Cụ thể, Công ty dự kiến chào bán 10 triệu cổ phiếu TDM thông qua hình thức đấu giá trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HOSE) với giá không thấp hơn giá sổ sách ngày 30/6/2022 là 19.125 đồng/cổ phiếu.
Trong đó, Công ty tính giá bình quân 52 tuần đến ngày 5/9/2022 là 28.300 đồng/cổ phiếu. Chính vì vậy, Công ty dự kiến huy động với tổng số tiền tối thiểu là 283 tỷ đồng từ đợt đấu giá 10 triệu cổ phiếu TDM.
Mục đích huy động của TDM. |
Số tiền huy động, Công ty dự kiến dùng 143 tỷ đồng đầu tư mua cổ phần của CTCP Cấp thoát nước Cần Thơ và 140 tỷ đồng để đầu tư tuyến ống truyền tải nước thô DN1600 từ công trình thu Tân Ba về Nhà máy nước Dĩ An.
Thời gian chào bán dự kiến từ quý IV/2022 đến quý I/2023.
Xét về hoạt động kinh doanh, trong quý III, TDM ghi nhận doanh thu thuần đạt 123 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá vốn hàng bán cũng tăng 17% lên 59,5 tỷ đồng, nên lợi nhuận gộp doanh nghiệp đạt 63,45 tỷ đồng, tăng 36%.
Kỳ này, các chi phí của TDM đều giảm, trong đó, chi phí tài chính giảm 33%, xuống 4,71 tỷ đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 82%, xuống 2,26 tỷ đồng. Kết quả, Công ty lãi sau thuế 54,41 tỷ đồng, tăng 110% so với quý III/2021.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, TDM ghi nhận doanh thu thuần đạt 353,1 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 146,5 tỷ đồng, lần lượt tăng 16% và giảm 24% so với cùng kỳ năm 2021. Nguyên nhân do doanh thu tài chính Công ty giảm mạnh từ 87 tỷ đồng, xuống còn hơn 2 tỷ đồng, tương đương giảm 98% vì TDM không còn khoản cổ tức nhận được trong cùng kỳ làm cho lợi nhuận giảm.
Năm 2022, TDM đặt kế hoạch kinh doanh với tổng doanh thu đạt 510 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt gần 236 tỷ đồng. Như vậy, với kết quả trên, Công ty đã hoàn thành lần lượt 69% và 62% kế hoạch năm.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 9/11, cổ phiếu TDM giảm 50 đồng về 30.450 đồng/cổ phiếu.