Chia sẻ tại tọa Hiến kế hút khách du lịch quốc tế do Báo Đầu tư tổ chức ngày 22/3, ông Hoàng Nhân Chính - Trưởng Ban thư ký, Hội đồng tư vấn du lịch (TAB) cho biết, ở Việt Nam trung bình khách quốc tế quay trở lại đạt 25-30% trong khi Thái Lan tỷ lệ này là 70%.
Vì sao Thái Lan làm du lịch tốt? Đó là nhờ sự đồng bộ, du lịch từ nhà ra đến phố, một điểm đến như Phuket có đến 65% thu nhập của người dân là từ du lịch nên họ rất tập trung phát triển du lịch. Đặc biệt, đến Thái Lan, ngay từ lúc làm thủ tục nhập cảnh, du khách đã được tiếp đón niềm nở. Các địa danh du lịch của Thái Lan đều rất vui, sôi động, đặc biệt kinh tế ban đêm sầm uất.
Riêng năm 2019, năm cao nhất của du lịch phát triển Việt Nam đón 18 triệu lượt khách quốc tế trong khi Thái Lan đón 40 triệu lượt khách quốc. Tỷ lệ trung bình một khách chi tiêu tại Việt Nam là 1.200 USD/ngày với thời gian ở 9,1-9,2 ngày/người. Tại Thái Lan tỷ lệ chi trả của khách du lịch cao gấp đôi so với Việt Nam, đạt 2.400-2.500 USD/ngày, thời gian trung bình khoảng 9 ngày/khách.
“Nhìn vào những con số trên, chúng ta còn rất nhiều việc phải làm. Đó là, xây dựng các sản phẩm phù hợp xu hướng và để cho khách quay trở lại, số lượng khách bền vững, có khả năng chi trả cao hơn cần phải quản lý điểm đến tốt hơn”, ông Chính nhấn mạnh.
Bà Nguyễn Thị Lê Hương, Thành viên HĐQT, Phó tổng giám đốc Vietravel đánh giá cao cách làm du lịch của Thái Lan. Thái Lan nằm trong top 10 nước thu hút khách quốc tế lớn nhất thế giới. Mục tiêu phát triển du lịch số 1 thị trường ASEAN của Thái Lan đã đạt được.
Thái Lan luôn có những chiến lược rất hợp lý. Mới đây, đất nước triệu voi này đã đưa ra chiến lược A-B-C- trong đó A là Additional- kết nối các thành phố du lịch quan trọng với những điểm đến mới. B là Brand New- xúc tiến du lịch và C là Combined, kết nối các điểm đến mới và cũ thành một tour có định hướng bài bản.
"Việt Nam có lợi thế cạnh tranh không kém Thái Lan, có nhiều di sản, có bãi biển dài. Vấn đề là cần có các giải pháp đồng bộ để thu hút, cần định vị lại cả về thương hiệu và sản phẩm du lịch hấp dẫn hơn, phù hợp xu hướng của khách”, Phó tổng giám đốc Vietravel Nguyễn Thị Lê Hương cho hay.
Đơn cử như tour Đông Bắc, trước đây khách chỉ đến Sapa, nhưng hiện nay, Hà Giang trở thành một điểm đến hấp dẫn du khách, cần có những tour hợp lý để khách có sự lựa chọn, nhất là trong xu hướng khách đi nhóm nhỏ, đi ngắn ngày, lựa chọn nghỉ dưỡng kết hợp với làm việc, trải nghiệm kết hợp giải trí.
Bí quyết của người Thái: Vào cuộc đồng bộ, quyết liệt
Chia sẻ cởi mở tại tọa đàm do Báo Đầu tư tổ chức chủ đề “Hiến kế hút khách du lịch quốc tế”, bà Nareekarn Srichainak, Bí thư thứ Nhất, Đại sứ quán Thái Lan tại Hà Nội đã bật mí nhiều kinh nghiệm quý mà Thái Lan đã làm trong và sau Covid-19 để thu hút khách quốc tế trở lại.
