Sản phẩm, nghiệp vụ nào bị hạn chế?
Văn bản của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chỉ nhắc về robot đặt lệnh giao dịch chứng khoán tần suất lớn và không chỉ rõ loại hình nghiệp vụ nào khiến dư luận có nhiều giả thiết khác nhau về mục tiêu mà Ủy ban Chứng khoán Nhà nước muốn hạn chế thông qua văn bản này.
Được nhắc đến nhiều nhất là sản phẩm copytrade, mà một vài công ty chứng khoán như MBS, TCBS, Mirae Asset, VPS, VNDirect… đang triển khai. Với sản phẩm này, tài khoản của nhà đầu tư đăng ký sử dụng sẽ tự động được đặt lệnh mua bán theo một tài khoản mẫu theo tỷ trọng và mã cổ phiếu. Tài khoản mẫu do một môi giới vận hành thường được gọi nôm na là leader, do nhà đầu tư chủ động lựa chọn. Nhiều ý kiến cho rằng, khi lệnh tự động giao dịch cho khách hàng copytrade thì một lượng lệnh lớn được đưa vào thị trường.
Tuy nhiên, người trong cuộc cho rằng, dịch vụ này không phải là dạng lệnh giao dịch tần suất lớn.
Ông Dương Văn Chung, Giám đốc Sở Giao dịch 1, Công ty Chứng khoán MB (MBS), chủ tài khoản mẫu có số lượng tài khoản đăng ký copytrade tương ứng giá trị tài sản 100 tỷ đồng cho biết, tại MBS, lệnh copytrade chỉ chiếm vài phần trăm trong tổng số lệnh của Công ty.
“Mặt khác, tôi giao dịch theo xu hướng nên tần suất giao dịch không lớn. Giá trị tài khoản copytrade của tôi là lớn nhất ở MBS, nên nhìn số liệu lệnh không thể nói đây là tác nhân gây nghẽn lệnh hệ thống”, ông Chung nêu quan điểm.
Theo tìm hiểu của Báo Đầu tư Chứng khoán, sau công văn ban hành ngày 31/8/2023, các dịch vụ copytrade của công ty chứng khoán vẫn tiếp tục thực hiện, chưa có quyết định hay ý kiến chính thức nào yêu cầu phải dừng lại. Các công ty đang giải trình với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về khối lượng tần suất lệnh của dịch vụ copytrade. Sản phẩm này, công ty chứng khoán học hỏi từ các thị trường phát triển trước.
Loại nghiệp vụ thứ hai được xếp vào giao dịch tần suất lớn là sử dụng robot để giao dịch chênh lệch giá (Arbitrage) giữa phái sinh và chứng khoán cơ sở. Các thành viên thị trường đánh giá Công ty Chứng khoán HSC, VPS sử dụng tỷ trọng lớn dịch vụ này. Cụ thể, khi chứng khoán phái sinh cao hơn chứng khoán cơ sở thì robot sẽ tự động Short phái sinh, mua chứng khoán cơ sở và ngược lại sẽ bán cơ sở, Long phái sinh. Hoạt động kinh doanh này cần phải thực hiện rất nhanh nên chủ yếu do robot thực hiện.
Một chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm làm việc tại HSC cho biết, đây là nghiệp vụ sử dụng robot đặt lệnh giao dịch chứng khoán tần suất lớn.
Một loại nghiệp vụ khác sử dụng robot đặt lệnh được cho là giao dịch tại các công ty chứng khoán lớn như SSI, HSC phục vụ các quỹ ETF. Tỷ trọng giao dịch của các quỹ này ngày càng tăng trên thị trường.
Nhìn từ nhiều thị trường quốc tế, các dịch vụ, sản phẩm trên đã ra đời từ vài năm trước. Trong thế giới phẳng như hiện nay, Việt Nam không nằm ngoài xu hướng, do đó, đặt lệnh bằng robot là một dạng sản phẩm tất yếu của quá trình áp dụng công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo trong giao dịch chứng khoán.
Nhiều nhà đầu tư đặt vấn đề, ngay cả những nghiệp vụ cơ bản như Arbitrage phái sinh, copytrade danh mục đầu tư ở quy mô nhỏ mà hệ thống công nghệ hiện tại đã khó đáp ứng được cho thấy tính cấp thiết của việc đưa hệ thống KRX vào vận hành.
Dù vậy, tính năng, năng lực của KRX ra sao cũng còn là câu hỏi với các thành viên thị trường, trước mắt là hệ thống nhận lệnh có khả năng đáp ứng yêu cầu tăng trưởng của thị trường đến đâu khi hệ thống này đã trúng thầu cung cấp cho thị trường Việt Nam từ nhiều năm trước, là phiên bản 1.0, trong khi hiện nay hệ thống vận hành tại Hàn Quốc đã đến thế hệ 3.0 và ngay tại thị trường chứng khoán Lào cũng đang vận hành KRX phiên bản 2.0.
Một số công ty chứng khoán như DNSE đang có kế hoạch trở thành fintech trong lĩnh vực môi giới chứng khoán (tức là hạn chế sử dụng môi giới truyền thống mà giới đầu tư nôm na gọi là "môi giới chạy bằng cơm").
Tuy nhiên, với hiện trạng công nghệ của thị trường chứng khoán hiện nay, các sản phẩm, giải pháp mà các công ty học hỏi từ thị trường phát triển, hoặc tiên phong phát triển, khó có thể được áp dụng. Một số công ty cho biết đang chờ đợi hệ thống KRX mới đi vào vận hành để tính toán bài toán đầu tư hệ thống công nghệ mới của mình.
