Hiện đang có trào lưu tốt là các doanh nghiệp quan tâm hơn đến niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán để tìm kiếm nguồn vốn dài hạn.
Do nguồn vốn ngân hàng có đặc thù là tín dụng ngặt nghèo, kỳ hạn ngắn, lãi suất cao, nên cơ hội duy nhất để tìm kiếm vốn trung và dài hạn là phải tìm đến thị trường chứng khoán, bao gồm cả thị trường vốn (cổ phiếu) và thị trường nợ (trái phiếu doanh nghiệp).
Mặc dù khi niêm yết trên sàn, doanh nghiệp phải tuân thủ các tiêu chuẩn về quản trị minh bạch, tài chính minh bạch, nhưng cái lợi là có thể tìm kiếm được nguồn vốn dài hạn. Thực tế cho thấy, một doanh nghiệp trên sàn có thể dễ dàng phát hành trái phiếu hơn là doanh nghiệp chưa lên sàn.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất mà nhiều doanh nghiệp đang gặp phải khi đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán là thủ tục phức tạp, chồng chéo, đặc biệt là thời gian chờ đợi xét duyệt rất lâu mà không có lý do.
Có những doanh nghiệp phải chờ đợi hàng năm, trong khi đây là điều trái với quy định của Luật Chứng khoán (thời hiệu cho từng hồ sơ, việc trả lời và hoàn thiện phải nhanh trong vòng 15 ngày hoặc 1 tháng).
Lý do cơ bản nhất là việc tuân thủ quy định về thủ tục hành chính không nghiêm túc, nhân lực để tiếp nhận và xử lý hồ sơ rất hạn hẹp. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng, sau vụ việc thao túng giá cổ phiếu diễn ra tại Tập đoàn FLC, nhiều cán bộ lo sợ trách nhiệm nên không muốn trực tiếp xử lý các hồ sơ xin niêm yết như trước đây.
Hồ sơ xin niêm yết cổ phiếu đã vậy, hồ sơ xin phát hành trái phiếu doanh nghiệp còn khó khăn hơn nhiều, trừ hồ sơ phát hành trái phiếu của ngân hàng. Đây là điều các cơ quan chức năng, đặc biệt Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), Bộ Tài chính cần phải rà soát lại, nhất là các quy định về tài sản đảm bảo, bảo lãnh phát hành, bảo lãnh thanh toán và kiểm toán.
Từ phía doanh nghiệp cũng phải có tầm nhìn chiến lược về hoạt động kinh doanh của mình; trong đó, bao gồm việc luôn trong tình trạng sẵn sàng để có thể đạt được các điều kiện lên sàn hoặc là các điều kiện phát hành trái phiếu.
TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia. |
Thứ nhất, hồ sơ về tài chính, kế toán cần minh bạch bởi tình trạng 2 hồ sơ, hồ sơ tài chính nội bộ và tài chính thuế khác nhau. Rất nhiều doanh nghiệp có khoản chênh giữa doanh thu thật và nộp thuế khá lớn, khiến cho việc hoàn thiện hồ sơ lên sàn chứng khoán gặp nhiều khó khăn.
Thứ hai, xếp hạng doanh nghiệp là một trong những điều kiện tiên quyết để phát hành trái phiếu ra công chúng trong tương lai gần, có thể là trong năm 2025. Cho đến nay, số lượng doanh nghiệp đăng ký để xếp hạng tín dụng rất thấp, đặc biệt là những doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Trong khi đó, xếp hạng doanh nghiệp là một căn cứ quan trọng để đánh giá về khả năng trả nợ của doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp được xếp hạng tín nhiệm thì công chúng nhìn vào xếp hạng để đầu tư, mua trái phiếu mà không cần phải quan tâm đến báo cáo tài chính hay tài sản đảm bảo.
Trên thực tế, trái phiếu phát hành ra công chúng của hầu hết các quốc gia đều phải có điều kiện tiên quyết là xếp hạng tín nhiệm.
Các doanh nghiệp cần phải làm quen dần với môi trường kinh doanh minh bạch, bởi sắp tới đây, ngoài báo cáo tài chính, các doanh nghiệp còn phải có thêm các báo cáo khác như báo cáo về ESG (Môi trường - Xã hội - Quản trị), báo cáo phát thải khí nhà kính, báo cáo kế hoạch và tiến độ giảm phát thải khí nhà kính... Đây là những điều kiện tiên quyết để các doanh nghiệp của Việt Nam có thể xuất khẩu hàng hóa của mình vào các thị trường lớn như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc…, đặc biệt từ năm 2026 trở đi.
