Mới đây, TAND TP. Hà Nội xét xử phúc thẩm vụ tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa Ngân hàng Agribank và CTCP Xử lý Môi trường công nghiệp Việt Nam do có kháng cáo của bên thứ ba.
Người kháng cáo là vợ chồng ông Hạ Văn Đ. (SN 1946, ở xã Nam Hồng, huyện Đông Anh, Hà Nội).
Trước đó, vào năm 2009, vợ chồng ông Đ. đã thế chấp tài sản là quyền sử dụng đất diện tích 548 m2 ở thôn Đoài, xã Nam Hồng, huyện Đông Anh, Hà Nội cho Công ty Môi trường vay vốn.
Ngoài tài sản trên, Công ty Môi trường còn thế chấp nhiều tài sản khác để vay vốn Ngân hàng Agribank số tiền 50 tỷ đồng để bổ sung vốn lưu động kinh doanh sắt thép, xăng dầu. Do công ty vi phạm nghĩa vụ trả nợ nên ngân hàng khởi kiện ra tòa án, yêu cầu công ty thanh toán nợ gốc và lãi hơn 115 tỷ đồng, trong đó số tiền nợ gốc gần 30 tỷ đồng.
Công ty Môi trường do ông Nguyễn Đức Tiến là đại diện theo pháp luật. Từ khi ngân hàng khởi kiện, tòa án đã tống đạt các văn bản tố tụng, ghi lời khai nhưng ông Tiến không có mặt ở nhà.
Còn vợ chồng ông Đ. cho biết, do quen biết ông Tiến nên đồng ý thế chấp nhà đất để đảm bảo cho khoản vay của công ty, phạm vi bảo đảm theo hợp đồng là 1,4 tỷ đồng.
Quá trình tố tụng tại cấp sơ thẩm, vợ chồng ông Đ. đề nghị trả thay công ty 600 triệu đồng để giải chấp tài sản nhưng không được ngân hàng đồng ý. Tòa sơ thẩm còn tuyên, tài sản thế chấp của hộ gia đình ông Đ. bảo đảm nghĩa vụ của công ty tính đến ngày 24/5/2021 là 5,1 tỷ đồng gồm nợ gốc 1,4 tỷ đồng và lãi.
Không đồng ý với quyết định trên, ông Hạ Văn Đ. kháng cáo lên tòa phúc thẩm, đề nghị ngân hàng miễn toàn bộ lãi.
Tại tòa, ông Đ. cho biết, vợ chồng ông không biết chữ, công chứng viên không giải thích cho ông bà khi ký hợp đồng thế chấp. Tuy nhiên, đại diện Viện kiểm sát cho rằng, trong hồ sơ có bản tự khai viết tay của ông Đ. Ông này cho rằng không biết chữ là không có căn cứ.
Tòa án cũng xác định, các bên ký kết hợp đồng thế chấp trước mặt công chứng viên. Khi ký kết, các bên có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, không bị ai ép buộc. Nội dung và hình thức của hợp đồng thế chấp đều đúng quy định. Do đó, ngân hàng có quyền xử lý nhà đất trên.
Ngoài ra, hợp đồng cũng quy định: “Phạm vi nghĩa vụ được bảo đảm. Bên B tự nguyện đem tài sản trên thế chấp cho nghĩa vụ trả nợ của bên C đối với Bên A, bao gồm cả gốc, lãi trong hạn, lãi phạt quá hạn, các khoản phí và chi phí phát sinh khác liên quan…”.
Xem xét lại phần lãi suất, tòa phúc thẩm tuyên buộc Công ty Môi trường có nghĩa vụ trả cho ngân hàng hơn 92 tỷ đồng. Trường hợp công ty không trả được nợ thì ngân hàng có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự xử lý tài sản nhà đất mang tên ông Hạ Văn Đ. với nghĩa vụ gốc và lãi là hơn 4,5 tỷ đồng.
Sau khi xử lý tài sản đảm bảo thì công ty phải tiếp tục chịu trách nhiệm trả nốt số nợ còn lại.