Các thông tin bất lợi cho xe sang tại Việt Nam
Theo nhiều đại lý bán xe nhỏ lẻ, không chỉ xe sang qua sử dụng gặp bất lợi, xe sang đời mới từ năm 2017 đến nay cũng gặp nhiều khó khăn khi tồn tại được ở Việt Nam.
Đầu tiên là Luật 106 điều chỉnh thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) được áp dụng từ tháng 7/2016, xe ô tô có dung tích từ 2.5L đến 6.0L sẽ bị tăng thuế từ 30%, 60%, 90% và gần 150% so với trước.
Mức thuế chênh cao được đánh mạnh vào các dòng xe sang, khiến Việt Nam trở thành một trong những nước có mức thuế tiêu thụ xe sang cao của thế giới. Bắt đầu từ đây, xu hướng nhập khẩu các dòng xe từ Đức, Mỹ, Nhật hay một số nước Trung Đông giảm mạnh.
Ngay sau khi Luật 106 được áp dụng, xe sang qua sử dụng, xe chạy lướt sốt giá và được săn lùng. Tuy nhiên, cũng chỉ một khoảnh khắc rất ngắn trước khi cánh cửa này bị bịt kín sau đó.
Thông tư 20, sau đó là Dự thảo Nghị định 116, rồi đến Nghị định 116 (có hiệu lực tháng 10/2017) đã chính thức "chặn đứng" các dòng xe cũ nhập khẩu về Việt Nam cùng lúc các dòng xe mới cũng khó khăn khi về được Việt Nam.
Ngoài các chính sách được luật hoá, quy định hoá, nhiều cách quản lý xe diện biếu tặng, xe ngoại giao của các đối tượng miễn trừ cũng bị siết chặt hơn, khiến thị trường xe cũ ngày càng trở nên ngặt nghèo hơn bao giờ hết, xe sang chuyển bằng đường biếu tặng, miễn trừ ngoại giao hết đất sống từ năm 2018.
Thêm nữa, năm 2018 thị trường xe Việt mở cửa, cam kết bỏ thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc từ ASEAN đã khiến nhiều dòng xe dự kiến về Việt Nam nhiều hơn. Điều này cũng gây lo ngại đối với kinh doanh xe cũ nói chung và xe sang qua sử dụng nói riêng. Không ít doanh nghiệp nằm bất động không dám kinh doanh xe cũ.
Đặc biệt, mới nhất là thông tin Bộ Tài chính đề xuất đánh thuế tài sản đối với xe giá 1,5 tỷ đồng. Cú "bồi" thêm này khiến thị trường xe sang nói chung và xe sang qua sử dụng nói riêng thực sự gặp khó tứ bề. Mặc dù đề xuất này chưa được xem xét song tác động tâm lý đối với người mua xe, khiến “khó càng thêm khó”.
Xe sang cũ hết thời, xe chạy lướt không đất sống
Theo ông Trần Việt Cường, chủ một đại lý kinh doanh xe hơi cũ trên đường Phạm Hùng: Trước đây, các dòng sang qua sử dụng được nhập khẩu là chủ yếu. Đường đi của những chiếc xe này là nhập dạng biếu tặng, xe ngoại giao, xe chạy lướt… Tuy nhiên, từ khi việc nhập khẩu xe cũ bị siết, các loại xe này về Việt Nam không còn dễ dàng.
Phố xe cũ Nguyễn Văn Cừ (Long Biên), trước đây là chợ buôn xe sang qua sử dụng, các dòng Lexus, Audi, Mercedes, BMW hay Land Rover được bán chủ yếu và nhiều người "ăn nên làm ra" với xe cũ.
Tuy nhiên, khoảng hai năm trở lại đây, sự biến động của thị trường xe cả cũ và mới đã buộc nhiều đại lý bán tháo xe sang, kinh doanh xe cũ loại phổ thông, xe nhỏ cũng gặp khó. Nhiều đại lý khác thì chuyển sang kinh doanh xe giá rẻ ở các tuyến phố xe mới như Phạm Hùng, Khuất Duy Tiến, Dương Đình Nghệ hay Tố Hữu.... để tiện cho dân văn phòng xem và mua xe.
Ông Hoàng Văn Mạnh, chủ một đại lý xe hơi nhập khẩu tại đường Khuất Duy Tiến cho biết: "Đại lý có thể mất chục tỷ, thậm chí cả trăm tỷ nếu không lường trước được thay đổi chính sách hoặc không phản ứng kịp, vì vậy việc chuyển sản phẩm kinh doanh là điều dễ hiểu".
Chính vì thế, các đại lý, showroom bán xe sang loại cũ phải chuyển sang kinh doanh xe giá rẻ hoặc không ít người chọn từ bỏ mảng này vì quá “nghiệt ngã”. Thị trường xe sang qua sử dụng hiện cũng còn một số đại lý song việc làm ăn của doanh nghiệp này không hề sáng sủa như trước.
Theo ông Cường: Với những xe BMW, Mercedes hay Lexus có giá trên 1 tỷ đồng, nhưng đời 2000 đến 2007 rất khó bán, thậm chí không có cơ hội bán được vì vòng đời xe đang ngày một ngắn, trong khi đó người tiêu dùng có tâm lý sợ xe sang đã qua sử dụng phải sửa chữa, thay thế đắt tiền.
Càng xe sang qua sử dụng có tuổi đời cao, càng bị đẩy ra "lề đường" trong cuộc đua xe giá rẻ tại Việt Nam.
"Các xe sang cũ nhập khẩu trước được tiêu thụ nhiều vì được quảng cáo nhập châu Âu, nội thất đầy đủ (full options), phục vụ dân giàu... Tuy nhiên, hiện những xe này ít đi, chủ yếu là xe sang qua sử dụng được mua đi, bán lại trong nước, người chọn mua xe sang chuyển qua xe nhập nguyên chiếc", ông Cường cho hay.