Chỉ có giá sắt thép giảm nhiệt, còn các loại vật liệu xây dựng khác vẫn giữ nguyên hoặc tăng khiến chủ đầu tư và nhà thầu lao đao
Bài 5: Cơn ác mộng của nhà thầu xây dựng
Xăng hạ, nhưng các loại vật liệu xây dựng cũng như chi phí triển khai dự án vẫn leo thang, khiến cả chủ đầu tư lẫn nhà thầu lao đao. Bão giá thực sự là cơn ác mộng với ngành xây dựng.
Giá vật liệu xây dựng cao ngất ngưởng
Nhìn công nhân kéo từng xe rùa đầy ắp gạch ống lên tầng 3 của một căn biệt thự đang xây dựng trên đường D2, phường Bình Trưng Tây (TP. Thủ Đức), anh Trần Kim Sang, nhân viên giám sát công trình của Công ty Xây dựng Tấn Tài, luôn nhắc nhở công nhân phải thật nhẹ tay.
“Nếu như trước đây, mỗi viên gạch ống này có giá 1.200 - 1.300 đồng/viên, thì nay đã lên đến 1.700 - 1.800 đồng/viên, việc vận chuyển phải cẩn thận vì vỡ viên nào là xót tiền viên đó”, anh Sang mở đầu câu chuyện khi đề cập đến tình hình tăng giá vật liệu xây dựng.
Mỗi viên gạch chỉ có giá chưa tới 2.000 đồng nghe có vẻ thấp, nhưng để xây lên một căn biệt thự ba tầng lầu, một tầng hầm thì cần tới hàng chục vạn viên. “Nếu mỗi lần vận chuyển mà vỡ 3 - 4 viên gạch thì tính tổng cũng là số tiền không nhỏ”, anh Sang nói thêm.
Theo các doanh nghiệp, chỉ có sắt thép xây dựng giảm, còn các loại khác đứng yên hoặc tăng. Tính đến cuối tháng 7/2022, thép xây dựng các loại là 15,2 - 16,6 triệu đồng/tấn (giảm từ mức 20 triệu đồng/tấn), nhưng so với cuối năm 2020 (ngưỡng 10 - 13 triệu đồng/tấn) thì giá này vẫn còn rất cao.
Trong khi đó, một số loại vật liệu xây dựng khác, nhất là giá xi măng tiếp tục có dấu hiệu leo thang từ 1,4 triệu đồng/tấn, lên xấp xỉ 2 triệu đồng/tấn (chưa kể VAT). Nguyên nhân, than chiếm khoảng 30% trong cơ cấu giá thành sản xuất xi măng, từ đầu tháng 6/2022, giá than trong nước đã tăng thêm 15%. Đó cũng là lý do mà Công ty Xi măng Vicem Hà Tiên có thông báo điều chỉnh tăng 50.000 đồng/tấn với bao 50 kg các loại kể từ ngày 21/7.
“Đầu tháng 6, giá bán than trong nước đã tăng thêm 15% theo Quyết định 926/QĐ-TKV của Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam. Bên cạnh đó, giá xăng dầu đang ở mức cao, vì thế giá thành sản xuất clinker và xi măng cũng tăng cao. Mặc dù Vicem Hà Tiên đã cố gắng tìm giải pháp tiết kiệm chi phí sản xuất, tối đa hóa hiệu quả sử dụng nguyên, nhiên, vật liệu, nhưng không thể bù đắp được chi phí đầu vào tăng cao như hiện nay. Do vậy, Vicem Hà Tiên cân đối xem lại giá bán xi măng để đảm bảo bù đắp một phần chi phí sản xuất ngày càng tăng cao”, ông Lê Tuấn Thiệm, Giám đốc Vicem Hà Tiên giải thích trong văn bản gửi khách hàng về thông báo tăng giá.
Sự biến động tăng giá của nguyên vật liệu khiến thị trường xây dựng hết sức náo loạn. Nói như anh Sang, giá vật liệu xây dựng đang trở thành cơn “ác mộng” của các nhà thầu, nhất là đối với các nhà thầu ký hợp đồng trọn gói không được điều chỉnh giá.
Nguồn: Báo cáo tài chính các doanh nghiệp |
Nhà thầu xây dựng lớn cũng có thể phá sản
Trong xây dựng nhà ở, vật tư phần thô như sắt thép, xi măng, gạch cát thường chiếm khoảng 30% tổng chi phí, nhân công chiếm 30%, còn lại 40% là vật tư hoàn thiện.
Với giá vật tư xây dựng tăng như hiện nay, dẫn tới giá xây dựng nhà ở riêng phần thô từ 3,6 đến 3,8 triệu đồng/m2 hồi năm 2021, đã lên 5 - 6 triệu đồng/m2. Hệ quả, theo ông Đàm Hà Phú, Tổng giám đốc Công ty Không gian đẹp, lượng khách hàng đã giảm 2/3 so với hồi cuối năm 2021, vì Công ty phải bỏ thầu với giá cao do giá vật liệu leo thang.
