Trong gần một thập kỷ qua, Nvidia (NVDA) đã trở thành trái tim và linh hồn của thị trường chứng khoán Mỹ, nhờ vào cơn sốt trí tuệ nhân tạo (AI) đã thúc đẩy chuyên gia bộ xử lý đồ họa (GPU) này tăng trưởng kinh ngạc lên đến 27.500% ở khoảng thời gian này.
Tuy nhiên, sự phát triển thần tốc của Nvidia gần đây cũng đã khiến giới đầu tư bảo thủ nghi ngờ rằng, đây có thể là tình trạng tương tự như bong bóng dot-com trong giai đoạn 1995-2000.
Về vấn đề này, Brian Colello, một chuyên gia chiến lược tại Morningstar cho rằng, giá cổ phiếu Nvidia đang ở mức cao, với 105 USD/cổ phiếu sau khi chia tách cổ phiếu 10:1 vào ngày 10/6 vừa qua.
Tuy nhiên, chỉ một tuần sau đợt phân tách, giá cổ phiếu của công ty đã tăng lên hơn 136 USD/cổ phiếu, đưa NVDA vào khu vực được đánh giá là quá cao theo nhận định của Colello.
Vậy, liệu giá cổ phiếu Nvidia có thực sự bị định giá quá cao?
Các chỉ số cơ bản của Nvidia không hề dễ chịu
Xét về mặt hoạt động cơ bản, cổ phiếu Nvidia có vẻ như đang trong tình trạng bong bóng. Hiện tại, giá cổ phiếu của Công ty được giao dịch ở mức cao gấp 52 lần thu nhập dự phóng, một con số đáng kể so với tỷ lệ giá trên thu nhập (P/E) dự phóng 21 lần của S&P 500.
Thêm vào đó, tỷ lệ giá trên thu nhập tăng trưởng (PEG) của Nvidia hiện là 1,55 và tỷ lệ giá trên doanh thu là hơn 42, cao hơn nhiều so với mức trung bình của các cổ phiếu trong ngành công nghệ và bán dẫn. Những chỉ số định giá truyền thống này cho thấy rằng, cổ phiếu NVDA có thể đang được định giá quá cao.
Tuy nhiên, phân tích cơ bản không phải là phương pháp duy nhất nên áp dụng trong trường hợp này.
AI, với khả năng tái định hình nền kinh tế toàn cầu, có triển vọng cải thiện đáng kể năng suất lao động và mở ra những thị trường mới hoàn toàn. Điều này có thể mở ra cơ hội giải phóng giá trị hàng nghìn tỷ đô la trên khắp các lĩnh vực của nền kinh tế toàn cầu.
Tiềm năng kinh tế của AI thực sự rất đáng kể. Theo ước tính của McKinsey & Co., AI có thể tạo ra giá trị kinh tế lên tới 17.700 tỷ USD. Trong khi đó, Jensen Huang, Giám đốc điều hành của Nvidia, tin rằng nền kinh tế AI toàn cầu có thể đạt mức 100.000 tỷ USD.
So sánh điều này với vốn hóa thị trường hiện tại của Nvidia là 3.350 tỷ USD, con số này dù có vẻ lớn nhưng vẫn khá khiêm tốn so với tiềm năng to lớn mà nền kinh tế toàn cầu đang hướng tới trong kỷ nguyên AI.
Đánh giá về khả năng cạnh tranh
Một số nhà phân tích cho rằng, đối thủ như Advanced Micro Devices và Intel có thể hưởng lợi từ việc các công ty tập trung vào AI đa dạng hóa nguồn cung ứng phần cứng của họ trong những năm tới.
Tuy nhiên, thực tế lại phức tạp hơn nhiều so với vẻ bề ngoài. GPU và nền tảng CUDA của Nvidia đã vượt trội so với các đối thủ, nhất là trong cuộc chạy đua vũ trang không khoan nhượng trong lĩnh vực AI.
Vào thời điểm này, các nhà phát triển AI trọng yếu không thể dễ dàng chuyển sang một nền tảng cạnh tranh khác, bất chấp rủi ro tiềm ẩn do phụ thuộc quá mức vào một nhà thiết kế chip duy nhất.
Nói cách khác, dù Advanced Micro Devices và Intel có thể xây dựng được một phân khúc lợi nhuận trong lĩnh vực chip AI, nhưng khả năng của họ trong việc làm suy yếu đáng kể thị phần của Nvidia ở những nhà phát triển chủ chốt trong lĩnh vực công nghệ này vẫn còn hạn chế.
Mặc dù giá cổ phiếu Nvidia có vẻ cao và được định giá quá mức dựa trên các chỉ số truyền thống, những chúng ta không thể không nhìn nhận vị trí trọng tâm mà công ty này đang giữ trong cuộc cách mạng AI.
Với khả năng tự động hóa và nguồn thông tin phong phú đang dần định hình lại nền kinh tế toàn cầu trong vài năm tới, sự tăng giá của cổ phiếu Nvidia có thể mới chỉ là bước khởi đầu.
Do đó, việc lan truyền nỗi lo về một bong bóng dot-com mới có vẻ không thực sự có cơ sở. Quan niệm như vậy cũng đánh giá thấp khả năng biến đổi mạnh mẽ của công nghệ, mà nhiều người tin rằng đó là phát minh quan trọng nhất trong lịch sử nhân loại.