“Các dữ liệu tích cực chỉ ra rằng, hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc đã bắt đầu phục hồi, nhưng nguy cơ về lây nhiễm Covid-19 thứ hai có thể tác động tiêu cực tới tâm lý người tiêu dùng”, Bruce Pang, Giám đốc Nghiên cứu chiến lược tại China Renaissance, nói.
Hôm 11/6, thủ đô Bắc Kinh ghi nhận ca nhiễm Covid-19 đầu tiên sau hơn 50 ngày không phát hiện ca lây nhiễm trong cộng đồng nào. Cho đến hôm nay 18/6, đã có 158 ca nhiễm mới được báo cáo. Tất cả bệnh nhân đều có liên quan đến chợ đầu mối nông sản Tân Phát Địa ở ngoại ô Bắc Kinh. Tuy nhiên, cả chính quyền Trung Quốc và WHO hiện đều chưa đưa ra tuyên bố chính thức về ổ dịch trên.
Theo Dan Wang, chyên gia phân tích của The economist Intelligence Unit, việc đóng cửa Tân Phát Địa, chợ đầu mối nông sản lớn nhất ở miền bắc Trung Quốc, sẽ đẩy giá thực phẩm leo thang và gây khó khăn cho các hộ kinh doanh nhà hàng.
“Sự hoảng loạn trở lại sẽ làm chậm quá trình ‘bình thường hóa’ hoạt động sản xuất kinh doanh ở các thành phố khác, giáng một đòn mạnh vào tâm lý người tiêu dùng và khiến tình trạng thất nghiệp trở nên tồi tệ hơn”, ông Wang cho biết.
Trong quý đầu tiên của năm 2020, GDP của nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới đã giảm kỷ lục 6,8%. Song, tình hình có vẻ sáng sủa hơn khi đại dịch, bùng phát vào cuối năm ngoái, đã được kiểm soát và tốc độ lây lan chậm lại từ giữa tháng 3.
Đến cuối tháng 5, chính quyền Trung Quốc thậm chí đã có thể tổ chức Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc tại Bắc Kinh, mặc dù hình thức tổ chức khiêm tốn hơn so với mọi năm. Việc hàng nghìn đại biểu tập trung về thủ đô đã truyền đi thông điệp, Bắc Kinh đã sẵn sàng trở lại cuộc sống bình thường, nền kinh tế đất nước đã sẵn sàng để mở cửa trở lại.
Tuy nhiên, ổ dịch mới bất ngờ bùng phát tại Bắc Kinh khiến kế hoạch hồi phục bị tạm dừng. Cuối tuần qua, chính quyền thành phố đã xét nghiệm hàng chục ngàn người sống lân cận hoặc từng đến khu vực chợ Tân Phát Địa.
Một số hạn chế đã được áp dụng một lần nữa: toàn bộ trường học ở Bắc Kinh bị đóng cửa trở lại, nhiều phòng tập thể dục cũng nhận được yêu cầu ngừng hoạt động, các khu chung cư ráo riết kiểm tra nhiệt độ người ra vào.
Tại những tỉnh thành khác ở Trung Quốc, những người đến từ Bắc Kinh được yêu cầu xét nghiệm và cách ly. Ngày 17/6, chính quyền thủ đô Bắc Kinh cũng đã hủy ít nhất 1.255 chuyến bay đến và đi từ thành phố này, chiếm gần 70% toàn bộ các chuyến bay.
Tất cả những yếu tố trên có khả năng sẽ tấn công nền kinh tế thêm một lần nữa. Lo sợ về làn sóng bùng phát dịch bệnh thử hai sẽ giáng đòn mạnh vào chi tiêu tiêu dùng, vốn là một nguồn lực tăng trưởng chính của Trung Quốc.
Chính phủ Trung Quốc đang nỗ lực để đưa ra những biện pháp đặc biệt khuyến khích người dân mua sắm nhiều hơn.
Chẳng hạn, Bắc Kinh, nơi doanh số bán lẻ giảm 21,5% trong 3 tháng đầu năm - nhiều hơn ở bất cứ các thành phố khác tại Trung Quốc, vào đầu tháng 6 đã tuyên bố sẽ phát hành hàng tỷ phiếu mua hàng với tổng trị giá 1,74 tỷ USD trên nền tảng để mua sắm trực tuyến JD.com. Thượng Hải trước đó cũng đã dùng đến các biện pháp tương tự để kích cầu tiêu dùng.
Tuy nhiên, mặc dù có sự suy giảm trong chi tiêu tiêu dùng, thực tế cho thấy, người Trung Quốc hiện đại ngay cả trong thời kỳ khủng hoảng, sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn các thế hệ trước. Ngoài ra, dịch vụ giao hàng tạp hóa đã trở nên phổ biến trong thời kỳ dịch bệnh.
Cho đến nay, CNBC nhấn mạnh, các hạn chế mới được áp đặt ở Bắc Kinh ít nghiêm ngặt hơn nhiều so với các biện pháp trước đây. Kể từ tháng 3, một số thành phố của Trung Quốc đã trải qua các đợt bùng phát dịch bệnh nhỏ lặp đi lặp lại và chỉ sử dụng các biện pháp hạn chế trong một thời gian ngắn.