Trên nền tảng những thành tựu đạt được trong năm qua, năm 2014, OCB sẽ tiếp tục những bước đi của triển khai chiến lược giai đoạn 2011-2015 và đây là cơ sở để OCB chủ động triển khai chiến lược và phát triển tạo khả năng thích ứng với các chuẩn mực quốc tế.
Đặt mục tiêu an toàn
Trong năm 2013, các chỉ tiêu kinh doanh được thông qua cho toàn ngân hàng bao gồm: tổng tài sản đạt 28.755 tỷ đồng, huy động vốn đạt 24.045 tỷ đồng, dư nợ đạt 18.954 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 320 tỷ đồng.
Nhưng với quyết tâm của toàn hệ thống, kết quả thực hiện trong năm 2013 đã vượt khá tốt chỉ tiêu đề ra. Cụ thể, tổng tài sản Ngân hàng đạt 32.795 tỷ đồng, tăng 19,5% so với năm 2012 vượt kế hoạch đề ra; huy động vốn đạt 28.514 tỷ đồng, tăng 27,3% so với năm 2012. Nếu tình riêng huy động từ tổ chức và dân cư (bao gồm hoạt động ủy thác) thì OCB đạt mức tăng trưởng 24% cao hơn nhiều so với mức tăng 15,61% của toàn hệ thống; dư nợ đạt 20.646 tỷ đồng, tăng 19% so với năm 2012 gấp gần 2 lần so với mức tăng 9,5% của toàn hệ thống; nợ xấu dưới 3%.
Đáng chú ý là lợi nhuận trước thuế đạt 321 tỷ đồng (lợi nhuận trước dự phòng đạt 536 tỷ đồng), hoàn thành kế hoạch đặt ra. Đây là năm thứ hai liên tiếp OCB hoàn thành kế hoạch trong bối cảnh thị trường còn có những khó khăn.
Theo kế hoạch năm 2014, HĐQT dự kiến các mục tiêu chủ yếu gồm: tổng tài sản đến cuối năm 2014 đạt 34.600 tỷ đồng, vốn điều lệ đạt 4.000 tỷ đồng, vốn huy động đến cuối năm đạt 29.700 tỷ đồng, dư nợ cho vay đạt 22.700 tỷ đồng, nợ xấu được kiểm soát ở mức dưới 3%. Riêng chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế OCB đưa ra cho năm nay ở mức 350 tỷ đồng.
Đẩy mạnh bán lẻ
Năm 2014, tiếp tục những bước đi của triển khai chiến lược OCB giai đoạn 2013-2015, OCB sẽ chuyển đổi mô hình kinh doanh mới, kể cả hình thức thiết kế bên ngoài và mô hình quản lý, tác nghiệp kinh doanh bên trong, xây dựng hệ thống bán hàng chuẩn và hiệu quả hơn, phù hợp hơn để phục vụ phân khúc khách hàng mục tiêu chính một cách thích hợp nhằm hỗ trợ hiệu quả nhất cho hoạt động kinh doanh, giảm thiểu rủi ro vận hành trong điều kiện tiết kiệm chi phí tối đa và mang lại lợi ích cao nhất cho khách hàng.
Trong ba phân khúc khách hàng: doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp vừa và nhỏ, cá nhân khá giả, OCB lấy khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ và khách hàng cá nhân làm mục tiêu thông qua việc xây dựng các dòng sản phẩm kinh doanh độc đáo, chuyên biệt và chính sách chăm sóc cụ thể từng đối tượng khách hàng, từ đó tạo sự khác biệt trên thị trường và đem lại giá trị thực sự cho khách hàng.
Đồng thời, OCB xây dựng mô hình cho vay bán lẻ cũng như xây dựng mô hình kinh doanh cạnh tranh về cho vay cá nhân, ứng dụng toàn diện mô hình cho vay bán lẻ hiện đại theo hướng tập trung hoá giúp gia tăng doanh thu và quản trị rủi ro hiệu quản.
Thực tế cho thấy, chi phí trong hoạt động cho vay nhỏ lẻ, phục vụ người dân, tiêu dùng lớn, nhưng bù lại khi cho vay phân tán chênh lệch lãi suất đầu vào đầu ra tương đối tốt. Ngân hàng có thể dùng khoản lợi nhuận này để bù cho những cái khác, đồng thời khi cho vay phân tán tính an toàn thường cao hơn đối với khoản vay lớn, rủi ro tiềm ẩn cao.
Để đảm bảo hoạt động tăng trưởng tín dụng an toàn và hạn chế tối đa rủi ro, OCB đã triển khai dự án chuyển đổi rủi ro, nhằm đánh giá và nâng cấp khung quản trị rủi ro của Ngân hàng. Đặc biệt là những vấn đề liên quan tới rủi ro tín dụng. Khung quản trị rủi ro bao gồm: chính sách, thể chế, quy trình, công cụ và xây dựng hệ thống cảnh báo sớm và cơ chế thu hồi nợ. OCB từng bước hoàn thiện hệ thống quản trị rủi ro, thành lập dự án xây dựng nền tảng cơ sở cho các hoạt động quản lý rủi ro thị trường, tác nghiệp... với sự hỗ trợ của đối tác chiến lược là BNP Paribas.
Trong năm 2013, cổ đông chiến lược BNP Paribas tiếp tục duy trì tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của OCB ở mức 20% đồng thời tăng cường hoạt động hỗ trợ OCB trong việc chuyển giao các kinh nghiệm nền tảng của một Ngân hàng hàng đầu châu Âu, cùng OCB triển khai các dự án trọng điểm, hoàn thiện và thực thi chiến lược phát triển OCB giai đoạn 2011-2015. Bên cạnh đó, tổ chức IFC (thuộc World Bank) và tổ chức JICA - Nhật Bản tiếp tục tài trợ ủy thác cho OCB trong hoạt động tín dụng và các hoạt động khác.
Bài viết này nằm trong Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng Việt Nam 2014, do Báo Đầu tư Chứng khoán - Báo Đầu tư xuất bản ngày 5/5/2014. Tinnhanhchungkhoan.vn sẽ lần lượt đăng tải bài viết của Đặc san này trong thời gian tới. Quý vị độc giả có thể theo dõi tất cả các bài viết trong Đặc san tại:Toàn cảnh ngân hàng Việt Nam 2014: “Đón vận hội mới” |