Tỷ lệ người tiêu dùng thương mại điện tử tại Việt Nam có xu hướng tăng cao. Ảnh: Đức Thanh
Phao cứu sinh
Theo thông tin tại Diễn đàn Thương mại điện tử Việt Nam 2022, lĩnh vực thương mại điện tử tại Việt Nam đang đứng thứ hai toàn Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia và dự báo sẽ đạt khoảng 39 tỷ USD vào năm 2025. Trong quý I/2022, Việt Nam có hơn 8 triệu người tiêu dùng trực tuyến mới, với hơn 55% trong số đó đến từ các khu vực phi thành thị. Tỷ lệ người tiêu dùng thương mại điện tử có xu hướng tăng cao, với 97% người tiêu dùng vẫn đang sử dụng dịch vụ và 99% có ý định tiếp tục sử dụng trong tương lai.
Bà Phạm Thị Quỳnh Trang, Giám đốc Thương mại Lazada Việt Nam nhận xét, trong đại dịch, thương mại điện tử là cầu nối thúc đẩy tốc độ chuyển đổi số, nối liền đứt gãy thị trường. Tại Việt Nam, có tới 85% người tiêu dùng Việt chi tiêu nhiều hơn cho mua sắm trực tuyến kể từ khi dịch bùng phát. Thương mại điện tử sẽ tiếp tục tăng trưởng và góp phần hỗ trợ phục hồi kinh tế sau dịch.
Trên thực tế, một khảo sát về hành vi mua sắm trực tuyến được Lazada thực hiện với sự hợp tác của đối tác nghiên cứu thị trường Milieu Insight công bố hồi tháng 3/2022 cho thấy, 81% người Việt Nam khi được hỏi cho biết, họ xem việc mua sắm trực tuyến là một thói quen không thể thiếu mỗi ngày, tỷ lệ người mua sắm trực tuyến ít nhất một lần mỗi tuần đạt mức 59%. Người tiêu dùng ở Việt Nam đang dành nhiều ưu ái cho các thương hiệu nội địa, khi 52% người được hỏi cho biết, họ ưa thích lựa chọn những thương hiệu Việt.
Theo ông Trịnh Khắc Toàn, Giám đốc khu vực phía Bắc Amazon Global Selling Việt Nam, năm 2021, số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam có doanh số 100.000 USD trên Amazon tăng 18%, số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam có doanh số 500.000 USD trên Amazon tăng 53%. Số sản phẩm được bán bởi doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tăng 34%.
Ông Toàn cho rằng, xu hướng phát triển thương mại điện tử là không thể đảo ngược và các doanh nghiệp Việt Nam đang có rất nhiều cơ hội. “Top 5 mặt hàng làm nên sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử toàn cầu là thời trang và phụ kiện, điện tử dân dụng, đồ chơi và sở thích cá nhân, nội thất và đồ gia dụng, thực phẩm và chăm sóc cá nhân. Trừ điện tử dân dụng, 4 ngành hàng còn lại rất tiềm năng với Việt Nam”, ông Toàn nói.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Ngọc Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), đại dịch Covid-19 làm thay đổi hành vi người tiêu dùng, tạo thói quen cho người dùng tham gia thương mại điện tử, qua đó giúp thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, góp phần đẩy nhanh phục hồi kinh tế.
“VECOM đã phối hợp với tất cả các địa phương để phát triển việc ứng dụng cũng như triển khai thương mại điện tử cho tất cả các ngành hàng. Đó cũng chính là điều làm thay đổi cục diện thương mại điện tử trong thời gian sắp tới”, ông Dũng cho hay.
Đón đầu xu hướng
Dù có nhiều lợi thế, nhưng thương mại điện tử vẫn còn nhiều thách thức, như hạn chế trong khả năng kiểm soát rủi ro liên quan đến chất lượng hàng hóa, phương thức thanh toán, thiết lập các tuyến vận chuyển linh hoạt, xử lý thủ tục thông quan hàng hóa với chi phí vận hành tối ưu... Để chiếm lĩnh thị trường, doanh nghiệp cần có giải pháp và công nghệ nổi bật, đưa ra chiến lược kinh doanh, xây dựng mô hình kinh doanh trực tuyến hiệu quả nhất.
Bà Phạm Thị Quỳnh Trang đề nghị, các chủ doanh nghiệp nên tận dụng lợi thế của thương mại điện tử, trang bị tư duy kinh doanh chuyển đổi số, kết nối và học hỏi từ cộng đồng kinh doanh, đồng thời đón đầu xu hướng bán hàng. Hoạt động kinh doanh không chỉ là cạnh tranh về giá, mà là cuộc chiến xây dựng hệ thống kinh doanh, tư duy kinh doanh bền vững.
“Doanh nghiệp cần nắm bắt nhu cầu trải nghiệm của người tiêu dùng như giá cả, chất lượng và thời gian giao hàng. Do đó, để cạnh tranh, các doanh nghiệp cần nỗ lực thay đổi hành vi của mình để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng”, bà Trang khuyến nghị.
Còn ông Trịnh Khắc Toàn cho rằng, để bán hàng trên thị trường quốc tế qua thương mại điện tử, các doanh nghiệp cần có nhân sự chuyên trách, có chiến lược sản phẩm và thương hiệu, hiểu rõ quy định của thị trường mục tiêu. “Điểm cuối cùng rất quan trọng là xác định sự thành bại ngay từ đầu khi đưa hàng ra các thị trường quốc tế”, ông Toàn nhấn mạnh.
Theo bà Vũ Thị Thư, Giám đốc kinh doanh khu vực Hà Nội của Tiki, thương mại điện tử là cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam từ nay đến năm 2025. Doanh nghiệp nên kinh doanh đa sàn vì mỗi sàn có ưu thế, tập khách hàng, chính sách hỗ trợ riêng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần biết đối thủ là ai, họ có độ lớn và cách thức vận hành thế nào, từ đó so sánh để phát huy điểm mạnh của mình.
Sau phân tích thị trường, cần xây dựng chiến lược dài hạn, có kế hoạch marketing, quảng bá sản phẩm. “Doanh nghiệp cần xây dựng tập khách hàng mới, đồng thời tiếp cận tập khách hàng sẵn có trên các kênh online. Khi doanh nghiệp xây dựng được niềm tin từ người dùng, tốc độ phát triển mua sắm sẽ tăng theo. Tiếp theo là tận dụng cơ hội từ các chiến dịch quảng cáo, kế hoạch tư vấn và chăm sóc sau bán hàng …”, bà Thư khuyến nghị.
Bộ Công thương đã triển khai điều tra hơn 10.000 doanh nghiệp nội địa liên quan đến thương mại điện tử Việt Nam trong dịch bệnh. Kết quả cho thấy, hai năm 2020 và 2021, tốc độ tăng trưởng của thương mại điện Việt Nam vẫn giữ vững 17%/năm. Năm 2021, doanh thu bán lẻ đạt 13,7 tỷ USD, ước tính giá trị mua sắm trung bình là 270 USD người/năm.