Nuôi tham vọng thu hút nhà đầu tư trong Fortune 500

0:00 / 0:00
0:00
Hiện Việt Nam mới thu hút được khoảng 100 tập đoàn lớn trong danh sách Fortune 500. Tham vọng lớn đang được đặt ra, khi dòng vốn đầu tư toàn cầu dịch chuyển.
Apple không đầu tư trực tiếp vào Việt Nam, mà thông qua các nhà sản xuất gia công như Foxconn, Pegatron, Luxshare.

Apple không đầu tư trực tiếp vào Việt Nam, mà thông qua các nhà sản xuất gia công như Foxconn, Pegatron, Luxshare.

Những “đại gia” vẫn đang giấu mặt

Thông tin xôn xao trong những ngày đây, đó là có tới 126 tập đoàn lớn đang có kế hoạch dịch chuyển và muốn đầu tư vào Việt Nam.

“Việt Nam đang là điểm sáng mà các quốc gia, tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới đánh giá cao”, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã cho biết như vậy khi hé lộ thông tin về việc có hơn 100 “đại bàng” muốn tới Việt Nam làm tổ.

Tuy vậy, danh sách cụ thể các “đại gia” này chưa được tiết lộ. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, khi trả lời câu hỏi của các phóng viên về danh sách này, cũng cho biết, vì lý do bảo mật thông tin và giữ cho các nhà đầu tư về kế hoạch đầu tư sắp tới, nên không thể “nêu danh tính” các nhà đầu tư này.

“Nhưng qua các cuộc tiếp xúc cho thấy, rất nhiều nhà đầu tư thế giới quan tâm đến việc đầu tư tại Việt Nam. Đặc biệt, họ rất quan tâm và thích thú với định hướng thu hút đầu tư của Việt Nam”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết.

Trên thực tế, đây không phải là lần đầu tiên điều này được nhắc tới. Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cũng đã nhiều lần nhắc đến việc “rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài muốn đầu tư vào Việt Nam các dự án có quy mô hàng tỷ USD”, nhưng chưa thể tiết lộ thông tin cụ thể.

Tuy danh sách các “đại gia” giấu mặt này chưa được công bố, song không phải là hiếm thông tin về việc các tập đoàn lớn muốn tới Việt Nam làm ăn. Cách đây chưa lâu, Báo Đầu tư đã đề cập kế hoạch đầu tư tới 1 tỷ USD vào Việt Nam của Tập đoàn Pegatron (Đài Loan), một “ông lớn” trong ngành công nghệ.

Trong khi đó, thông tin cách đây ít ngày, Tập đoàn Enterprize Energy (Anh) đang xúc tiến kế hoạch đầu tư một dự án điện gió ngoài khơi ở tỉnh Bình Thuận. Theo ông Ian Hatton, Chủ tịch Enterprize Energy, ước tính, Tập đoàn sẽ đầu tư 12 tỷ USD vòng đời dự án, 50% số vốn đó là đầu tư vào kinh tế Việt Nam. Nếu Chính phủ khuyến khích phát triển dự án này thì các nhà sản xuất turbine điện gió của tập đoàn này sẽ đến Việt Nam đầu tư sản xuất thiết bị.

Sau 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài, Việt Nam mới thu hút được khoảng 100 doanh nghiệp trong danh sách Fortune 500

Chưa biết đại kế hoạch này sẽ được hiện thực hóa đến đâu, nhưng một ông lớn khác là Exxon Mobil (Mỹ) đang rất sốt ruột với kế hoạch đầu tư dự án điện khí 5 tỷ USD ở Hải Phòng, trong khi tiếp tục đeo đuổi các dự án khai thác khí ở khu vực miền Trung.

Cũng ở Hải Phòng, còn có nhà đầu tư khác đề xuất một dự án điện khí 1,9 tỷ USD. Trong khi đó, ở Vân Phong (Khánh Hòa), Tập đoàn Dầu khí Millennium thậm chí còn muốn đầu tư một dự án 15 tỷ USD.

Nuôi tham vọng thu hút “ông lớn” trong Fortune 500

Exxon Mobil là một “ông lớn” thường xuyên có mặt trong danh sách Fortune 500 của Forbes. Trong danh sách Fortune 500 vừa được Forbes công bố vào tháng 8/2020, Exxon Mobil đứng vị trí 11, trên Apple một bậc, thua Saudi Aramco 5 bậc và tất nhiên là “thua” xa Wal-Mart (Mỹ) - công ty đã 7 năm liền đứng vị trí lớn nhất thế giới.

