Trong 13 năm qua, tôi dám nói là chúng tôi đã kiếm được nhiều tiền hơn hầu hết các công ty trên trái đất này.

Trong 13 năm qua, tôi dám nói là chúng tôi đã kiếm được nhiều tiền hơn hầu hết các công ty trên trái đất này.

Oan cho Steve Ballmer

(ĐTCK) Bị "lấn" bởi người tiền nhiệm vốn quá nổi tiếng Bill Gate, có lẽ việc rời nhiệm sở tới đây sẽ giúp Steve Ballmer có được cái nhìn chuẩn mực hơn.

Sau hơn 1 thập kỷ tại vị ở Microsoft, Steve Ballmer đã chuẩn bị nói lời từ giã (Microsoft sẽ công bố tên người kế nhiệm vào đầu năm 2014). Việc ông ra đi sẽ không khiến các nhà đầu tư tiếc nuối, khi gần đây ông luôn bị chỉ trích là nguyên nhân khiến cho Microsoft bỏ lỡ cuộc cách mạng di động, làm cho tập đoàn này đánh mất thị phần vào tay Google và Apple.

 

Tuy nhiên, nếu xét kỹ, sẽ thấy Ballmer là người đã đưa ra nhiều quyết định chiến lược, góp phần làm nên thành công cho Microsoft (dù ít được ai công nhận), kể từ khi ông đảm nhận chức Tổng Giám đốc thay cho Bill Gates vào tháng 1.2000. Và những quyết định này sẽ tiếp tục tác động đến Tập đoàn cũng như ngành công nghệ.

 

Chính Ballmer, sau khi nhìn lại chặng đường đã qua, thẳng thắn thừa nhận ông đã mắc phải sai lầm nghiêm trọng với hệ điều hành Windows Vista, vốn bị nhiều người chỉ trích, nhưng ông khẳng định mình có công nhiều hơn là có tội trong suốt 13 năm điều hành Microsoft.

 

Thực tế là Ballmer đã có nhiều lần sơ sẩy. Chẳng hạn, vụ thâu tóm công ty quảng cáo trực tuyến aQuantive năm 2007 trị giá 6 tỉ USD. Và 5 năm sau đó, Microsoft đã phải ghi giảm giá trị của thương vụ này tới 6,2 tỉ USD do không thể tận dụng được các sản phẩm và dịch vụ của aQuantive. Ballmer cũng đã thất bại trong thương vụ mua lại công ty dịch vụ di động Danger vào năm 2008, Công ty đã tạo ra chiếc điện thoại bị yểu mệnh Microsoft Kin.

 

Thế nhưng, Microsoft đã khá thành công dưới sự dẫn dắt của Ballmer. Xét về lợi nhuận, dưới thời của ông, lợi nhuận của Microsoft đã tăng gấp đôi và doanh thu tăng gấp ba lần.

 

“Trong 5 năm qua, có lẽ Apple đã kiếm được nhiều tiền hơn chúng tôi. Nhưng trong 13 năm qua, tôi dám nói là chúng tôi đã kiếm được nhiều tiền hơn hầu hết các công ty trên trái đất này. Và đó là niềm tự hào của tôi”, Ballmer nói.

 

Mặc dù ông đã sai lầm trong một số quyết định nhưng công tâm mà nói, nhiều quyết định của ông đã ra hoa kết trái. Một trong số đó là FAST Search & Transfer, mà Microsoft đã mua lại vào năm 2008 với giá 1,2 tỉ USD. Ông đã sáp nhập nó vào mảng công nghệ tìm kiếm doanh nghiệp SharePoint, hiện rất ăn nên làm ra. Một trường hợp khác là Navision A/S được Microsoft mua lại năm 2002 với giá 1,5 tỉ USD. Navision A/S hiện là “hạt nhân” của bộ phận giải pháp doanh nghiệp Dynamics ERP đang phát triển mạnh của Microsoft.

 

Không chỉ vậy, Ballmer đã nâng tính kỷ luật của Công ty lên một cấp độ mới. Thay vì cứ thấy có tiềm năng là làm, giờ đây một sản phẩm hay một ý tưởng mới nếu muốn được phê duyệt phải cho ông thấy kế hoạch chi tiết của nó. “Phát ngôn nổi tiếng của Ballmer là “nếu làm việc với tôi, bạn phải làm việc với một kế hoạch chi tiết”. Nếu không có bản kế hoạch chi tiết thì đừng nghĩ đến chuyện trình ý tưởng/dự án lên ông ấy xem”, Satya Nadella, Phó Chủ tịch Điều hành bộ phận Đám mây và Máy chủ của Microsoft, cho biết.

 

Năm 2005, ông đã thuê Phó Chủ tịch Điều hành Kevin Turner của Wal-Mart Stores về làm Giám đốc Điều hành của Microsoft. Turner đã nâng tính kỷ luật này lên một nấc cao hơn bằng việc đưa ra các bảng đánh giá đo lường sự hài lòng của khách hàng và các công cụ đo lường doanh số bán hàng khác.

