Ô tô TMT (TMT) bị kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Lỗ kỷ lục dẫn tới xoá toàn bộ lãi tích luỹ nhiều năm và sử dụng nguồn vốn ngắn hạn tài trợ tài sản dài hạn, CTCP Ô tô TMT (mã TMT - sàn HOSE) đang bị đơn vị kiểm toán nghi ngờ đáng kể khả năng hoạt động liên tục.
Ô tô TMT (TMT) bị kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục

Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn UHY đã thực hiện kiểm toán Báo cáo tài chính bán niên năm 2024 của Ô tô TMT. Trong đó, với nhiều điểm cần nhấn mạnh đối với người đọc.

Trong đó, 6 tháng đầu năm 2024, Ô tô TMT ghi nhận lỗ 98,97 tỷ đồng và tại thời điểm 30/6/2024, nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn là 120,7 tỷ đồng.

Những sự kiện này, cùng với các vấn đề được nêu ở thuyết minh số 38.2 và 38.3 cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của Ô tô TMT”, Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn UHY nhấn mạnh.

Lý giải về lo ngại của đơn vị kiểm toán, Ô tô TMT cho biết tại thời điểm 30/6/2024, Công ty có số dư thuế phải nộp là trên 60 tỷ đồng, quý II/2024 để đảm bảo thanh toán, giảm chi phí lãi vay, Công ty đã phải giảm giá bán để giải phóng hàng tồn kho.

Ngoài ra, Ô tô TMT cũng đã cắt giảm nhân sự, tiết giảm chi phí, xác định phải tái cơ cấu lại các dòng sản phẩm, hướng đến các sản phẩm mới tốt hơn.

Ô tô TMT lập báo cáo trên giả định hoạt động liên tục khi Công ty có kế hoạch thanh lý các tài sản cố định, các khoản đầu tư, thu hồi các khoản phải thu khách hàng để bổ sung nguồn vốn kinh doanh cũng như trang trải các khoản nợ và vay đến hạn.

“Ô tô TMT kỳ vọng có thể hoàn trả các khoản nợ đến hạn và tiếp tục hoạt động trong kỳ kế toán tiếp theo”, Ô tô TMT cho biết.

Được biết, trong 6 tháng đầu năm 2024, Ô tô TMT đã giảm 140 nhân viên, tương ứng giảm 23,8% quy mô nhân sự, từ 589 người về 449 người.

Xét về hoạt động kinh doanh, trong nửa đầu năm 2024, Ô tô TMT ghi nhận doanh thu giảm 13,4% so với cùng kỳ, về 1.323 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ 98,97 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 1,18 tỷ đồng, tức giảm tới 100,15 tỷ đồng. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm mạnh từ 8,5% về chỉ còn 0,7%.

Trong kỳ, việc biên lợi nhuận giảm mạnh dẫn tới lợi nhuận gộp giảm 92,5% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 119,67 tỷ đồng về 9,65 tỷ đồng. Ngoài ra, cũng trong kỳ, doanh thu tài chính giảm 50,7%, tương ứng giảm 2,06 tỷ đồng về 2 tỷ đồng; chi phí tài chính giảm 38,4%, tương ứng giảm 30,69 tỷ đồng về 49,24 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp giảm nhẹ 0,1%, tương ứng giảm 0,04 tỷ đồng về 62,98 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.

Như vậy, trong nửa đầu năm 2024, việc biên lợi nhuận gộp suy giảm dẫn tới lợi nhuận gộp chỉ đạt 9,65 tỷ đồng, lợi nhuận gộp tạo ra không đủ trả chi phí tài chính, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp dẫn tới lỗ tới 98,97 tỷ đồng.

Trong năm 2024, Ô tô TMT đặt kế hoạch doanh thu 2.645,96 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 38,57 tỷ đồng.

Như vậy, kết thúc nửa đầu năm 2024 với việc ghi nhận lỗ 98,97 tỷ đồng, Ô tô TMT còn cách rất xa kế hoạch có lãi trong năm tài chính 2024.

Với việc lỗ trong nửa đầu năm 2024, tính tới 30/6/2024, Ô tô TMT đã xoá bỏ toàn bộ lãi luỹ kế tích luỹ nhiều năm và ghi nhận lỗ luỹ kế 46,08 tỷ đồng (đầu năm lãi luỹ kế 52,7 tỷ đồng), bằng 12,4% vốn điều lệ (vốn điều lệ 372,9 tỷ đồng).

Thêm nữa, cũng tại thời điểm cuối quý II/2024, Ô tô TMT ghi nhận tài sản ngắn hạn là 986,7 tỷ đồng và nợ ngắn hạn là 1.107,4 tỷ đồng.

Như vậy, Ô tô TMT đang sử dụng 120,7 tỷ đồng nguồn vốn ngắn hạn (kỳ hạn dưới 1 năm) để tài trợ cho tài sản dài hạn với kỳ hạn lớn hơn 1 năm.

Được biết, Ô tô TMT đã thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư khi bán thêm dòng sản phẩm xe điện. Trong đó, Ô tô TMT bắt đầu giao những chiếc xe điện Wuling HongGuang Mini EV đầu tiên tại Việt Nam vào tháng 9/2023 tới nay với mục tiêu bán ra 5.000 xe mỗi năm khi tham gia bán xe điện.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 30/8, cổ phiếu TMT giảm 200 đồng về 7.110 đồng/cổ phiếu.

Tin bài liên quan