Bà Nareekarn Srichainak cho biết, năm 2020 khi đại dịch Covid-19 diễn ra, khách du lịch đến Thái Lan giảm mạnh 83%, trong đó Thành phố Phuket chịu ảnh hưởng mạnh nhất. Trong thời gian này, Thái Lan đã hạn chế nhập cảnh.
Để từng bước đưa du lịch Thái Lan khôi phục trở lại, ngành du lịch Thái Lan đã hợp tác với đội tuyển bóng đá quốc gia Thái Lan để làm truyền thông về du lịch, đưa ra dự án hộp card Phuket, hợp tác với các nhà cung ứng dịch vụ để phát triển sản phẩm tìm ra mô hình mở cửa trở lại.
Dự án mở cửa được chia thành 4 bước, bước đầu từ 10/2020-9/2021 thu hút khách du lịch từ điểm đến rủi ro thấp, đăng ký visa du lịch đặc biệt, từ 3-4/2021 bắt đầu phục hồi Phuket. Khách đến Phuket cách ly 7 ngày tại hòn đảo du lịch này, sau đó có thể đi các điểm khác tại Thái Lan, điểm cách ly khá thoải mái. Đây là một chính sách được đánh giá hợp lý bởi khách cách ly tại hòn đảo cũng khá thoải mái.
Thành công từ Phuket, Thái Lan mở rộng mô hình sang các điểm khác để thúc đẩy Thái Lan là điểm của thế giới sau Covid-19 cùng chủ đề được truyền thông “tương lai của cuộc sống”, sinh sống một cách hài hoà.
“Chúng tôi đặt mục tiêu mở cửa du lịch trở lại trong 180 ngày, trong quá trình đó tất cả các đơn vị liên quan đều đếm ngược”, bà Nareekarn Srichainak, Bí thư thứ Nhất, Đại sứ quán Thái Lan tại Hà Nội chia sẻ quyết tâm của Thái Lan.
Bà Nareekarn Srichainak, Bí thư thứ Nhất, Đại sứ quán Thái Lan tại Hà Nội |
Thái Lan có trung tâm chỉ đạo quốc gia về du lịch sau Covid-19 với đội phản ứng nhanh, giải quyết các vấn đề được cho là rào cản để thúc đẩy mở cửa du lịch. Song song với đó là các chính sách giảm giá dịch vụ du lịch, giảm giá vé máy bay, lưu trú, tạo ra nguồn thu du lịch ổn định cho người dân.
Vấn đề chăm sóc y tế cũng được quan tâm, nâng cao nhận thức người dân tự bảo vệ mình, hợp tác chặt chẽ với các bệnh viện.
Thái Lan đẩy mạnh hợp tác công tư, hợp tác chặt chẽ với các bộ ngành và giới tư nhân để cùng phát triển. “Trong suốt quá trình khủng hoảng, chính phủ nỗ lực để phục hồi, áp dụng công nghệ thông tin, sử dụng con số thống kê để đưa ra chính sách phù hợp”, bà Nareekarn Srichainak tiết lộ.
Thái Lan hiện nay đang thu hút khách quốc tế đến với các loại hình du lịch đặc khu chơi golf, chăm sóc sắc đẹp, LGBT.
Năm 2022, Thái Lan thu hút 11 triệu lượt khách quốc tế đến, thấp hơn 28% so với năm 2019. Hiện nay, Covid-19 chưa hoàn toàn được đẩy lùi, thế giới đang đối mặt với các vấn đề xung đột, lạm phát cao, suy thoái kinh tế, trong khi giá vé máy bay hiện cao cũng ảnh hưởng đến thu hút khách du lịch. Tuy nhiên, bà Nareekarn Srichainak khẳng định, Thái lan sẵn sàng thúc đẩy phát triển du lịch.
Hiện nay, Thái Lan đang quảng bá là điểm đến tuyệt vời có mọi thứ từ A-Z hấp dẫn du khách.