"Nước dừa nguyên chất đóng hộp có thể phải nộp thuế tiêu thụ đặc biệt"

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lệ Thủy (đoàn Bến Tre), nếu đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml thì nước dừa nguyên chất đóng hộp có khả năng phải nộp thuế này bởi vì nước dừa nguyên chất đã có hàm lượng đường khoảng 6-7g/100ml.
Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (đoàn Bến Tre) phát biểu tại hội trường chiều 27/11

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (đoàn Bến Tre) phát biểu tại hội trường chiều 27/11

Cân nhắc quy định đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường

Chiều 27/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt - TTĐB (sửa đổi). Tại phiên thảo luận, quy định đưa đồ uống có đường vào diện phải nộp thuế suất này đã gây ra nhiều ý kiến, tranh luận.

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (đoàn Bến Tre) đề nghị cân nhắc việc áp thuế TTĐB đối với nước giải khát có đường vì lý do báo cáo đánh giá tác động của Bộ Tài chính chưa nêu rõ mối tương quan giữa tỷ lệ người bị béo phì với tỷ lệ tiêu thụ nước giải khát có đường và mối tương quan giữa tỷ lệ người bị béo phì với tỷ lệ nước giải khát có hàm lượng đường cao hơn 5g/100ml được người béo phì tiêu thụ mỗi năm.

Theo đại biểu, nếu chiếu theo tiêu chuẩn nói trên thì một số loại nước trái cây nói chung và nước dừa đóng hộp nói riêng cũng được liệt vào nhóm phải chịu thuế TTĐB, bởi vì nước dừa tự nhiên đã có hàm lượng đường tương đương 6-7g/100ml.

"Nhiều nghiên cứu cho thấy uống nước dừa tốt cho sức khỏe, chưa có nghiên cứu nào chỉ ra uống nước dừa dẫn đến thừa cân, béo phì", đại biểu lưu ý và nhấn mạnh, nếu áp thuế TTĐB đối với nước dừa thì sẽ không chỉ ảnh hưởng đến hàng trăm doanh nghiệp dừa đang kiệt quệ sau Covid-19 mà còn ảnh hưởng đến hơn 200.000 nông dân trồng dừa của tỉnh Bến Tre và nhiều tỉnh trồng dừa khác.

Trong khi đó, cây dừa là cây thích ứng với biến đổi khí hậu, nó có thể chịu được hạn, chịu được ngập và rễ dừa thì chống xói lở đất.

Lý do thứ hai, theo vị đại biểu, việc áp thuế TTĐB lên nước giải khát có đường có thể sẽ không làm người tiêu dùng từ bỏ tiêu thụ nước giải khát có đường mà chỉ làm họ chuyển từ sản phẩm phải nộp thuế sang các đồ uống có đường không bị ảnh hưởng bởi thuế (ví dụ đồ uống thủ công).

Điều này vừa tiềm ẩn nguy cơ mất vệ sinh, an toàn thực phẩm vừa gây thất thu thuế, gây hiểu lầm cho người tiêu dùng là chỉ cần không dùng đồ uống có đường sẽ không bị béo phì và các bệnh có liên quan.

Ngoài ra, nếu lấy hàm lượng đường theo tiêu chuẩn Việt Nam để làm cơ sở áp thuế có thể dẫn đến vướng mắc đối với các sản phẩm nhập khẩu không được sản xuất theo tiêu chuẩn Việt Nam, song vẫn có hàm lượng đường trên 5g/100ml.

Bên cạnh đó, bà Thuý cho rằng, các nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng nước giải khát có đường không phải là nguyên nhân chính và duy nhất gây bệnh thừa cân, béo phì.

Quốc hội thảo luận ở hội trường chiều 27/11 về dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi)

Quốc hội thảo luận ở hội trường chiều 27/11 về dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi)

Thực tiễn cũng cho thấy không phải quốc gia nào áp thuế TTĐB lên nước giải khát có đường cũng đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ thừa cân, béo phì. Ví dụ Mexico, Philippines, Ấn Độ, Phần Lan, Bỉ đã áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường nhiều năm nhưng tỷ lệ béo phì thì vẫn tăng đều, trong khi các quốc gia không áp thuế như Nhật Bản, Singapore lại có tỷ lệ thừa cân, béo phì thấp nhất.

"Do đó, việc áp TTĐB đối với nước giải khát có đường có thể làm giảm tiêu thụ đồ uống có đường nhưng không chắc có thể làm giảm tỷ lệ thừa cân, béo phì và các bệnh lây nhiễm khác", bà Thuỷ nói và đề nghị cần đánh giá tác động kỹ lưỡng và toàn diện về hiệu quả của việc bổ sung mặt hàng này vào đối tượng chịu thuế TTĐB.

