Ô tô giá rẻ: chờ đến bao giờ?

Ô tô giá rẻ: chờ đến bao giờ?

(ĐTCK-online) Mặc dù Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung đã ký quyết định giảm 10% thuế nhập khẩu đối với mặt hàng ô tô mới, nguyên chiếc, nhưng các liên doanh vẫn “cứng” trong việc hạ giá bán, khiến dư luận tiếp tục đặt câu hỏi: “Bao giờ giá ô tô tại Việt Nam mới giảm và khi nào thị trường Việt Nam có ô tô giá rẻ?”.

Vì đâu nên nỗi?

Theo lý giải của Bộ Tài chính và Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), sở dĩ giá ô tô cao là do chính sách thuế (thuế chiếm tới 55 - 60% trong tổng giá bán ô tô). Hơn nữa, do chưa khuyến khích tiêu dùng đại trà, nên Bộ Tài chính vẫn áp thuế tiêu thụ đặc biệt cao ngất ngưởng đối với mặt hàng ô tô.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung cho biết, thời gian qua, Chính phủ đã dành nhiều ưu đãi cho xe lắp ráp trong nước, nhưng kết quả là giá xe vẫn cao, tỷ lệ nội địa hoá không đạt như cam kết. Về vấn đề này, các DN thuộc VAMA cho rằng, thị trường quá nhỏ, phải đạt cỡ 100.000 xe/năm mới có thể nội địa hoá.

Ở giác độ chuyên môn, TS. Phan Đăng Tuất, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách - Chiến lược công nghiệp (Bộ Công Thương) cho rằng, DN Việt Nam hiện mới chỉ sản xuất được một số linh kiện, phụ tùng ô tô đơn giản như săm, lốp, dây điện... Trong khi đó, để hoàn thiện được một chiếc ô tô, cần tới gần 30.000 chi tiết, do vậy rất cần nhiều đơn vị sản xuất cung cấp linh kiện, phụ tùng chuyên nghiệp.

Thực tế trên thế giới, công nghiệp ô tô cũng chỉ tập trung ở một số quốc gia có công nghệ cao. Tại châu Âu, chỉ có vài nước có ngành công nghiệp ô tô như Đức, Pháp, Anh… Ở khu vực Đông Nam Á cũng chỉ có Malaysia có công nghiệp sản xuất ô tô và Thái Lan hiện có khoảng trên 1.000 DN phụ trợ. Trong khi ở Việt Nam, mặc dù mới chỉ có khoảng 60 DN phụ trợ, nhưng đã có tới 14 liên doanh và 35 DN sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước.


Có nên tiếp tục bảo hộ?

Một thực tế phải nhìn nhận là, dù nỗ lực đến đâu, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam cũng khó theo kịp các nước tiên tiến. Điều này càng bất khả thi trong điều kiện Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), hàng rào thuế quan sẽ không còn là biện pháp hữu hiệu. Nói cách khác, biện pháp bảo hộ sẽ không còn và có nên tiếp tục đặt vấn đề bảo hộ ngành công nghiệp sản xuất ô tô trong nước vốn quá yếu và đang bị “lợi dụng” như hiện nay? Đó là chưa kể, không giảm giá xe, nhưng các thành viên VAMA lại đang gây sức ép để Bộ Tài chính giảm thuế nhập khẩu linh kiện (?). Trên thực tế, đại diện Bộ Công Thương cho biết, theo các cam kết WTO, thuế nhập khẩu linh kiện đã giảm, nhưng giá xe không hề giảm và người tiêu dùng vẫn tiếp tục bị “bóc lột”, ngành công nghiệp ô tô thì không phát triển!

Có ý kiến cho rằng, tại sao các cơ quan chức năng không tiếp tục giảm thật mạnh thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc. Mặt khác, để đảm bảo giá trị tuyệt đối thu vào, có thể chuyển nguồn thu sang việc đánh thuế vận hành, lưu thông tại các đô thị lớn. Nói cách khác, riêng về công cụ điều tiết thị trường, có thể ban hành chính sách thuế lưu thông phương tiện như cách Singapore áp dụng, thay cho thuế tiêu thụ đặc biệt, vừa có tác dụng điều chỉnh áp lực giao thông, vừa giải quyết nhu cầu mua xe cho người tiêu dùng thật sự có nhu cầu.

Trong khi đó, ngoài thuế, Việt Nam có thể định hình thị trường công nghệ, định hướng đầu tư phát triển ngành công nghiệp phụ trợ đi theo chính hãng, cùng đó xây dựng một số khu công nghiệp phụ trợ với các ưu đãi riêng. Có chính sách ưu đãi hơn nữa cho các nhà đầu tư nước ngoài từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan… tham gia tạo dựng và phát triển công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam. Đồng thời, Nhà nước cần có sự đầu tư thích đáng và có chiến lược lâu dài trong việc phát triển hạ tầng giao thông, đô thị, đáp ứng việc tăng tốc thị trường ô tô trong nước.