Trước đó, OCB chốt lịch ĐHCĐ thường niên 2019 trong tháng 4/2020, song phải hoãn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Theo kế hoạch năm nay, OCB còn đưa ra mục tiêu chia cổ tức với tỷ lệ 25-27%. Năm 2019, OCB cũng thực hiện kế hoạch tăng vốn thêm 1.299 tỷ đồng qua hình thức chia cổ tức cho cổ đông bằng cổ phiếu, lên 7.899 tỷ đồng.
OCB đặt mục tiêu quy mô tổng tài sản năm 2020 đạt 150.000 tỷ đồng, tăng 27% so với cuối năm trước.
Trong đó, tăng trưởng huy động là 21% và dư nợ tăng 25% trên cơ sở phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Kết thúc quý I/2020, OCB đạt 1.107 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 107% so với cùng kỳ năm trước, tương đương 25% chỉ tiêu năm. Tổng tài sản ở mức 118.958 tỷ đồng, tăng 0,6% so với đầu năm. Cho vay khách hàng tăng 8,6%, lên 76.423 tỷ đồng. Tiền gửi khách tăng 4%, lên 71.952 tỷ đồng. Nợ xấu ở mức 1.299 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu hạ từ 1,83% xuống 1,68%.
OCB vừa được NHNN chấp thuận tăng vốn điều lệ từ 7.899 tỷ đồng lên hơn 8.767 tỷ đồng vào giữa tháng 3/2020 sau khi cổ đông ngân hàng thông qua phương án chào bán riêng lẻ gần 86,9 triệu cổ phiếu, tương đương 11% vốn điều lệ cho Ngân hàng Aozora của Nhật Bản.
Toàn bộ lượng vốn thu về sẽ được Công ty bổ sung nguồn vốn kinh doanh đầu tư và cho vay. Năm nay, OCB đặt mục tiêu hoàn thành tăng vốn điều lệ thông qua phát hành riêng lẻ cho đối tác nước ngoài nói trên.
Trước đó, cổ đông chiến lược nước ngoài của OCB là Ngân hàng BNP Paribas (Pháp) đã bán toàn bộ hơn 74 triệu cổ phiếu, tương đương với 18,68% vốn điều lệ của OCB sau 10 năm đổ vốn vào đây.
Theo công bố mới nhất của OCB, tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài tại OCB là 4,98% vốn điều lệ do một quỹ của Vina Capital nắm giữ.