Lo ngại "bóp chết" ngành mía đường của Việt Nam

Đại biểu Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp) nêu vấn đề, cơ thể chúng ta cần đường, tất cả mọi người đều phải sử dụng đường, nhưng nước giải khát có đường thì đánh thuế còn bánh kẹo lại không. Đây là một điều không hợp lý.

Đại biểu Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp)

Đại biểu Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp)

Đánh thuế TTĐB với nước giải khát có đường như đề xuất của Chính phủ, theo đại biểu đoàn Đồng Tháp là "bóp chết ngành sản xuất mía đường của chúng ta hiện nay".

Từ đó, ông Hoà cho rằng thu thuế TTĐB đối với những mặt hàng có đường phải có lộ trình từ từ.

Ngoài ra, vị đại biểu cho rằng, mía đường nguyên chất không gây béo phì, cần đánh giá thực trạng pha chế hoá chất vào trong đường gây nên béo phì ra sao.

Chỉ nên đánh thuế khi có đầy đủ cơ sở thực tiễn, đánh giá tác động

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nước giải khát có đường là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng thừa cân, béo phì, là một trong những yếu tố nguy cơ hàng đầu về bệnh không lây nhiễm như tim mạch, đái tháo đường, hội chứng rối loạn chuyển hóa, bệnh lý thận, tiết niệu, ảnh hưởng đến đường tiêu hóa, ung thư tiêu hóa, tai biến mạch máu não, sa sút trí tuệ, ảnh hưởng đến hệ xương, răng do tăng lượng đường nạp vào cơ thể nhiều hơn mức cần thiết.

Dự thảo Luật quy định mức thuế suất 10% đối với nước giải khát theo tiêu chuẩn Việt Nam có hàm lượng đường từ 5g/100ml.

Đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đăk Nông)

Đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đăk Nông)

Tuy nhiên, theo đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đăk Nông), đây là đánh giá chung của Tổ chức Y tế thế giới. Để có cơ sở cho Quốc hội quyết định, đại biểu đề nghị làm rõ tỷ lệ béo phì, thừa cân ở Việt Nam gắn với nguyên nhân gì, đồng thời đánh giá thêm đối với nhóm người sử dụng nhiều nhất nước giải khát có đường có hàm lượng từ 5g/100ml.

Nếu thực sự sử dụng nước giải khát có đường là nguyên nhân của bệnh thừa cân, béo phì và một số bệnh lý khác thì cần phải xem xét chính sách nước giải khát theo tiêu chuẩn Việt Nam có hàm lượng đường 5g/100ml là đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

"Trường hợp có đủ cơ sở thực tiễn, có sự đánh giá tác động kỹ lưỡng việc tiêu thụ đường càng nhiều và lượng đường trong nước giải khát càng cao, càng ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe thì tôi đề nghị tính toán lại mức thuế suất, mức thuế suất cứng là trên 5g/100ml với mức thuế suất là 10%, có thể nghiên cứu quy định các ngưỡng cụ thể tăng dần mức thuế suất tính tối thiểu là 10% như mặt hàng rượu, bia", ông Mai nói.

GDP giảm 42.570 tỷ đồng sau khi thu thuế TTĐB nước giải khát có đường

Theo Báo cáo nghiên cứu đánh giá tác động kinh tế của dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường do Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương vừa công bố, ngành nước giải khát chiếm 38% số lượng doanh nghiệp của ngành đồ uống, tương đương 2.500 doanh nghiệp, với hơn 400 doanh nghiệp sản xuất nước giải khát và có gần 2.100 doanh nghiệp bán buôn, bán lẻ.

Nếu áp thuế tiêu thụ đặc biệt mức 10% đối với nước giải khát theo tiêu chuẩn Việt Nam có hàm lượng đường từ 5g/100ml thì giá trị tăng thêm và giá trị sản xuất của nhóm ngành nước giải khát đều giảm, trong đó ước tính giá trị tăng thêm giảm 0,772%, tương đương giảm 5.650 tỷ đồng.

Đồng thời, việc áp thuế không chỉ tác động tới ngành nước giải khát mà còn tác động tới 24 ngành khác trong quan hệ liên ngành, hệ quả tác động tới toàn nền kinh tế như tổng giá trị tăng thêm của nền kinh tế giảm 0,601%, tương đương là 55.077 tỷ đồng; GDP giảm 0,448%, tương đương giảm 42.570 tỷ đồng; lợi nhuận của các doanh nghiệp giảm 0,56%, tương đương 7.773 tỷ đồng; nguồn thu thuế từ doanh nghiệp bị sụt giảm 2.152 tỷ đồng...

Tin bài liên quan