Trạm luân chuyển rác đang tạo ra mối lo ô nhiễm lớn cho cư dân một số dự án bất động sản

Trạm luân chuyển rác đang tạo ra mối lo ô nhiễm lớn cho cư dân một số dự án bất động sản

Ô nhiễm môi trường bao vây nhiều chung cư TP.HCM

(ĐTCK) Sau khi nhận nhà về ở, cư dân ở hàng loạt chung cư tại TP.HCM phải kêu cứu chủ đầu tư và các cơ quan chức năng về việc dự án bị bao vây bởi các khu luân chuyển rác thải và những nhà máy gây ôi nhiễm môi trường ở quanh chung cư.

Ôi nhiễm bủa vây

Dù cuối tháng 11 này mới nhận nhà về ở, nhưng khách hàng của Dự án Chung cư Him Lam Phú An, đường Thủy Lợi, phường Phước Long A, quận 9, TP.HCM tỏ ra lo lắng vì dự án hiện đang bị ô nhiễm mùi hôi nặng từ bãi luân chuyển rác thải của nhiều phường trong quận cạnh dự án.

Ngoài ra, cạnh dự án còn có nhà máy sản xuất giấy hoạt động, hàng ngày ống khói của nhà máy được gió thổi thẳng vào 2 bloock D, C của dự án này.

“Bô rác nằm trên đầu đường vào dự án, chỉ cách dự án 500 m. Mỗi sáng và chiều, rác từ các phường của quận 9 chuyển về đây để phân loại và đưa đi các khu xử lý rác tạo ra mùi hôi thối bao trùm toàn khu. Đặc biệt, nước bẩn ở trạm trung chuyển rác này tràn ra đường thành vũng. Còn khói nhà máy sản xuất giấy thì được gió thổi vào dự án. Đây là mối lo lớn cho chúng tôi khi về dự án ở trong thời gian tới”, chị Thanh Hằng, một khách hàng mua căn hộ dự án Him Lam Phú An lo ngại.

Tương tự, hơn 1.400 cư dân ở Chung cư Tín Phong, phường Tân Thới Nhất, quận 12, TP.HCM đang sống trong tình cảnh bất an khi nhà máy ép rác kín đang xây dựng chỉ cách chung cư khoảng 10 m.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, dự án trạm ép rác kín này được quy hoạch trong khu tái định cư 38 ha thuộc phường Tân Thới Nhất (quận 12, TP.HCM), với tổng đầu tư khoảng 41 tỷ đồng, do Ban quản lý Đầu tư xây dựng công trình quận 12 làm chủ đầu tư. Nhà máy dự kiến đi vào hoạt động vào quý II/2019 với công suất ép 100 tấn rác/ngày.

Cư dân ở đây lo lắng, khi đi vào hoạt động, nhà máy này sẽ gây ảnh hưởng nặng nề tới môi trường lẫn đời sống của người dân. Tuy nhiên, đến nay, phía chủ đầu tư và quận 12 vẫn chưa có cuộc đối thoại chính thức nào để đưa ra phương án xử lý.

Hay hàng ngàn cư dân Chung cư Ehome 3 tại đường Hồ Ngọc Lãm, quận Bình Tân, TP.HCM vừa phản ảnh với Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM về việc các căn hộ dự án gần đây bỗng bám đầy bụi giống như tàn khói bám trong nhà, kèm theo mùi hôi thối nặng. Sau đó, Sở đã cử cán bộ cùng lãnh đạo quận tới kiểm tra và tạm kết luận, những mảng bụi trên là do “hoa cỏ may” quanh dự án bay vào, còn mùi hôi đến từ việc bô rác tập kết quanh đó.

Ảnh hưởng lớn nhất và lặp đi lặp lại nhiều năm qua tại khu Nam TP.HCM gồm quận 7, Nhà Bè, Bình Chánh, quận 4, làm cho nơi đây từ là nơi đáng sống nhất TP.HCM thành nơi ô nhiễm nhất Thành phố là mùi hôi thối từ khu xử lý rác thải Đa Phước tại huyện Bình Chánh,TP.HCM.

Theo những người dân sống tại quận 7, việc ô nhiễm mùi hôi xuất hiện từ năm 2016 tới nay, đặc biệt mùi hôi phát ra nặng nhất vào mùa Hè khi nắng nóng mạnh, mùi hôi sẽ bị gió thổi từ nhà máy rác thải Đa Phước về. Cũng vì mùi hôi này, mà thị trường bất động sản khu Nam đã mất điểm, khiến nhiều dự án phải dừng triển khai. Còn các dự án đã mở bán có tốc độ bán hàng rất chậm, giá bán cũng giảm mạnh.

Khó xử lý

Trước những phản ứng của cư dân ở các dự án bất động sản bị ô nhiễm môi trường bủa vây, nhiều chủ đầu tư dự án đã phải cầu cứu cơ quan chức năng để xử lý những điểm ô nhiễm này, thậm chí có chủ đầu tư bỏ ra số tiền hàng chục tỷ để cùng quận giải quyết những điểm trung chuyển rác thải, nhà máy sản xuất gây ô nhiễm ra nơi khác để không ảnh hưởng tới cuộc sống người dân, nhưng tất cả đều vô vọng.

