Tạp chí The Economist (Anh) vừa đưa ra chỉ số đánh giá rủi ro với 26 thị trường mới nổi trong trường hợp đóng băng dòng vốn do các nước phát triển ngừng nới lỏng tiền tệ. Chỉ số đánh giá dựa trên 4 yếu tố: cán cân tài khoản vãng; nợ nước ngoài và thanh toán nợ nước ngoài ngắn hạn trên tổng giá trị dự trữ của chính phủ; tăng trưởng tín dụng; độ mở của hệ thống tài chính.
Theo các chuyên gia phân tích, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) bắt đầu giảm quy mô thu mua trái phiếu, thất nghiệp đã giảm đến mức đủ để các nhà đầu tư nước ngoài dịch chuyển dòng vốn của họ quay trở lại Mỹ, dẫn đến dòng tiền đổ vào các thị trường mới nổi giảm.
Các thị trường mới nổi từ Argentina đến Thổ Nhĩ Kỳ đang trong thời kỳ khó khăn, khi FED cắt giảm gói kích thích kinh tế. Với những nền kinh tế mới nổi có dự trữ ngoại tệ thấp, để đối phó với đầu cơ tiền tệ, tỷ giá hối đoái sẽ còn tiếp tục phải hứng chịu nhiều áp lực.
Theo đánh giá của The Economist, Thổ Nhĩ Kỳ là thị trường mới nổi dễ bị tổn thương nhất trước sự dịch chuyển của dòng tiền, với chỉ số đánh giá rủi ro ở mức 18 điểm (trên thang điểm tối đa 20). Thâm hụt tài khoản vãng lai của Thổ Nhĩ Kỳ tương đương hơn 6% GDP, tỷ lệ nợ nước ngoài ngắn hạn chiếm hơn 150% tài sản dự trữ.
Thổ Nhĩ Kỳ đã dùng 27% lượng dự trữ ngoại hối trong nỗ lực bảo vệ đồng tiền của mình kể từ tháng 6 năm ngoái, song vẫn thất bại. Dự trữ ngoại hối của đất nước này tính đến ngày 10/2 là 34 tỷ USD, không bao gồm tiền gửi ở các ngân hàng thương mại. Số dự trữ đó chỉ đủ để chi trả 0,29% nợ ngắn hạn, mức ít nhất trong 14 quốc gia mà Goldman Sachs theo dõi. Đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ trong tháng 1/2014 đã sụt giảm tới 2,39% so với đồng USD.
Nam Phi và Brazil lần lượt ở vị trí thứ 3 và thứ 5. Theo một ngân hàng Mỹ, khoản dự trữ ngoại hối 46 tỷ USD của Nam Phi chỉ bằng khoảng 13% GDP, thấp hơn tỷ lệ cần thiết là 18% để cấp tiền cho thâm hụt thương mại và nợ. Đồng rand giảm đến mức thấp nhất trong vòng 5 năm.
Trong 31 đồng tiền chính mà Bloomberg theo dõi, các nhà giao dịch ít lạc quan nhất đối với đồng peso của Argentina, đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ, đồng forint của Hungary, đồng rupiah của Indonesia và đồng rand của Nam Phi. Một chỉ số của Bloomberg theo dõi cho biết, tỷ giá hối đoái của 20 đồng tiền đã sụt giảm 2% từ đầu năm đến nay. Trong cả năm 2013, chỉ số này đã sụt giảm 7%.
Trong khi đó, Deutsche Bank AG cho biết, triển vọng của các đồng tiền châu Á lại sáng sủa hơn. Chẳng hạn, đồng rupiah Indonesia đã đảo chiều từ mức sụt giảm giá trị 20% năm 2013 sang tăng 1,7% trong tháng 1/2014. Trong khi đó, một số đồng tiền châu Á khác cũng tăng như đồng won của Hàn Quốc (tăng 1,8%), nhân dân tệ của Trung Quốc (1,4%), baht của Thái Lan (1,1%). Trung Quốc được coi là khá an toàn trong trường hợp đảo chiều dòng vốn, do có thặng dư tài khoản vãng lai lớn và có dự trữ ngoại hối lớn nhất thế giới (hơn 3.500 tỷ USD).
18 nhà phân tích thị trường hàng đầu được Bloomberg tham khảo ý kiến mới đây dự báo, các đồng tiền châu Á sẽ đem lại mức lãi 2% cho các nhà đầu tư trong năm 2014, trong khi mức tương ứng tại châu Âu - Trung Đông và châu Phi là 4,5%, còn tại Mỹ Latinh là âm 1%.
Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cảnh báo, việc đồng tiền tại các thị trường mới nổi giảm giá có thể ảnh hưởng nghiêm trong đến nhu cầu dầu mỏ của các nước này. “Các nền kinh tế mới nổi là động lực chính cho tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ trong năm vừa qua. Sự giảm giá của các đồng tiền tại các nước này sẽ làm nhu cầu dầu mỏ của họ tăng trưởng chậm lại”, một báo cáo tháng của OPEC cho biết.
Thị trường mới nổi chiếm một nửa GDP thế giới, vì vậy, nếu tất cả các nước này đều thắt chặt chính sách tiền tệ thì chắc chắn sẽ gây cú sốc đáng kể đối với nền tài chính toàn cầu.