Đây đều là các “đại gia” mà Việt Nam mong muốn nhận được đầu tư từ lâu. Trong số các ông lớn này, Wal-Mart đã nhiều lần dập dình muốn đầu tư vào Việt Nam, song đến nay, chưa có cam kết nào được đưa ra, ngoài nỗ lực đưa hàng Việt vào hệ thống Walmart mà chưa có nhiều kết quả khả quan.

Saudi Aramco cũng vậy. Nếu Dự án Lọc hóa dầu Victory Nhơn Hội, vốn đầu tư lên tới 21 tỷ USD, không “lỡ hẹn”, thì có lẽ, tập đoàn dầu khí hàng đầu thế giới này đã có mặt tại Việt Nam.

Trong khi đó, Apple vẫn là cái tên mà Việt Nam đang hướng đến. Dù Apple không đầu tư trực tiếp, mà thông qua các nhà sản xuất gia công, như Foxconn, Pegatron, Luxshare, song đến nay, dù cả 3 nhà sản xuất này đều gia tăng đầu tư vào Việt Nam, nhưng hầu hết mới chỉ dừng ở linh kiện, mà chưa có bất cứ kế hoạch nào về việc lắp ráp iPhone tại Việt Nam.

“Cửa” sáng nhất có lẽ là Exxon Mobil, với sự kiên trì theo đuổi các dự án lớn tại Việt Nam trong nhiều năm nay.

Tuy nhiên, trên đây không chỉ là những cái tên mà Việt Nam “nhắm” đến. Thông tin cho biết, sau 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài, Việt Nam mới thu hút được khoảng 100 doanh nghiệp trong danh sách Fortune 500. Trong định hướng chiến lược sắp tới, Việt Nam đặt mục tiêu tăng 50% số lượng tập đoàn đa quốc gia thuộc nhóm dẫn đầu thế giới hiện diện và hoạt động đầu tư tại Việt Nam.

Trên thực tế, thời gian qua, để đón đầu dòng vốn đầu tư dịch chuyển thời Covid-19, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã rất chủ động tiếp cận và có những động thái quan trọng để “vận động” các tập đoàn lớn mang các dự án có chất lượng cao vào Việt Nam. Việc Pegatron quyết định “dốc” 1 tỷ USD vào Việt Nam là một minh chứng rõ nét cho sự nỗ lực này.

Tuy nhiên, để thu hút được ngày càng nhiều ông lớn, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Việt Nam cần có sự chuẩn bị sẵn sàng về đất sạch, nhân lực chất lượng cao, hạ tầng cơ sở, năng lượng… Cùng với đó, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và sẵn sàng có các “gói” chính sách riêng cho các nhà đầu tư lớn.

Thông tin cho biết, hiện nay, Chính phủ Việt Nam sẵn sàng xây dựng và áp dụng các gói ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt cho các dự án phù hợp với quy định tại Điều 20, Luật Đầu tư. Bên cạnh đó, sẽ nghiên cứu xây dựng các gói ưu đãi linh hoạt theo hướng các mức ưu đãi chung và ưu đãi “cộng”, tùy thuộc vào từng ngành nghề ưu tiên thu hút đầu tư và vào khả năng thực hiện cam kết đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài.

Chưa nhiều nhà đầu tư trong Fortune 500 vào Việt Nam

Số lượng các tập đoàn trong danh sách Fortune 500 đầu tư vào Việt Nam hiện chưa nhiều. Ngoài Samsung, Foxconn, Ford, Mitsubishi…, có thể kể đến General Electric, Honda, Microsoft, Itochu, Nissan, Siemens, SK, Nestle, Bosch, Hyundai, HSBC, LG, Posco, Sanofi, Hanwha, Sumitomo, Coca-Cola, Toshiba, Heineken, CJ…

Trong danh sách Fortune 500 vừa được công bố hồi tháng 8/2020, có nhiều tập đoàn công nghệ lớn như Huawei, Xiaomi… Đây là những cái tên mới nổi của làng công nghệ thế giới. Tuy chưa đầu tư trực tiếp, song các tập đoàn này đều đã hiện diện kinh doanh tại Việt Nam.

Điều đặc biệt, Trung Quốc đã lần đầu vượt Mỹ về số lượng công ty có mặt trong danh sách Fortune 500 năm nay, 133 doanh nghiệp so với 121 doanh nghiệp. Cuộc soán ngôi này cũng cho thấy, đầu tư từ Trung Quốc sẽ rất có chất lượng nếu Việt Nam có sự lựa chọn khôn ngoan.

Tin bài liên quan