Oan cho thủ tục thuế ?

Oan cho thủ tục thuế ?

(ĐTCK-online)Sau khi công bố kết quả khảo sát về chi phí thời gian thực hiện các quy định về thuế tại Hà Nội, tuần qua, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) lại tiếp tục công bố công trình của mình với cộng đồng DN phía Nam tại TP. HCM. Điều này khiến giới DN hoài nghi về những kết quả cải cách thủ tục hành chính mà ngành thuế đã và đang thực hiện.

Trong khi ngành thuế luôn tự hào là một trong những đơn vị dẫn đầu về cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện tối đa cho DN thực hiện nghĩa vụ với ngân sách thì với kết quả khảo sát bước đầu của CIEM khiến nhiều DN không khỏi băn khoăn. Trong khi ông Nguyễn Xuân Thuỳ, Kế toán trưởng Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đánh giá cao sự cải cách của ngành thuế trong việc cho DN thực hiện cơ chế một cửa, thực hiện cơ chế tự khai, tự nộp thuế thì đại diện Cảng Quảng Ninh lại đánh giá cao việc ngành thuế khuyến khích và tạo điều kiện cho DN tự in hoá đơn, giảm chi phí cho DN. "Chính sách thuế hiện nay có thể nói là tương đối phù hợp trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế", vị đại diện này phát biểu. Ở quan điểm ngược lại, ông Nguyễn Đức Khả, Tổng giám đốc CTCP Nagacawa lại cho rằng, cải cách hành chính trong lĩnh vực thuế mới chỉ được thực hiện ở hình thức, chứ chưa phải cải cách về nội dung, tức là xây dựng được chính sách thuế minh bạch, công bằng, đơn giản, dễ thực hiện và không tạo ra những kẽ hở để cán bộ thuế gây khó dễ cho DN nhằm trục lợi cá nhân.

Theo kết quả khảo sát của CIEM, công việc tập hợp, phân loại, ghi chép, lưu trữ hóa đơn, chứng từ, tài liệu liên quan; lập các bảng kê hóa đơn, chứng từ hàng hóa mua vào, bán ra hàng tháng, bình quân một DN mất 1.526 giờ, chiếm 88% thời gian cho việc thực hiện nghĩa vụ thuế giá trị gia tăng và chiếm 78% toàn bộ chi phí thời gian cho việc thực hiện các thủ tục về thuế. "Như vậy, chi phí thời gian nhiều nhất này thuộc về việc lập hóa đơn bán hàng và hạch toán kế toán quản trị DN. Đây là công việc bắt buộc theo quy định của Luật Kế toán. Nếu không phải kê khai, nộp thuế giá trị gia tăng thì DN vẫn phải thực hiện những công việc này. Vì vậy, nếu coi toàn bộ thời gian này là thời gian dành cho việc lập hồ sơ khai thuế giá trị gia tăng là không chính xác", Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế (TCT) Phạm Văn Huyến bình luận.

Vẫn theo ông Huyến, chi phí thời gian nhiều hay ít để phục vụ cho việc tập hợp, phân loại, ghi chép, lưu trữ hóa đơn, chứng từ, tài liệu liên quan phụ thuộc chủ yếu vào quy mô, trình độ kế toán của DN . "Đơn cử, các công ty điện lực, bưu chính - viễn thông, cung cấp nước sạch hàng tháng phải lập hàng triệu hóa đơn cho khách hàng, nếu các công ty này viết hóa đơn theo phương thức thủ công thì phải mất hàng trăm người, nhưng thời gian chi phí cho việc này không thể tính vào thời gian kê khai thuế", ông Huyến phân tích.

Mặc dù kết quả khảo sát của CIEM chỉ là bước đầu, chưa được phân tích, tách bóc từng loại chi phí thời gian cụ thể của DN trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế cũng như thực hiện các công việc bắt buộc của DN, nhưng lãnh đạo TCT cũng tỏ ra khá lo lắng. "Nhiều cơ quan báo chí công bố "số liệu thô" của cuộc khảo sát mà chưa tìm hiểu, phân tích cặn kẽ sẽ khiến cho nhà đầu tư nước ngoài đánh giá không đúng về môi trường đầu tư tại Việt Nam, các tổ chức quốc tế hoài nghi về chính sách cải cách hành chính, cải cách kinh tế cũng như chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư của Việt Nam", một quan chức TCT chia sẻ.

Ông Huyến cho biết, sau khi kết quả khảo sát của CIEM được công bố vào đầu tháng 8/2007 tại Hà Nội, nhiều DN có cách nhìn nhận và thái độ phản ứng rất khác nhau về vấn đề này. "Tôi đã trực tiếp gặp gỡ vào trao đổi với nhiều DN. DN có vốn đầu tư nước ngoài khẳng định, việc thực hiện các thủ tục về thuế ở Việt Nam không hề phức tạp hơn so với nhiều nước khác, thậm chí thủ tục thực hiện nghĩa vụ thuế của Việt Nam còn đơn giản hơn vì việc kê khai thuế tại nhiều nước đòi hỏi các chỉ tiêu cụ thể, trong khi việc này ở Việt Nam lại thực hiện khá đơn giản. Theo khối DN này, vấn đề lớn nhất của Việt Nam hiện nay là chưa ứng dụng CNTT tốt nên nhiều thủ tục kê khai vẫn phải thực hiện trên giấy. Họ cho rằng, ngành thuế cần phải đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT để việc trao đổi giữa cơ quan thuế và DN được thực hiện thuận lợi hơn", ông Huyến cho biết.

Vẫn theo vị quan chức này, khối DN nhỏ và vừa cũng có phàn nàn về việc kê khai thuế, nhưng đều là những DN chưa tổ chức tốt bộ máy kế toán hoặc người làm kế toán chưa chuyên nghiệp. Tại nhiều DN nhỏ và vừa, vợ, chồng, con, anh em không có trình độ kế toán nhưng đều tham gia vào các khâu quan trọng trong bộ máy kế toán; nếu không, họ thường thuê nhân viên kế toán bên ngoài làm theo thời vụ nên việc hạch toán kế toán, kê khai thuế, tổng hợp báo cáo… không chính xác, phải làm đi làm lại và mất nhiều thời gian. "Trong thời gian tới khi dịch vụ tư vấn thuế, thực hiện các thủ tục về thuế phát triển, các DN nhỏ và vừa có thể giải quyết được hạn chế này thì thời gian thực hiện các thủ tục về thuế sẽ giảm đi đáng kể", ông Huyến hy vọng.