Đơn cử, tại Dự án Him Lam Phú An, sau khi khách hàng phản ứng vì ô nhiễm môi trường, chủ đầu tư đã làm việc với quận 9 để tìm hướng xử lý là di dời trạm chuyển rác. Thậm chí, chủ đầu tư này còn cho biết, chấp nhận chi tiền tỷ để di chuyển trạm rác này cho người dân, nhưng phía quận cho biết, chưa có quỹ đất và dù kế hoạch di dời trạm đá có, nhưng chưa phải lúc này.

Còn phía Chung cư Tín Phong, mới đây, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã có văn bản gửi UBND TP.HCM, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND quận 12. Trong công văn, HoREA cho biết, đơn vị này đã nhận "Đơn kêu cứu của cư dân cụm nhà chung cư Tín Phong - 12 View, phường Tân Thới Nhất, quận 12; của Ban Quản trị cụm nhà chung cư và 716 cư dân thuộc 408 hộ gia đình phản đối dự án cùng với một số nội dung khác”.

Theo quy hoạch chi tiết, trạm trung chuyển rác phường Tân Thới Nhất, quận 12 được bố trí đối diện Block A Chung cư Tín Phong 18 tầng và sát cạnh chung cư đường E1 và đường D14.

Theo HoREA, việc quy hoạch trạm trung chuyển rác trong một đô thị rất lớn như TP.HCM là cần thiết, nhưng trạm trung chuyển rác cần được bố trí xa khu dân cư, có cây xanh cách ly. Việc vận chuyển rác đến và đi phải có phương tiện chuyên dụng, thiết bị xử lý theo công nghệ hiện đại để không gây ô nhiễm môi trường, mùi hôi, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân trong khu vực và đảm bảo mỹ quan đô thị.

Phường Tân Thới Nhất, quận 12 đang có tốc độ đô thị hóa rất nhanh, ngoài Chung cư Tín Phong, còn có dự án nhà ở xã hội Topaz Home 1 với 1.100 căn hộ, dự án chung cư nhà ở thương mại Prosper Plaza với khoảng 500 căn hộ... Trong khi đó, khu vực này lại đang thiếu công viên cây xanh và khu vui chơi giải trí, thể dục thể thao cho người dân, nhất là trẻ em.

Do vậy, HoREA kiến nghị, UBND TP.HCM chỉ đạo cho xem xét, điều chỉnh, không quy hoạch trạm trung chuyển rác phường Tân Thới Nhất, quận 12 tại khu vực cụm chung cư Tín Phong. Đề nghị chuyển chức năng khu đất trạm trung chuyển rác phường Tân Thới Nhất thành khu công viên, cây xanh, thể dục thể thao, vui chơi giải trí phục vụ cộng đồng dân cư trong phường.

Sẽ di dời các cơ sở ô nhiễm ra khỏi khu dân cư?

Theo thống kê, hiện đang có hơn 10.000 cơ sở sản xuất hoạt động ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp trên địa bàn TP.HCM. Tất cả các cơ sở này đều không phù hợp quy hoạch xây dựng đô thị.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, năm 2015, UBND TP.HCM đã duyệt kế hoạch bắt đầu từ năm 2016, Thành phố áp dụng kế hoạch mới nhằm xử lý, di dời dứt điểm các cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi khu dân cư lộ trình từ năm 2016 đến năm 2020.

Cụ thể, TP.HCM sẽ di dời các cơ sở sản xuất nằm trong các dự án quy hoạch, công trình chuẩn bị triển khai. Các cơ sở sản xuất có chất dễ cháy nổ, phát tán mùi hôi ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người. Cơ sở sản xuất nằm trong khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường…

Theo UBND TP.HCM, các cơ sở này đa số là cơ sở vừa và nhỏ, có vốn đầu tư ít, diện tích mặt bằng hạn chế, công tác bảo vệ môi trường chưa được quan tâm đúng mức.

Việc xử lý chất thải chưa được đầu tư thỏa đáng, nhất là các cơ sở sản xuất có công nghệ thiết bị cũ, lạc hậu nằm xen trong khu dân cư hoặc không đảm bảo khoảng cách an toàn về môi trường, nguy cơ gây cháy nổ đối với khu dân cư. Do vậy, gây tác động xấu đến cộng đồng dân cư và gây khó khăn trong công tác quản lý, kiểm soát.

Do đó, TP.HCM sẽ từng bước di dời cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng, cơ sở dệt nhuộm, hóa chất, cơ khí vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã đầu tư xây dựng hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng kỹ thuật hoặc những cơ sở này phải di dời ra khỏi TP.HCM.

Tiếp đến, TP.HCM sẽ tiến hành di dời các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm vào các nhà máy giết mổ công nghiệp tập trung và hiện đại. Đồng thời, khuyến khích, hỗ trợ các cơ sở sản xuất tự di dời đến vị trí mới phù hợp quy hoạch nhằm hoạt động ổn định và phát triển lâu dài.

Việc chuyển đổi mục đích sử dụng công trình, sử dụng đất phù hợp với quy hoạch được ưu tiên thực hiện trước, rồi mới bắt buộc phải di dời các cơ sở do không phù hợp quy hoạch.

Tuy nhiên, theo Sở Tài nguyên và Môi trường, tới nay, việc di dời này vẫn chưa có nhiều hiệu quả, bởi đa phần các cơ sở ô nhiễm vẫn chưa có quỹ đất, nguồn tiền để có thể tạo lập một vị trí mới.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan