Sự hứng khởi của ngành gỗ
Ngành gỗ Việt Nam đang bước vào giai đoạn tăng trưởng mạnh sau thời gian chịu tác động bởi đại dịch Covid-19. Trong 9 tháng đầu năm 2021, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt 9,7 tỷ USD, tăng 45% so với cùng kỳ. Sản phẩm gỗ đạt 11,14 tỷ USD, tăng 31% so với cùng kỳ.
Dịch bệnh diễn ra, người lao động làm việc tại nhà, họ có nhu cầu cao về trang bị bàn ghế, giường, tủ mới nhằm tạo không gian đẹp hơn và tiện nghi hơn, giúp cho nhu cầu đồ gỗ tăng cao ở nhiều thị trường. Trong khi đó, đồ gỗ Việt Nam rất hấp dẫn người tiêu dùng và được các doanh nghiệp tuân thủ truy xuất nguồn gốc, xuất xứ.
Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, nhiều doanh nghiệp ngành gỗ đã nhận đơn hàng xuất khẩu cho hết năm 2021, một số đã nhận đơn của năm 2022. Nhu cầu dự kiến tiếp tục tăng mạnh khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, kinh tế toàn cầu nói chung và thị trường bất động sản nói riêng hồi phục, kéo theo nhu cầu về đồ nội thất mới tăng cao, nhất là những thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc, EU…
Lợi thế của An Cường
Gỗ An Cường đang đứng đầu cả nước trong ngành sản xuất gỗ công nghiệp, đồng thời nắm giữ đến 55% thị phần nguyên liệu gỗ công nghiệp và vật liệu trang trí trung và cao cấp. ACG là cái tên đầu tiên được các nhà thầu thi công thiết kế và các tập đoàn bất động sản hàng đầu tại Việt Nam lựa chọn để làm đối tác cung cấp nguyên vật liệu.
Công ty đặt mục tiêu đạt 70% thị phần trong nước ở phân khúc trung và cao cấp, là doanh nghiệp số 1 Việt Nam và khu vực về vật liệu, giải pháp và nội thất làm từ gỗ công nghiệp.
Bên cạnh đó, ACG cũng đang đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường khó tính, tập trung chủ yếu vào thị trường Mỹ. Tỷ trọng xuất khẩu trên doanh thu tăng từ 6% trong năm 2018, lên đến hơn 20% trong năm 2021.
Việc Mỹ áp dụng thuế chống bán phá giá và thuế đối kháng lên sản phẩm gỗ Trung Quốc, mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp đồ gỗ của Việt Nam như ACG. Sự phát triển vững chắc cùng những tệp khách hàng lớn trong nước và nước ngoài là tiền đề quan trọng tạo nên tăng trưởng của ACG.
Bất chấp ảnh hưởng bởi đại dịch Covid, trong 9 tháng đầu năm 2021, ACG ghi nhận doanh thu 2.205 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 296 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ. Quý IV được kỳ vọng sẽ đem lại sự tăng trưởng cho ACG khi sản xuất đã trở lại guồng quay, sản lượng và đơn đặt hàng nhiều hơn. Đặc biệt, Công ty vừa đưa nhà máy tại Bình Dương đi vào hoạt động, góp phần nâng cao năng suất và vị thế của ACG trên thị trường.
Sức bật của ACG khi chuyển sang HOSE
Tại Đại hội cổ đông bất thường năm 2021, ACG đã thông qua kế hoạch tạm ứng cổ tức đợt 1 năm 2021 bằng tiền mặt tỷ lệ 5% và phát hành thêm gần 44 triệu cổ phiếu tạm ứng cổ tức năm 2021, đồng thời chào bán thêm gần 4,4 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Đại hội cũng thông qua kế hoạch chuyển cổ phiếu ACG sang niêm yết trên sàn HOSE.
Giới đầu tư nhận định, ACG là cổ phiếu đầu ngành gỗ hiện đang giao dịch trên UPCoM chưa được nhiều nhà đầu tư biết đến. Nếu chuyển sang HOSE, dự báo sẽ có một cơn sóng tăng trưởng lớn diễn ra với cổ phiếu này.
ACG hiện nay có sức khoẻ tài chính tốt, tổng tài sản tính đến hết ngày 30/9/2021 đạt 4.747 tỷ đồng, tăng 7% so với đầu năm. Biên lợi nhuận tiếp tục duy trì ở mức cao so với bình quân ngành (24 - 29%). Năm 2021, lợi nhuận của ACG được kỳ vọng tăng trưởng 5 - 10%.
Sở hữu lợi thế là đội ngũ lãnh đạo giàu kinh nghiệm, tệp khách hàng lớn và trung thành, hệ thống sản phẩm đa dạng, ứng dụng công nghệ trong sản xuất với nhiều sáng kiến, sáng tạo, ACG sẵn sàng bứt phá trong thời gian tới. Đặc biệt, khi nhà máy tại Bình Dương với quy mô lớn được lấp đầy công suất, sẽ giúp ACG tối đa lợi nhuận mà không cần phải đầu tư thêm.
Trên thị trường chứng khoán, ACG hiện đang giao dịch quanh thị giá 111.800 đồng/cổ phiếu, thuộc nhóm cổ phiếu có thị giá, EPS tốt nhất trên thị trường và có tiềm năng tăng trưởng bền vững.