Nói cách khác, sự minh bạch và kinh tế xanh không còn là vấn đề các doanh nghiệp muốn hay không muốn, có thể trì hoãn hoặc có thể đưa ra tiến độ thực hiện, bởi bắt đầu từ năm 2026 đã trở thành nhiệm vụ tuân thủ ngay lập tức, nếu không doanh nghiệp sẽ phải đóng cửa.
Luật Chứng khoán và các nghị định có liên quan cũng cần có sự điều chỉnh để phù hợp với tình hình mới, đặc biệt là để đáp ứng nhu cầu gọi vốn trung và dài hạn của doanh nghiệp.
Đáng chú ý, với những quy định hiện tại, doanh nghiệp khởi nghiệp không có cơ hội để huy động vốn trên thị trường chứng khoán, kể cả qua phát hành trái phiếu hay cổ phiếu, bởi đơn giản là không đủ điều kiện, ví dụ như 2 - 3 năm kinh doanh có lãi, vốn điều lệ tối thiểu là 30 tỷ đồng…
Bên cạnh đó, quy định về giá trần và giá sàn đã hạn chế cơ hội lớn của nhà đầu tư và doanh nghiệp. Việc một mã cổ phiếu tăng kịch trần liên tục trong 5 phiên thì doanh nghiệp phải giải trình cũng là điều trái với thông lệ quốc tế về đầu tư.
Do các quy định về thị trường khá chặt chẽ, không theo nguyên tắc thị trường nên rất phức tạp cho công tác thanh tra, giám sát và rất phiền toái cho các nhà phát hành cũng như nhà đầu tư bởi có thể vi phạm bất kỳ lúc nào, trong khi những vi phạm này thực tế là các hoạt động đúng đắn theo nguyên tắc thị trường.
Cần phải củng cố tổ chức, năng lực thể chế của UBCK và các sở giao dịch theo hướng số hóa hoạt động, khoa học dữ liệu và sử dụng công nghệ AI trong việc phân tích, đánh giá các hoạt động thị trường.
Trên nền tảng này, hiện đại hóa nhanh chóng hệ thống thanh toán, hệ thống lưu ký, đẩy mạnh đào tạo và phát triển nguồn nhân lực của UBCK, các sở giao dịch (ở cả khu vực dịch vụ và khu vực thanh tra, giám sát).
Có thể cho phép cơ quan thanh tra, giám sát chứng khoán tiến hành các hoạt động điều tra trên nền tảng nghiệp vụ chứng khoán; tránh việc điều tra nghiệp vụ chứng khoán thuộc công an - là ngành ít có hiểu biết về nghiệp vụ chứng khoán và thường điều tra hình sự.
Bên cạnh đó, cần hoàn thiện hành lang pháp lý về trái phiếu xanh. Nhiều trái phiếu xanh đã phát hành thực chất là các trái phiếu tài trợ cho việc chuyển đổi năng lượng như điện gió, điện mặt trời.
Nói cách khác, đó là những trái phiếu tài trợ cho các dự án năng lượng xanh. Còn bản thân trái phiếu có xanh hay không thì không có quy định nào. Giống như các ngân hàng thương mại tài trợ cho điện gió, điện mặt trời thì gọi đó là tín dụng xanh, nhưng thực ra vẫn là tài trợ tín dụng bình thường và không có bất kỳ một ưu đãi nào về lãi suất, kỳ hạn (dài hơn) hay về tài sản đảm bảo…
Thực tế, các quy định về vận hành kinh tế xanh vẫn chưa hoàn thiện. Bộ Tài nguyên và Môi trường đang chỉnh sửa, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế. Cùng với đó, các quy định về trái phiếu xanh và tín dụng xanh chưa có.
Các khoản tài trợ quốc tế cho Việt Nam và một số nước để chuyển đổi năng lượng chống biến đổi khí hậu có 2 mục tiêu rất rõ ràng: Một là, chỉ tài trợ cho các dự án chuyển đổi năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính; hai là, lãi suất ưu đãi, kỳ hạn dài và không có tài sản thế chấp.
Đây là một khoảng trống về tài chính khá lớn của Việt Nam, nhất là trong điều kiện doanh nghiệp vừa và nhỏ đang gặp khó khăn rất lớn trong việc đầu tư vào vật liệu mới, công nghệ mới để giảm phát thải khí nhà kính và chuyển đổi năng lượng, nhiên liệu.