“Chủ nhà chỉ biết là mức chào giá đang quá cao so với trước đây, khi chúng tôi giải thích do giá vật liệu tăng nên tổng chi phí xây dựng buộc tăng theo, họ liền ngưng luôn kế hoạch thi công. Việc chốt hợp đồng ở thời điểm hiện tại rất khó khăn”, ông Phú nói.
Trước mắt, để duy trì hoạt động, Công ty Không gian đẹp phải thu hẹp hoạt động, không dám nhận thầu những dự án mà chủ đầu tư bắt cam kết tổng giá trị, chỉ dám ký những hợp đồng mở, tức là những hợp đồng cho phép điều chỉnh giá vật tư xây dựng. “Làm như vậy thì lượng khách sẽ ít hơn, nhưng an toàn cho mình. Thời điểm này, tôi chỉ cần đủ chi phí cho công ty vận hành, không phải mang tiền nhà ra trả lương công nhân là tốt rồi”, ông Phú nói thêm.
Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình cũng lo ngại, nếu tình trạng này kéo dài thì không ít công ty xây dựng có nguy cơ rơi vào tình trạng phá sản, do giá lên đột ngột không thể điều chỉnh kịp giá chào thầu, cũng không điều chỉnh kịp giá thầu.
“Với các dự án mới, chủ đầu tư thường chốt một mức giá cố định, khi giá vật liệu leo thang, không ít nhà thầu rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Nếu tiếp tục thi công thì càng làm càng lỗ, còn không làm thì sẽ mất uy tín, bị phạt hợp đồng, phạt chậm tiến độ”, ông Hải chia sẻ.
Chủ đầu tư dự án khốn khổ
Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sea Holdings, ông Trần Hiền Phương cho biết, vật liệu xây dựng là một trong 5 loại chi phí tác động đến giá của sản phẩm bất động sản. Trong đó, chi phí sắt thép chiếm 15 - 20%, còn lại là chi phí đất đai, xây dựng, quản lý và kỳ vọng lợi nhuận của doanh nghiệp. Nếu giá vật liệu xây dựng tăng, buộc chủ đầu tư phải điều chỉnh giá bán theo hướng tăng.
Do đó, với các dự án chưa công bố bán hàng, chưa khởi công xây dựng và chưa đưa vào kinh doanh, chủ đầu tư sẽ điều chỉnh giá bán. Khi chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, đẩy chi phí xây dựng tăng lên, cấu thành vào giá bán, điều đó bắt buộc chủ đầu tư phải điều chỉnh giá lên. Tuy nhiên, do từ đầu năm đến nay, thị trường trầm lắng, thanh khoản kém, nên chủ đầu tư buộc lòng phải cắt giảm lợi nhuận để giữ giá bán và kéo khách hàng.
“Bối cảnh thị trường lúc này rất khó đoán. Làm cũng chết, mà không làm cũng chết, vì ký hợp đồng thi công trọn gói, nhà thầu không được trợ giá sẽ tìm cách kéo dài tiến độ. Dự án có nguy cơ bị chậm tiến độ, chậm giao nhà, dẫn đến chủ đầu tư bị khách hàng phạt”, ông Phương thở dài.
Còn với dự án đã mở bán, theo ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Địa ốc Phú Đông (Phú Đông Group), chủ đầu tư không thể tăng thêm giá so với mở bán ban đầu. Lúc này chủ đầu tư đứng giữa hai lựa chọn: hỗ trợ giá cho nhà thầu thì bản thân sẽ bị lỗ, còn nếu bỏ mặc nhà thầu, cứ “theo hợp đồng mà làm” thì nhà thầu sẽ làm việc không trách nhiệm do lợi nhuận thấp, chất lượng công trình bị ảnh hưởng.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) khuyến nghị, cơ quan chức năng cần phải có giải pháp điều tiết lại bài toán chi phí đối với ngành vật liệu xây dựng. Đồng thời, điều chỉnh thị trường vật liệu xây dựng, làm chủ được giá vật liệu xây dựng từ khâu sản xuất đến cung ứng.
Khó khăn chồng chất khiến rất nhiều nhà thầu quy mô lớn, trước đây làm ăn rất tốt, nhưng thời gian qua phải đối diện với nguy cơ phá sản nếu không có sự hỗ trợ từ Chính phủ. Một nhà thầu lớn như một cỗ máy vĩ đại, tốn rất nhiều công sức, mất rất nhiều thời gian xây dựng và phát triển, để bị phá sản thì chẳng khác gì cỗ máy bị tháo rời, trở thành một đống sắt phế liệu. Đó là điều rất đáng tiếc.
Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình
Việc tăng giá vật liệu xây dựng sẽ khiến giá thành nhà ở tăng cao, bởi giá thành xây dựng được cấu thành với hai tiêu chí là chi phí mặt bằng và chi phí xây dựng. Chi phí về mặt bằng thường chiếm 15% đối với nhà chung cư, 30% đối với nhà phố và 50% đối với nhà biệt thự; chi phí xây dựng thường chiếm khoảng 60% giá thành của sản phẩm.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM
(Còn tiếp)