Năng lực công nghệ vẫn là ẩn số
Ứng dụng công nghệ trong đầu tư chứng khoán là xu thế không thể đảo ngược. |
Như đã thống kê, có nhiều công ty chứng khoán kinh doanh chênh lệch giá, copytrade, các công ty chứng khoán làm trung gian giao dịch cho các quỹ ETF… ứng dụng công nghệ, trong đó có trí tuệ nhân tạo nhằm có nguồn thu, đóng góp vào sự sôi động của thị trường chứng khoán Việt Nam và đóng góp cho ngân sách thông qua thuế, phí. Yêu cầu không được đặt lệnh bằng robot sẽ ảnh hưởng lớn đến các công ty chứng khoán này và ảnh hưởng gián tiếp đến thanh khoản thị trường.
Là công ty công nghệ chuyên về thị trường chứng khoán, ông Nguyễn Quang Đạt, Tổng giám đốc Công ty cổ phần DATX Việt Nam (DATX) nêu quan điểm: “Chúng tôi chia sẻ nỗi lo của cơ quan quản lý nhà nước về năng lực hạ tầng của thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay. Quá tải hệ thống, nghẽn lệnh là trải nghiệm có thật của nhà đầu tư và tháo gỡ điểm nghẽn này là yêu cầu bức thiết. Song thị trường cần có thêm những thông tin quanh việc ra quyết định này như dung lượng hệ thống tại HOSE và HNX đang phục vụ được bao nhiêu lệnh, tỷ lệ sử dụng mỗi phiên, nguyên lý vào lệnh, tại sao chúng ta không thể chọn giải pháp khác như mua thêm dung lượng để dự phòng cho hệ thống? Bên cạnh giải pháp cấm, chúng ta có lựa chọn khác tốt hơn hay không?”.
Trong Công văn mới đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước yêu cầu, các công ty chứng khoán phải thiết lập hệ thống chặn lệnh tự động do robot đặt. Làm thế nào phát hiện được lệnh do robot với con người đặt? Chuyên gia công nghệ cho rằng, các công ty chứng khoán sẽ phải triển khai thêm nhiều công cụ để detect bots trên toàn bộ các nền tảng của họ là web và mobile. Tuỳ từng nền tảng web/mobile và tuỳ vào từng hệ điều hành OS mà các công ty này phải triển khai các biện pháp khác nhau để phân biệt được người và robot.
Tổng giám đốc một công ty chứng khoán nhìn nhận, đây là khoản chi phí không hề nhỏ. Phân biệt lệnh do robot đặt tần suất lớn với tần suất không lớn như thế nào, tiêu chí nào được coi là lớn? Hiện nay, cơ quan quản lý e ngại việc đặt lệnh tự động có thể làm gia tăng đột biến lệnh từ các công ty chứng khoán vào Sở Giao dịch chứng khoán trong cùng một thời điểm, dẫn đến số lệnh vào sàn vượt quá năng lực thiết kế của cả hệ thống, tình huống đặt ra là, các nhà đầu tư cá nhân, ở những thời điểm đặc biệt của thị trường, cũng có thể chen nhau đặt lệnh, nếu vậy có gây nghẽn hệ thống không? Gần 5 triệu tài khoản nhà đầu tư giao dịch đòi hỏi năng lực hệ thống phải dự phòng và xử lý được những vấn đề đó.
Theo TS. Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên Đại học Bristol (Anh Quốc), nếu chúng ta nỗ lực tìm giải pháp sẽ có. Trước một quyết định của cơ quan quản lý, thị trường cần có thông tin về việc mức độ đặt lệnh bằng robot hiện chiếm tỷ trọng bao nhiêu, ảnh hưởng ra sao, dữ liệu cụ thể sẽ là thông tin thuyết phục thị trường trước khi ra yêu cầu cấm và chờ đợi hệ thống KRX đi vào hoạt động.
Ông Nguyễn Quang Đạt cho rằng, ứng dụng công nghệ trong đầu tư chứng khoán là xu thế chung không thể đảo ngược. Việt Nam cần đầu tư nhanh, mạnh vào công nghệ để tiệm cận xu hướng thế giới. Điều này có lợi cho Việt Nam trong quá trình hội nhập cũng như việc nâng hạng thị trường chứng khoán.
Dự thảo Thị trường chứng khoán tầm nhìn đến năm 2030 đã được các bộ, ngành đồng ý trình Chính phủ để sớm ban hành có các mục tiêu cụ thể: Quy mô thị trường đạt 100% GDP năm 2025, 120% GDP năm 2030, số tài khoản nhà đầu tư đạt 8% dân số vào năm 2025; 10% dân số năm 2030. Như vậy, tốc độ người dân tham gia đầu tư chứng khoán trong tương lai sẽ còn tăng mạnh mẽ hơn trước.
Trong khi đó, với khối lượng dữ liệu khổng lồ như hiện nay, không một nhà đầu tư, chuyên gia nào có thể đọc và phân tích kịp (hiện đang là hơn 1.500 mã cổ phiếu trên toàn bộ các sàn giao dịch chứng khoán (HOSE, HNX, UPCoM) và tương lai là 5.000 mã cổ phiếu hoặc hơn nữa. Bởi vậy, các công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI), Blockchain sẽ giúp cho việc vận hành thị trường đơn giản, minh bạch hơn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.