1 Nghe tin cô hàng xóm mang tiền tỷ về xây nhà cho mẹ ở ngoài Nam Định, mọi người nghe chuyện đều xuýt xoa. Cô là con gái duy nhất của một bà mẹ góa chồng sớm. Năm 20 tuổi, cô lấy anh chồng cùng làng dệt Nam Định, rồi cả 2 người vào trong Sài Gòn làm ăn, tìm kiếm cơ hội. Ban đầu, họ đi buôn vải Hàn Quốc, Trung Quốc. Rồi dần dần, qua các mối quan hệ quen biết, anh chồng cô sang Hàn Quốc học cách nhuộm vải theo công nghệ mới. Về nước, cặp vợ chồng này mở công ty nhuộm, càng ngày làm ăn càng phát đạt. Hiện công ty có hơn 500 công nhân làm việc trong xưởng, và rất nhiều nhân viên làm các công việc hành chính, văn phòng khác.
Con gái đã trở thành bà chủ giàu có, muốn đón mẹ vào Sài Gòn ở chung để phụng dưỡng, nhưng bà mẹ lại nhất định không chịu rời xa làng quê yên bình. Đã nhiều lần từ Bắc vào Nam chơi cùng con cháu, nhưng chỉ được ít ngày, bà mẹ từng lam lũ này lại tất tả quay ngược trở về nhà. Bà nói, dù ở với con nhà cao cửa rộng thích thật, nhưng không quen. Đặc biệt, ngay cả trong những ngày mùa đông giá rét, mưa phùn, bà cụ vẫn không thích vào Sài Gòn nắng ấm chan hòa.
Để báo hiếu, cô con gái đã về quê, xây một căn nhà biệt thự lớn cho mẹ, trị giá hơn 1 tỷ đồng. Nghe người bà con kể, căn nhà ấy bự đến mức phải đại gia đình ở mới hết. Vào mùa hè thì vô cùng thoáng mát, nhưng vào mùa đông thì cảm thấy khá lạnh lẽo. Cả căn nhà rộng rãi chỉ có mẹ già lụm cụm đi tới đi lui. Vào những ngày Tết chộn rộn hơn chút bởi cô con gái đưa các con về quê chơi, thăm bà ngoại. Tuy nhiên, lũ trẻ đã ở quen với khí hậu ấm áp, không chịu nổi cái rét khắc nghiệt. Hơn nữa, dù căn nhà được xây hoành tráng, nhưng vẫn không đủ mọi tiện nghi sinh hoạt như tại Sài Gòn. Vì vậy, chỉ được 2 bữa là bọn trẻ kêu rên đòi về nhà. Vậy là lại vắng hoe vắng hoắt!
Có người thắc mắc, bà cụ già rồi, ở hết bao nhiêu mà phải xây nhà to bự chảng đến vậy, cho việc lau dọn nhà trở nên khó khăn! Nhưng cũng có người thông cảm hơn, thì nghĩ có lẽ chỉ việc xây căn nhà lớn như thế cho mẹ mới có thể khiến cô con gái cảm thấy nhẹ lòng. Cô hiểu xưa tới nay, cả nhà chỉ có 2 mẹ con sớm tối có nhau. Từ khi cô đi lấy chồng, rồi Nam tiến xa cách quê nhà cả ngàn cây số và công việc làm ăn kéo đi triền miên, thì mỗi năm chỉ có vài ngày là về ở gần bên mẹ. Cho tiền, mẹ xài vô cùng tiết kiệm mà cũng chẳng đi đâu để dùng đến tiền. Tuổi cao sức yếu rồi, có căn nhà bề thế làm nơi thờ phụng tổ tiên và tập hợp con cháu, cũng là sự hợp lý. Chứ biết làm sao, khi hai thế hệ đã có cuộc sống riêng: bà cụ không muốn ra khỏi làng quê và con cháu cũng không thể quay trở về làng quê sinh sống. Hãy nên chấp nhận thực tế, nhìn tích cực hơn về hành vi xây nhà báo hiếu tặng mẹ. Cũng có thể ví như nước mắt chảy ngược được rồi, dù vẫn còn phiến diện trong mắt những người khó tính.
2 Dường như bất cứ ai, khi đã có con, đều muốn tiết kiệm tiền bạc để lo tương lai sau này cho con. Ở phía Bắc, đa số người dân có tâm lý phải căn cơ để mua nhà cho con trai lấy vợ. Còn ở phía Nam, thì đa phần gia đình đồng đều hơn, con gái hay con trai đều được cha mẹ phân chia nhà cửa như nhau. Vì vậy, gánh nặng có thể lên gấp đôi.
Gia đình anh Dũng là một ví dụ. Vợ chồng anh hiện đang có căn nhà phố tại quận 2 khá khang trang. Tuy vậy, cặp đôi này vẫn hết sức tiết kiệm để trả phần tiền vay của ngân hàng hàng tháng. Gần đây, nghe tin có dự án căn hộ gần đó được vay nằm trong gói ưu đãi 30.000 tỷ, vợ chồng anh vẫn quyết định mua để sau này “cho con trai”. Và thêm 10 năm nữa, khi đã có thể trả kha khá tiền ngân hàng rồi, họ sẽ tiếp tục mua thêm căn hộ nữa “làm của hồi môn cho con gái”.
Người xưa đã có câu thật hay, nước mắt chảy xuôi. Ý nói về sự lo lắng không cần báo đáp của các bậc sinh thành đối với những núm ruột sinh ra. Có lần, trò chuyện với một đại ca giang hồ đã rửa tay gác kiếm, anh cho biết ở trong tù, nếu các phạm nhân phạm tội bất hiếu và hiếp dâm, thì sẽ bị bạn tù đánh cho no đòn. Thế mới biết, ở nơi chốn không mong muốn ấy, con người vẫn coi trọng những tình cảm cơ bản nhất của giống loài.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966. 43. 45. 46 |