Tự tin hoàn thành kế hoạch năm
Theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán của Nước giải khát Sanna Khánh Hòa, tính đến cuối năm 2017, Công ty không có nợ dài hạn, không vay nợ ngân hàng. Các khoản nợ phải trả chỉ vào khoảng 12,5 tỷ đồng, đa số là khoản phải trả cho người bán ngắn hạn.
Tính riêng trong khoảng thời gian từ 10/11/2017 (thời điểm chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần) đến 31/12/2017, doanh thu SKN đạt được là khoảng 11,9 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp đạt mức 25%.
Hiện tại, công ty mẹ của SKN cũng là khách hàng lớn nhất của doanh nghiệp. Cụ thể, trong số 11,9 tỷ đồng doanh thu bán hàng trong gần 2 tháng cuối năm 2017 của SKN, có đến 11,2 tỷ đồng là giá trị cung cấp sản phẩm cho Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Yến sào Khánh Hòa.
Năm 2018, SKN đặt mục tiêu đạt 100 tỷ đồng doanh thu thuần, lợi nhuận ròng 7,3 tỷ đồng. Tính đến ngày 30/6/2018, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của Công ty đã đạt lần lượt 87,7 tỷ đồng và 3,6 tỷ đồng; hoàn thành được 87,7% kế hoạch doanh thu và 50,05% kế hoạch lợi nhuận cả năm. Đây là lý do Nước giải khát Sanna Khánh Hòa tin tưởng khả năng đạt được kế hoạch đề ra trong năm 2018.
Sau khi chuyển qua hoạt động theo mô hình cổ phần hóa, mức cổ tức cho cổ đông đã được doanh nghiệp cải thiện đáng kể. Cổ tức dự chia năm 2018 vào khoảng 9,72%, trong khi mức chi năm 2017 chỉ là 0,68%.
Trong số các sản phẩm nước giải khát mà Công ty sản xuất, sản phẩm đóng vai trò chủ lực là dòng nước uống đóng chai với doanh thu trung bình chiếm 85% tổng doanh thu hàng năm.
Sản phẩm được khai thác và chế biến từ nguồn nước ngầm tại trung tâm Vườn dừa Cam Thịnh Đông, Khánh Hòa. Hiện sản phẩm của Sanna được phân phối trên 63 tỉnh thành thông qua 1.000 nhà phân phối.
Mục tiêu của SKN giai đoạn tới là giữ vững thương hiệu và khách hàng đang có, gia tăng thêm thị phần, đẩy mạnh marketing để tìm kiếm thêm khách hàng mới.
Cùng với đó, Công ty sẽ tiếp tục phát triển thêm các dòng sản phẩm với định hướng đa dạng hóa, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. SKN cũng sẽ nghiên cứu để đổi mới mẫu mã bao bì, hình thức sản phẩm, từng bước tạo dựng thương hiệu sản phẩm riêng của Nước giải khát Sanna Khánh Hòa.
Có rơi vào cảnh vắng thanh khoản?
Đầu tháng 10, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đã chấp thuận đăng ký giao dịch cổ phiếu SKN của CTCP Nước giải khát Sanna Khánh Hòa trên thị trường UPCoM. 5 triệu cổ phiếu SKN sẽ giao dịch đầu tiên vào ngày 10/10 tới với giá tham chiếu là 11.100 đồng/cổ phiếu.
Với vốn điều lệ 50 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông của SKN bao gồm Nhà nước đang nắm giữ 51% vốn thông qua Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Yến sào Khánh Hòa, 21% đã được bán cho nhà đầu tư chiến lược bao gồm Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Minh Thông, Công ty TNHH Bao Bì nhựa Vĩnh An và CTCP Dịch vụ Văn hóa và Quảng cáo Khánh Hòa, số còn lại do người lao động và nhà đầu tư thông thường nắm giữ. Hiện SKN chưa có cổ đông ngoại.
Trong số 5 triệu cổ phiếu đăng ký giao dịch trên UPCoM, có hơn 1,5 triệu cổ phiếu bị hạn chế chuyển nhượng. Ngoài ra, tỷ lệ sở hữu của Nhà nước sẽ duy trì ở mức 51% nên trên thực tế, chỉ có hơn 930.000 cổ phần SKN có khả năng luân chuyển trên thị trường UPCoM sau khi cổ phiếu này chính thức giao dịch.
Như vậy, tỷ lệ sở hữu cô đặc cùng lượng cổ phần hạn chế chuyển nhượng lớn có khả năng cao sẽ đẩy cổ phiếu SKN vào tình trạng vắng thanh khoản, thậm chí là nhà đầu tư muốn mua cũng không tìm ra bên bán như một số cổ phiếu trên UPCoM hiện tại, dù tình hình sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp được đánh giá tích cực.