 

Cũng chính Ballmer là người đã đưa Microsoft thoát ra khỏi hàng trăm vụ kiện tụng rắc rối. Khi ông mới giữ chức CEO, Microsoft đang bị dính vào mớ bòng bong kiện tụng chống độc quyền vào năm 1998 của Chính phủ Mỹ và 20 bang. Brad Smith, đứng đầu bộ phận pháp lý ở Microsoft, nhớ lại khi đó Công ty cũng đối mặt với các vụ điều tra chống độc quyền tại 20 nước khác, cộng thêm 206 vụ kiện tập thể chống lại Micrososft tại 40 bang và hạt Columbia. Không chỉ vậy, Công ty còn đối mặt với các vụ kiện từ 12 đối thủ trong đó có Sun Microsystems, AOL và IBM.

 

Smith cho biết dàn xếp các vụ kiện tụng này đã tốn của Microsoft từ 5-6 tỉ USD và đến năm 2005, hầu hết các vụ đã được giải quyết. “Lối suy nghĩ thực tế của Ballmer, khả năng thiết lập quan hệ và sự điềm tĩnh của ông chính là chìa khóa giúp cho những vụ việc này được giải quyết gọn ghẽ”, Smith nhận xét.

 

Ballmer cũng đóng vai trò quan trọng trong việc đưa Microsoft trở thành một trong những nhà cung cấp công nghệ lớn nhất thế giới cho các doanh nghiệp lớn. Hiện tại, Microsoft sở hữu bộ phận doanh nghiệp trị giá 20 tỉ USD trong khi điểm khởi đầu của Microsoft chỉ là một công ty phục vụ khách hàng là người tiêu dùng.

 

Thực ra, Microsoft, dưới sự lãnh đạo của Gates, đã bắt đầu nghĩ đến việc phát triển mảng doanh nghiệp từ năm 1988 khi thuê Dave Cutler, người đã phát triển hệ điều hành VMS, viết hệ điều hành hoàn toàn mới cho doanh nghiệp: Windows NT. Nhưng chỉ dưới thời của Ballmer, Microsoft mới thực sự đứng vững trên con đường này. Ballmer cho biết phải mất nhiều năm trời mới thay đổi được cách nhìn của Công ty về doanh nghiệp. “Chỉ 5-6 năm gần đây mọi người mới cho rằng chúng tôi là công ty về doanh nghiệp”, ông nói.

 

Tuy nhiên, Ballmer không phải chỉ biết đến mảng doanh nghiệp. Một trong những quyết định đầu tiên khi ở vị trí CEO là liệu Microsoft có nên bước vào thị trường game với sản phẩm Xbox. Robbie Bach, từng phụ trách bộ phận Giải trí và Thiết bị của Microsoft và trưởng dự án Xbox, nhớ lại trước khi quyết định cho nhóm Xbox triển khai dự án, Ballmer đã dành ra 6 tháng trời để tìm hiểu kỹ xem liệu có cơ may thành công nào cho Microsoft.

 

Quyết định của Ballmer đã ra hoa kết trái. Thiết bị chơi game Xbox 360 đã trở thành một cơn sốt tiêu dùng. Ngày 11.12.2013, Microsoft cho biết Tập đoàn đã bán được hơn 2 triệu chiếc Xbox One, thế hệ thiết bị điều khiển trò chơi sau Xbox 360, chỉ trong vòng 18 ngày kể từ khi nó được tung ra, một kỷ lục mới của Công ty.

 

Rõ ràng, Ballmer đã có công không ít đối với Microsoft. Nhưng khi chuẩn bị rời khỏi chiếc ghế nóng, Ballmer vẫn để ngỏ nhiều câu hỏi lớn: Có phải vì cứ khư khư bảo vệ những đứa con cưng của Microsoft - bộ phận Windows và Office - mà ông đã khiến Tập đoàn bị chậm chân trong những lĩnh vực nóng sốt như thiết bị di động và điện toán đám mây? Có phải ông đã quá chậm chạp trong sứ mệnh đưa Microsoft chuyển hướng từ công ty phần mềm sang thành công ty thiết bị và dịch vụ như ông đã tuyên bố?

 

“Tôi nghĩ đối với Microsoft, thách thức lớn nhất chính là quy mô quá lớn của Tập đoàn”, Charles Fitzgerald, từng là chiến lược gia tại Microsoft và hiện là một nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ, nhận xét. Theo ông, Microsoft nên tách ra làm 3 công ty nhỏ hơn thay vì là một công ty lớn duy nhất.

 

Nhưng Ballmer không cho rằng Microsoft quá lớn hoặc cần phải chia tách thì mới có thể thành công. Câu trả lời cho vấn đề này có lẽ sẽ phải dành cho người kế nhiệm của ông.

>> Microsoft đã thành công mua lại Nokia

>> Thêm ứng viên cho vị trí CEO Microsoft

>> CEO Steve Ballmer và những sai lầm "tỷ đô" tại Microsoft