Câu chuyện về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài (room), thêm sản phẩm mới cho TTCK phái sinh; sửa đổi các quy định về thuế, giá dịch vụ; quy định về margin; giảm bớt các thủ tục hành chính trong pháp luật chứng khoán… là những chủ điểm chính được nêu lên tại diễn đàn này.
Các thành viên VASB cho rằng, vướng mắc về room đang có cơ hội tháo gỡ khi Chính phủ mới đây đã nêu việc cần nghiên cứu xây dựng Luật Ðầu tư mới bên cạnh lộ trình sửa đổi Luật Chứng khoán đã được định rõ.
Theo đó, ngành chứng khoán cần đề xuất để dự luật này sẽ không áp dụng đối với các công ty đại chúng và quỹ đầu tư đại chúng, từ đó cho phép sở hữu nước ngoài lên đến 100% trong các công ty đại chúng, trừ trường hợp luật pháp Việt Nam hoặc điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định ở mức nhỏ hơn.
Trong quy định tại Luật Chứng khoán, VASB cho rằng, dự luật mới cần giải quyết triệt để vướng mắc của công ty đại chúng khi nhà đầu tư nước ngoài sở hữu trên 51% vốn sẽ không phải thực hiện thủ tục đầu tư như nhà đầu tư nước ngoài.
Về sản phẩm, TTCK phái sinh mới chỉ có 1 dòng sản phẩm, trong khi cơ hội trên thị trường này rất lớn, nên điểm được tất cả các thành viên VASB đề xuất là nhà quản lý cần sớm cho ra đời các sản phẩm mới, trước hết là sản phẩm hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ hoặc phái sinh trên chỉ số rộng hơn (VNX50, VNX 200…).
Liên quan đến quy định về margin, các thành viên kiến nghị khẩn trương sửa đổi 2 điểm. Thứ nhất, cần bỏ quy định công ty có vi phạm về thuế, cổ phiếu của doanh nghiệp bị cắt margin.
Thứ hai, cần mở cửa cho dòng vốn vay chảy vào thị trường UPCoM và nên giảm quy định cổ phiếu mới niêm yết được margin sau 3 tháng, thay vì 6 tháng như hiện nay.
Một số công ty chứng khoán (CTCK) như MBS, Maybank KimEng, Phú Hưng… đề xuất tỷ lệ margin cho tổ chức đầu tư nên được nới rộng lên mức 5% vốn chủ sở hữu của CTCK, thay vì mức 3% như hiện nay.
Chia sẻ với các thành viên, ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cho biết, Bộ Tư pháp đang rà soát dự án Luật Chứng khoán, với dự kiến Chính phủ sẽ trình Quốc hội vào tháng 3/2018 và được thông qua vào năm 2019.
Dự thảo trong thời gian ngắn tới sẽ được công khai lấy ý kiến các thành viên thị trường, đồng thời với việc UBCK tổ chức hội thảo (tháng 1/2018) để tìm những tham vấn pháp lý phù hợp cho sự phát triển của TTCK.
Trong quan điểm của Chủ tịch UBCK, pháp lý cần mở và tạo điều kiện tối đa để dòng vốn chuyên nghiệp, vốn ngoại tham gia vào doanh nghiệp Việt, ngoại trừ các doanh nghiệp hoạt động trong những ngành nghề hạn chế.
Về không gian hoạt động cho các CTCK, ông Dũng cho biết, cũng đã có những đề xuất tăng vai trò tự quản của CTCK trong việc cung cấp sản phẩm, dịch vụ trên thị trường. “Ðây là vấn đề trăn trở và sẽ là đề tài được bàn sâu khi chốt việc sửa Luật Chứng khoán”, ông Dũng nói.
Dù chưa chốt những điểm sẽ sửa ngay trong cuộc làm việc cuối tuần qua, nhưng tinh thần khung pháp lý mới sẽ tạo thuận lợi nhiều hơn cho sự phát triển của các chủ thể trên TTCK là rất rõ nét. Các doanh nghiệp niêm yết có cơ hội nới room thuận lợi hơn, khối CTCK có cơ hội tự chủ và vận động nguồn lực tài chính hiệu quả hơn...
Tinh thần sửa Luật Chứng khoán và một số dự án luật liên quan vào năm 2018 được kỳ vọng sẽ mở ra triển vọng bước đi vững vàng, bớt vướng mắc cho các chủ thể trên TTCK Việt Nam.