỳnh (nguyên Kế toán trưởng kiêm trưởng ban tài chính, kế toán, kiểm toán PVN) nhận từ Nguyễn Xuân Sơn (nguyên Phó tổng giám đốc PVN).
Với tư cách người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, luật sư Vũ Thị Kim Ngọc, đại diện ủy quyền của Oceanbank đề nghị HĐXX căn cứ quy định Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 tuyên trả số tiền 20 tỷ đồng cho Oceanbank.
Theo luật sư, các bị cáo có lời khai xác nhận, từ năm 2009-2013, bị cáo Quỳnh nhận từ Sơn 20 tỷ đồng từ chỉ đạo của Hà Văn Thắm (nguyên Chủ tịch HĐQT Oceanbank).
Có mặt tại tòa với tư cách nguyên đơn dân sự, luật sư Nguyễn Văn Thái bảo vệ quyền và lợi ích của PVN đã nêu 7 quan điểm đề nghị HĐXX xem xét.
Thứ nhất, VKSND đề nghị HĐXX xác định trách nhiệm dân sự các bị cáo phải liên đới bồi thường cho PVN 800 tỷ đồng.
Về vấn đề này, PVN tiếp tục bảo lưu quan điểm tại văn bản số 451 ngày 16/1/2018 gửi cơ quan tố tụng. Trong đó nêu rõ: “Đề nghị quý tòa căn cứ vào kết quả điều tra và kết luận của cơ quan tố tụng xem xét phần liên quan đến PVN đúng quy định của pháp luật nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của PVN và nhà nước”.
Thứ hai, về việc xử lý vật chứng 20 tỷ đồng mà bị cáo Ninh Văn Quỳnh (nguyên Kế toán trưởng kiêm Trưởng ban tài chính, kế toán, kiểm toán PVN) bị cáo buộc tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản. VKSND đề nghị HĐXX tuyên hoàn trả số tiền này cho PVN.
“Chúng tôi xét thấy, đây là quan hệ cá nhân phát sinh giữa ông Nguyễn Xuân Sơn và Ninh Văn Quỳnh, chỉ liên quan đến tội danh VKSND cáo buộc cho riêng ông Ninh Văn Quỳnh. Đồng thời, chúng tôi đề nghị HĐXX căn cứ vào các tình tiết khách quan của vụ án, trên cơ sở hồ sơ đã được thẩm tra công khai tại tòa để ra quyết định xử lý vật chứng phù hợp với quy định pháp luật nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các đương sự”, luật sư Thái nói.
Thứ ba, về bối cảnh, điều kiện thực tế thời điểm PVN góp vốn vào Oceanbank. PVN cho rằng, thực hiện Đề án thành lập PVN đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 198/2006/QĐ-TTg ngày 29/8/2006 và Quyết định số 199/2006/QĐ-TTg cùng ngày về việc thành lập công mẹ - PVN, PVN được phép cùng tham gia góp vốn để thành lập mới một ngân hàng thương mại cổ phần với tỷ lệ nắm giữ của tập đoàn trên 50% vốn điều lệ.
Trên cơ sở đó, PVN đã thực hiện các thủ tục thành lập Ngân hàng TMCP Hồng Việt theo hướng dẫn tại công văn số 12901 ngày 3/12/2007 của NHNN. Tuy nhiên, do khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã ảnh hưởng tới kinh tế trong nước, Chính phủ có chủ trương kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô nên tháng 7/2008, PVN đã dừng thành lập Ngân hàng Hồng Việt và chuyển sang góp vốn vào Ocenbank.
PVN đề nghị HĐXX cân nhắc, xem xét đến bối cảnh chung để có đánh giá khách quan, toàn diện trong quá trình giải quyết vụ án.
Thứ tư, về quy trình xin ý kiến chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền. Tinh thần thượng tôn pháp luật cần đi cùng với tính tự chủ của doanh nghiệp. Việc PVN chủ động ký thỏa thuận với đối tác, ban hành các nghị quyết và quyết định nội bộ, sau đó xin ý kiến chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền khi quy định của pháp luật yêu cầu, là cần thiết để đáp ứng thực tiễn sản xuất kinh doanh, với điều kiện hiệu lực thực thi của các văn bản trên phụ thuộc vào chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền. Đồng thời điều này giúp người phê duyệt có cơ hội tiếp cận tối đa thông tin trước khi ra quyết định.
Quy trình này phù hợp với thực tế công việc tại PVN nói riêng và hầu hết doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức nói chung.
Thứ năm: Bối cảnh PVN góp vốn lần sau cùng vào Oceanbank khi có sự thay đổi của chính sách, pháp luật cũng là vấn đề rất đáng lưu tâm.
PVN cho rằng, vào thời điểm Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 có hiệu lực từ ngày 1/1/2011, giới hạn lại mức trần vốn góp của một tổ chức không vượt quá 15% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, việc thực thi rất cần có hướng dẫn cụ thể của cơ quan có thẩm quyền và có kế hoạch, lộ trình phù hợp, đặc biệt khi tồn tại sự khác biệt giữa các quy định pháp luật.
Thứ sáu: về hậu quả của vụ án đối với PVN. Việc mua lại bắt buộc Oceanbank đã chấm dứt tư cách cổ đông của PVN tại Oceanbank. Tuy nhiên, TAND TP Hà Nội đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét lại chủ trương này tại bản án hình sự sơ thẩm số 330/2017/HS-ST ngày 29/9/2017.
Thứ bảy, về vấn đề lãi ngoài hợp đồng tiền gửi tại OceanBank, PVN khẳng định không có chủ trương và không nhận lãi ngoài từ OceanBank hay bất kỳ ngân hàng nào khác.
Qua tài liệu, chứng cứ và lời khai của Nguyễn Xuân Sơn và Hà Văn Thắm nêu rằng, OceanBank đã chi tiền “chăm sóc khách hàng” cho PVN. Mặc dù quá trình điều tra từ giai đoạn trước của vụ án tới nay không có bất kỳ chứng cứ nào chứng minh cho các lời khai kể trên. Tuy nhiên, dựa vào lời khai này, một số vị luật sư đã sử dụng và đặt ra nghi vấn về việc PVN có chủ trương và nhận tiền lãi ngoài hợp đồng tiền gửi từ OceanBank trong quá trình xét hỏi và tranh luận tại phiên tòa. Việc này gây ra định kiến và dư luận bất lợi cho hình ảnh, uy tín của PVN.
Căn cứ vào điểm c khoản 2 điều 63 BLTTHS 2015, PVN đề nghị HĐXX kiểm tra, đánh giá các lời khai trên như một nguồn chứng cứ không có cơ sở và không bảo đảm tính khách quan để bác bỏ khi đưa ra phán quyết, qua đó khẳng định sự tuân thủ pháp luật của PVN từ trước tới nay.
Ngoài ra, PVN cũng đề nghị HĐXX cân nhắc nhân thân các bị cáo, trong đó, nhiều người đã cống hiến cả cuộc đời làm việc cho ngành dầu khí và gia đình có truyền thống cách mạng, để đưa ra phán quyết công minh, thấu tình đạt lý.